Canh tác thuận tự nhiên

canh tac tu nhien.jpg

1. TỔNG QUAN VỀ PHƯƠNG PHÁP CANH TÁC TỰ NHIÊN (NATURAL FARMING)

1.1. Khái niệm


Phương pháp canh tác tự nhiên được hiểu là quá trình trồng trọt mô phỏng theo tự nhiên và không sử dụng các hóa chất tổng hợp.
Quan điểm này được dựa trên nguyên lý phát triển của các hệ sinh thái tự nhiên dạng nguyên sinh, hạn chế sự can thiệp của con người.

Một ví dụ trong các thuyết trình để minh họa cho phương pháp canh tác tự nhiên là quan sát các khu rừng nguyên sinh, sẽ nhận thấy:
  • Không có phân bón
  • Không có hệ thống tưới
  • Không có thuốc bảo vệ thực vật
  • Không cần cải tạo đất và che phủ
  • Không cần xử lý ô nhiễm môi trường
  • Không có không gian cách ly như nhà màng, nhà lưới…
Các nguyên lý để tạo nên hệ sinh thái bền vững bao gồm:
  • Chọn lọc tự nhiên
  • Hệ thống thực vật đa tầng tán, khép kín và tuần hoàn
  • Hệ thực vật và thảm lá tự tạo ra độ ẩm bằng việc tích lúy trong không khí
  • Dinh dưỡng cây trồng được tạo ra trong đất
  • Hệ sinh thái cân bằng với chuỗi thức ăn và các thiên địch
Tuy nhiên, trong sản xuất nông nghiệp theo hướng tự nhiên chỉ là quá trình mô phỏng, do đó, việc hiểu rõ bản chất của các hiện tượng sẽ tạo ra các giải pháp ứng dụng để đạt các yêu cầu:
  • Tính toán và xây dựng các hệ thống cân bằng, tự vận hành, hạn chế sự can thiệp của con người.
  • Canh tác không hóa chất tổng hợp
  • Giảm thiểu chi phí: đầu tư, nhân công, dinh dưỡng cây trồng, bảo vệ thực vật
  • Đảm bảo chất lượng nông sản ở mức cao
  • Phát triển bền vững

1.2. Các trường phái

1.2.1. Nông nghiệp vĩnh cửu (Permaculture)

Permaculture là một hệ thống các nguyên tắc trong thiết kế xã hội và nền nông nghiệp. Hệ thống các nguyên tắc này tập trung vào việc mô phỏng và tận dụng các mô hình và tính năng quan sát được trong hệ sinh thái tự nhiên. Thuật ngữ permaculture được David Holmgren, sinh viên đại học, và giáo sư của ông, Bill Mollison, đưa ra năm 1978. Từ permaculture xuất phát từ hai từ permanent (lâu dài, vĩnh cửu) và agriculture (nông nghiệp), có nghĩa là "nông nghiệp vĩnh cửu", nhưng sau đó thuật ngữ này được hiểu rộng thành permanent culture, tức là "văn hoá vĩnh cửu". Các khía cạnh xã hội là những phần không thể tách rời để có một hệ thống thực sự bền vững. Cách hiểu này được lấy cảm hứng từ triết lý nông nghiệp thuận tự nhiên của Masanobu Fukuoka.
Permarculture gồm nhiều nhánh, nhưng không giới hạn: thiết kế sinh thái, kỹ thuật sinh thái, thiết kế môi trường, xây dựng. Permaculture cũng bao gồm quản lý tài nguyên nước tổng hợp để phát triển kiến trúc bền vững và hệ thống nông nghiệp và môi trường sống tự duy trì và tự tái tạo. Những hệ thống và kiến trúc này được mô hình hóa từ hệ sinh thái tự nhiên

Các nguyên lý của permaculture:
  1. Bảo vệ trái đất: Cung cấp cho tất cả các hệ thống sống để tiếp tục và nhân rộng. Đây là nguyên tắc đầu tiên, bởi vì nếu không có một trái đất khỏe mạnh, con người không thể sinh tồn và phát triển.
  2. Bảo vệ con người: Cung cấp cho người dân cách tiếp cận các nguồn lực cần thiết cho sự tồn tại của họ.
  3. Thiết lập các giới hạn dân số và tiêu dùng: Bằng cách điều chỉnh các nhu cầu của cá nhân, chúng ta có thể đặt các nguồn lực sang một bên để tiếp tục các nguyên tắc trên. Luận cứ thứ ba đôi khi được gọi là Fair Share, phản ánh rằng mỗi người trong chúng ta không nên lấy đi nhiều hơn những gì chúng ta cần trước khi chúng ta tái đầu tư thặng dư.

12 nguyên tắc của permaculture:
  1. Quan sát và tương tác
  2. Thu hút và tích trữ năng lượng
  3. Đảm bảo có năng suất
  4. Áp dụng tự điều chỉnh và chấp nhận phản hồi
  5. Sử dụng và đánh giá các nguồn tài nguyên và dịch vụ tái tạo
  6. Không tạo ra chất thải
  7. Đi đến thiết kế mô hình chi tiết
  8. Tích hợp chứ không phải tách biệt
  9. Sử dụng các giải pháp nhỏ và chậm
  10. Sử dụng và đa dạng giá trị
  11. Sử dụng các cạnh và giá trị biên
  12. Sử dụng sáng tạo và đáp ứng sự thay đổi

1.2.2. Nông nghiệp thuận tự nhiên

Nông nghiệp tự nhiên (tiếng Anh: Natural Farming) là một thuật ngữ nói về việc tiếp cận nông nghiệp sinh thái, được đưa ra bởi Masanobu Fukuoka (1913-2008), một nông dân người Nhật và cũng là một nhà triết học đã mô tả cách canh tác của mình là "Nông hóa tự nhiên"

Nông nghiệp thuận tự nhiên gần gũi với nông nghiệp vĩnh cửu, và có 5 nguyên tắc cơ bản bao gồm
  1. Không cày xới đất canh tác
  2. Không có phân bón
  3. Không có thuốc bảo vệ thực vật (thuốc diệt cỏ)
  4. Không làm cỏ
  5. Không cắt tỉa

Tuy nhiên, việc ứng dụng nông nghiệp thuận tự nhiên sẽ gặp những khó khăn nhất định, chủ yếu là vấn đề tâm lý của người sản xuất như:
  • Thời gian dài
  • Lo sợ không đảm bảo năng suất
  • Không có vùng cách ly, trở thành trung tâm phá hoại của các loại côn trùng, dịch hại
  • Đi ngược lại tâm lý năng suất cao ngắn ngày
Do đó, mô hình nông nghiệp thuận tự nhiên cần có một quá trình thích nghi, chuyển đổi về cả tâm lý người sản xuất đến thực trạng sản xuất tại các địa phương có nhu cầu sản xuất nông sản theo sản lượng.

Nhưng mặt khác, nông nghiệp thuận tự nhiên lại là tiền đề và tạo tiềm năng rất lớn cho du lịch nông nghiệp.

1.2.3. Nông nghiệp hữu cơ có kiểm soát

Nông nghiệp hữu cơ hay còn gọi canh tác hữu cơ là một hệ thống nông nghiệp luân canh có nguồn gốc từ thế kỷ XX ra đời trong sự thay đổi nhanh chóng các hệ thống canh tác trên thế giới. Nông nghiệp hữu cơ liên tục được phát triển bởi tổ chức Nông nghiệp hữu cơ khác nhau cho đến ngày hôm nay. Canh tác này chủ yếu dựa vào phân bón có nguồn gốc hữu cơ như phân từ gia súc gia cầm, phân xanh, phân trộn, bột xương, … tăng độ phì cho đất bằng nhóm cây trồng có tác dụng cải tạo đất. Nhấn mạnh vào các kỹ thuật luân canh giống cây trồng, kiểm soát dịch hại sinh học, sử dụng xen canh cây trồng khắc chế dịch hại hoặc khuyến khích sự tồn tại động vật là thiên địch của sâu bệnh dịch hại.

Theo Liên đoàn nông nghiệp hữu cơ quốc tế:

"Nông nghiệp hữu cơ là một hệ thống sản xuất để duy trì sức khỏe của đất, hệ sinh thái và con người. Nó dựa trên quá trình sinh thái, đa dạng sinh học và chu trình thích nghi với điều kiện địa phương, chứ không phải là việc sử dụng các yếu tố đầu vào có tác dụng phụ. Nông nghiệp hữu cơ kết hợp truyền thống, đổi mới và khoa học có lợi cho môi trường chung và thúc đẩy các mối quan hệ công bằng, một cuộc sống chất lượng cho tất cả tham gia... "

Một số biện pháp đặc trưng của nông nghiệp hữu cơ khuyến nghị áp dụng bao gồm:
  1. Thu hút động vật ăn thịt có ích để kiểm soát sâu bệnh bằng cách tạo cho chúng vườn cây hoặc môi trường sống thay thế, thường là hình thức của một băng xanh hoặc đám ruộng cây làm ngân hàng động vật (thường là bọ cánh cứng).
  2. Khuyến khích các vi sinh vật có lợi;
  3. Luân canh cây trồng đến các địa điểm khác nhau qua các vụ, trong một số năm làm gián đoạn chu kỳ sinh sản sâu bệnh;
  4. Trồng cây hoang dã hoặc cây có sức đề kháng cao để đẩy lùi hoặc tác động đến sự phát triển quần thể sâu bệnh.
  5. Sử dụng hàng rào bảo vệ cây trồng trong thời kỳ di cư sâu bệnh;
  6. Sử dụng thuốc trừ sâu sinh học và thuốc diệt cỏ sinh học
  7. Sử dụng biện pháp tạo và làm cũ luống cây trồng để nảy mầm và tiêu diệt cỏ dại trước khi trồng.
  8. Vệ sinh để hạn chế môi trường sống sâu bệnh;
  9. Sử dụng bẫy côn trùng để giám sát và kiểm soát quần thể côn trùng.
  10. Sử dụng các rào cản vật lý, chẳng hạn như lưới.

1.3. Các nguyên tắc chung

Về cơ bản, các trường phái nói trên đều có những điểm tương đồng, đó là:
  • Không sử dụng các hóa chất tổng hợp
  • Không ảnh hưởng đến sức khỏe người sản xuất và người tiêu dùng
  • Không ảnh hưởng đến môi trường
  • Không sử dụng những giống biến đổi gien, có sự tác động của con người để mất cân bằng sinh thái
  • Sử dụng các nguyên lý của tự nhiên làm cơ sở

Tuy nhiên, trong từng điều kiện, hoàn cảnh thực tế, việc sử dụng các phương pháp của các trường phái nói trên phụ thuộc rất lớn vào các yếu tố:
  • Thực tế của môi trường canh tác
  • Tâm lý của người sản xuất
  • Kiến thức của người sản xuất
  • Sự đảm bảo về các giá trị kinh tế trong các chuỗi liên kết
Do đó, việc triển khai thực tế sẽ có thể cần một quá trình có tính linh hoạt, điều chỉnh đặt trong một chuỗi liên kết: sản xuất – chế biến – thương mại – truyền thông – sử dụng, tương đương với Nông dân – Người chế biến nông sản – Kênh truyền thông – Kênh thương mại – Người tiêu dùng.

Xuyên suốt trong quá trình này cần đảm bảo tính minh bạch, và có sự hỗ trợ tham gia của các chính quyền, cơ chế giám sát, quy định pháp luật, công nghệ thông tin…

2. HỆ SINH THÁI CÁC LỢI KHUẨN ỨNG DỤNG TRONG NÔNG NGHIỆP

2.1. Vi sinh vật bản địa IMO

Vi sinh vật bản địa (Tiếng Anh: Indigenous Microorganism; viết tắt: IM, IMO) bao gồm các loài vi sinh có nguồn gốc bản địa, sinh sống và phát triển trong môi trường tự nhiên.

Các vi sinh vật bản địa sống trong đất, nước... tham gia tích cực vào quá trình phân giải chất hữu cơ biến chúng thành CO2 và những hợp chất vô cơ sử dụng làm thức ăn cho cây trồng; một số vi sinh vật cố định nitơ thông qua việc biến khí nitơ (N2) trong không khí thành các hợp chất chứa nitơ để cung cấp cho thực vật.

Tổ hợp vi sinh vật bản địa được lựa chọn tương thích với sức khỏe con người, vật nuôi, cây trồng được thu thập, hỗ trợ nhân bản để trở thành một giải pháp hỗ trợ phân giải nhanh các chất hữu cơ (ứng dụng trong sản xuất phân bón) hay xử lý các nguồn vi khuẩn có hại (theo nguyên lý cạnh tranh sinh tồn) hoặc xử lý không khí bằng việc phân giải các hợp chất gây mùi khó chịu…

Ửng dụng của IMO trong nông nghiệp rất đa dạng:
  • Phân giải các chất hữu cơ tạo nguồn dinh dưỡng cây trồng
  • Cải tạo môi trường đất
  • Xử lý bệnh hại cây trồng
  • Được sử dụng trong hỗn hợp thuốc bảo vệ thực vật từ nguồn hữu cơ
  • Hỗ trợ sản xuất thức ăn chăn nuôi lên men
  • Làm thảm sinh học trong chăn nuôi
  • Xử lý ô nhiễm nước
  • Xử lý ô nhiễm không khí
Việc chủ động tạo ra nguồn vi sinh vật bản địa có nhiều cách khác nhau, tuy nhiên có hai cách tương đối phù hợp với điều kiện tại Việt Nam.

Các phương pháp tạo IMO:

Phương pháp 1: Tạo IMO từ nguồn tinh bột.

  1. Nguyên liệu: gạo (nên chọn loại gạo rẻ tiền) hoặc một nguồn giàu carbohydrate; đường nâu hoặc mật đường, khay gỗ (thường dùng khay có kích thước 40*40 cm, cao khoảng 7-8 cm).
  2. Điều chế:
  • Nấu gạo thành cơm chín, trải thành một lớp 2-3 cm trong khay, không nén chặt nhằm tạo diện tích lớn nhất để vi sinh vật phát triển. Dùng giấy niêm phong lại cho chặt, đảm bảo không bị chùng xuống chạm vào lớp cơm trong khay.
  • Tìm nơi có tán tre hoặc tán cây rậm rạp (thường là nơi tập trung nhiều vi sinh vật nhất), đào một hố nông bằng khoảng 1/2 chiều cao khay gỗ, cho khay chứa cơm đã chuẩn bị vào, dùng lá mục, cành khô gần ngay tại đó phủ sao cho kín, nếu sợ mưa có thể phủ lên một lớp nilon. Sau 3-4 ngày (mùa nóng) hoặc 5-6 ngày (mùa lạnh), lớp cơm trong khay gỗ sẽ bị bao phủ bởi một lớp mốc trắng, đôi khi có lẫn một số mốc khác màu vào.
  • Thu lấy lớp cơm chứa mốc trắng (không nên hoặc hạn chế dùng đến phần cơm chứa các mốc màu khác vì các vi sinh vật có hại có thể lẫn vào) đem trộn với mật đường hoặc đường nâu theo tỷ lệ khối lượng 1:1, cho vào đầy khoảng 2/3 một hũ chứa sạch, dùng giấy báo niêm phong lại, để nơi râm mát trong khoảng 7 ngày.
  • Sau thời gian này, đem chắt lọc lấy phần IMO lỏng (có thể thu được rất ít) cho vào một hũ chứa khác, dùng giấy niêm phong lại. IMO lỏng thu được gọi là IMO-2, còn IMO ban đầu (phần cơm chứa mốc trắng) gọi là IMO-1. Một số nơi khi làm bước trộn cơm mốc với đường có thể thêm một lượng nước sạch bằng 3 lần lượng hỗn hợp cơm + đường, sau khi lọc sẽ thu được sản phẩm gọi tắt là IMO tổng hợp.

Phương pháp 2: Tạo IMO từ nguồn trái cây, thực vật

1. Nguyên liệu:
  • Bí ngô 03 kg
  • Chuối 03 kg
  • Đu đủ 03 kg
  • Đường đỏ 03 kg
  • Trứng gà 05 quả
  • Nước sạch 10 lit
  • Chuẩn bị 01 thùng nhựa có nắp kín, dung tích 30 lit
2. Thực hiện:
  • Rửa sạch trái cây. Cắt nhỏ (bao gồm cả vỏ) thành lát mỏng
  • Cho tất cả các thành phần trên vào thùng nhựa. Đậy nắp kín. Để khoảng hở cho quá trình lên men.
  • Sau 10 ngày, mở nắp thùng nhựa ra. Sẽ thấy có lớp váng sẽ xuất hiện trên bề mặt. Nếu không có nấm, thêm đường đỏ và tiếp tục ủ
  • Sau mỗi 10 ngày, mở nắp, khuấy đều hỗn hợp.
  • Từ ngày thứ 30 đến ngày 45, khuấy đều mỗi ngày, sau đó đậy kín. Sau 45 ngày, IMO1 hoàn thành
  • Lọc kỹ trước khi sử dụng. Khi sử dụng, pha loãng theo tỷ lệ 200 ml/10 lit nước.
  • Sau khi có E.M1, có thể nhân bản với rỉ đường (hoặc mật mía, đường đỏ…) với tỷ lệ
Ghi chú:
  • Trong trường hợp sử dụng nước mưa, nước máy, nước giếng khoan, cần đảm bảo sạch clo và chất sắt. Khuyến cáo, nên sử dụng nước sau khi sử dụng là 01 tuần từ khi chuẩn bị
  • Các loại trái cây, bí ngô được sử dụng có thể là chín (không bỏ vỏ)
  • Trứng gà cần tươi, không sử dụng trứng gà đã bảo quản lâu ngày
  • Trong quá trình mở nắp, cần thận trọng vì có khí ga do quá trình lên men. Nên mở nắp từ từ, đặc biệt sau 10 ngày đầu. Có thể hạn chế bằng cách khoan lỗ nhỏ trên nắp thùng hoặc để khoảng không trong thùng.

2.2. Giấm

Giấm là một chất lỏng có vị chua, được hình thành từ sự lên men của rượu etylic. Thành phần chính của giấm là dung dịch axit axêtic (CH3COOH) có nồng độ khoảng 5%.

Giấm được tạo ra bởi các chủng vi khuẩn Lacto bacillus, phân hủy các loại hoa quả chín, đường để sinh sôi, tạo ra nguồn axit hữu cơ (ngoài ra có thể tạo ra giấm từ xác thực vật, mùn cưa, dăm bào…)

Ứng dụng của dấm rất rộng rãi trong nông nghiệp:

  • Thành phần trong hỗn hợp xử lý trứng sâu bệnh, ngăn chặn việc nở thành ấu trùng có hại cho cây trồng.
  • Xử lý nước.
  • Xử lý không khí và diệt các hại khuẩn gây mùi.
  • Hỗ trợ phân giải các chất hữu cơ để làm dinh dưỡng cây trồng mà không tạo ra mùi hôi thối khó chịu.
  • Diệt trừ nhiều loại vi khuẩn gây hại theo phương pháp cạnh tranh sinh học.
  • Có thể sử dụng diệt cỏ theo phương pháp sinh học.
Phương pháp sản xuất giấm:

Nguyên liệu:
  • 1 quả dừa tươi
  • 1 ly rựơu trắng
  • 20 ly nước lọc
Cách làm:
  • Cho nước và rượu vào lọ thủy tinh khuấy đều sau đó cho nước dừa
  • Dùng đũa sạch khuấy đều sau đó đậy kín nắp lại
  • Để nơi thoáng mát sau 2 tháng thì giấm chua và dùng được
  • Khi mở nắp thấy lớp màng dày màu trắng thì đó chính là con giấm.
  • Múc hết nước dấm ra chai để dùng và cho rượu và nước dừa và nước lọc vào bằng lượng nước múc ra
  • Các lần sau chỉ một tháng là dùng được và chiết giấm ra một lần
Phương pháp nhân giấm từ rỉ mật, đường mía
  1. Nguyên liệu:
  • Bình thủy tinh
  • Giấm và con giấm
  • Đường mía
  • Nước sạch
  1. Cách làm:
  • Pha hỗn hợp đường và nước theo tỉ lệ 1 đường/ 6 nước
  • Đổ hỗn hợp vào bình đựng có giấm và con giấm
  • Sau 30 ngày sẽ có lượt giấm mới
  • Có thể bổ sung thêm chuối chín để quá trình tạo giấm nhanh hơn.

2.3. Rượu ủ lên men từ tinh bột

Rượu lên men từ tinh bột là một trong những giải pháp quan trọng của nông nghiệp không hóa chất. Đó là sản phẩm được tạo ra từ quá trình phân giải các chất tinh bột, đường với vi khuẩn có lợi và các nấm men.

Ứng dụng của rượu trong nông nghiệp rất đa dạng:
  • Diệt khuẩn có hại
  • Phân giải các chất hữu cơ, có thể tạo thuốc bảo vệ thực vật sinh học chi phí thấp theo phương pháp ngâm các loại cây có tinh dầu ảnh hưởng đến sinh vật có hại.
  • Sử dụng trong hỗn hợp IMO – Giấm – Rượu tạo ra dung dịch xử lý trứng côn trùng gây hại.
  • Xử lý ô nhiễm không khí
  • Lên men thức ăn cho vật nuôi, tăng khả năng hấp thụ của vật nuôi và giảm chi phí thức ăn, chi phí chế biến, chi phí nhân công…

Phương pháp sản xuất rượu ủ lên men chi phí thấp:
  1. Nguyên liệu:
  • Men rượu dạng bánh: 02 kg
  • Tinh bột (gạo, sắn, khoai): 40 kg
  • Rỉ mật: 21 lit
  • Nước đã khử Clo: 400 lit
  1. Cách làm:
  • Nấu chín hỗn hợp tinh bột, để nguội (đối với nguồn nguyên liệu lớn như sắn, khoai có thể dùng phương pháp ủ đốt bằng chính nguồn lá cây, cành khô tại chỗ)
  • Nghiền nhỏ bánh men rượu, rắc vào hỗn hợp, đảo đều
  • Lót lá chuối, lá cây trong thùng và đưa nguyên liệu vào, đậy kín
  • Sau 7 – 10 ngày, có được hỗn hợp men rượu.
  • Bổ sung 100 lit hỗn hợp rỉ mật với nước theo tỉ lệ 1/20, cho vào bình khuấy đều, chắt cạn nước. Thu được 100 lit. Tiếp tục đậy nắp kín để nước rượu lên men)
  • Bổ sung bánh men nghiền nhỏ (mỗi đợt 500 gr) vào bã hỗn hợp, tiếp tục lặp lại quá trình ủ 7 -10 ngày.
  • Bổ sung 03 lần, mỗi lần 100 lit hỗn hợp rỉ mật và nước theo tỉ lệ 1/20 vào bình. Chắt nước và lặp lại việc ủ men.
  • Sau khi thu được 400 lit, chia đều bã men vào các thùng chứa.
  • Lưu ý: có thể sử dung nước hỗn hợp bất cứ lúc nào, miễn là đã ủ sau 10 ngày.

2.4. Nước lên men trái cây

Nước lên men trái cây với rỉ mật, đường về cơ bản là một dạng hỗn hợp IMO và rượu, được chế tạo bằng việc lên men các loại trái cây chín.
Với các loại trái cây nhiều đường như chuối, dứa…, tỉ lệ ủ giữa rỉ mật, đường và trái cây là 1:2
Với các loại ít đường như bí đỏ, khế…,tỉ lệ ủ giữa rỉ mật, đường và trái cây là 1:1

Công dụng và cách sử dụng tương tự như IMO nhưng hiệu quả kém hơn. Tuy nhiên, đây lại là hỗn hợp bổ sung cho IMO đa chủng khi thoái hóa.
(Xem thêm phần IMO)

2.5. Nấm đối kháng Trichoderma

Nấm Trichoderma thường sống trong đất tập trung nhiều ở khu vực rễ cây. Chủng nấm này có đến 33 loài, hầu hết đều có lợi cho cây trồng. Một số giúp cố định đạm trong đất, số khác phân giải các chất hoặc tấn công tiêu diệt các loài nấm bệnh gây hại cho cây trồng. Do tính chất đối kháng với nấm bệnh, nên người sản xuất nông nghiệp thường Trichoderma mà là “Nấm đối kháng Trichoderma”

Ứng dụng của nấm đối kháng Trichoderma:
  • Phân hủy các chất hữu cơ, tạo nguồn dinh dưỡng cho cây trồng (ủ phân bón hữu cơ)
  • Diệt các khuẩn có hại như khuẩn tạo mùi (nên có chức năng khử mùi), khuẩn bệnh hại rễ và các vùng tổn thương trên cây trồng.
  • Hỗ trợ kháng thể cây trồng.
  • Cách sử dụng trichoderma có thể tìm hiểu trên bao bì, sách hướng dẫn của các nhà sản xuất.

Phương pháp nhân bản Trichoderma chi phí thấp:
Nguyên liệu:
  • Nấm gốc trichoderma: 01 kg
  • Cám gạo: 10 kg
  • Rỉ mật: 1 lit
  • Nước sạch khoảng 5 lit
Cách làm:
  • Trộn trichoderma gốc với cám gạo
  • Hòa rỉ mật và nước theo tỉ lệ 1:5
  • Tưới đều và đảo trộn hỗn hợp nấm, cám gạo, nước – rỉ mật. Nắm chặt hỗn hợp trong tay, vắt mạnh để kiểm tra độ ẩm, không có nước chảy qua kẽ tay là được.
  • Ủ trong bình có khoảng không khí, đậy kín nắp. Để trong nơi râm mát, nhiệt độ lý tưởng từ 20 – 30oC. Sau khoảng 1 tuần, kiểm tra thấy hỗn hợp có mùi thơm nhẹ, nấm lan đều là thành công.

2.6. Các dịch ngâm

2.6.1. (Phân bón) dịch ngâm động vật có nguồn đạm cao:
  • Nguồn nguyên liệu: cá, ốc, nguồn thải của các cơ sở chế biến thủy sản
  • Các phương pháp ngâm dịch:
    • Ngâm ủ dài hạn: sử dụng IMO hoặc Trichoderma để ngâm nguyên liệu trong bể kín. Thời gian từ trên 60 ngày.
    • Ngâm ủ ngắn hạn theo phương pháp rửa: sử dụng IMO hoặc Trichoderma ngâm nguyên liệu trong bể có vòi xả. Sau 7 ngày, có thể liên tục xả thành phẩm và bổ sung hỗn hợp nước IMO, Trichoderma, sau đó tiếp tục xả để thu thành phẩm (tối ưu hóa, giảm chi phí)
    • Có thể thay cá, ốc bằng đậu tương.
    • Xem thêm mục III. Các phương pháp tạo nguồn dinh dưỡng cây trồng.

2.6.2. (Phân bón) dịch ngâm thực vật giàu dinh dưỡng
  • Nguồn nguyên liệu:
    • Kali thực vật: chuối, khoai lang, tro cỏ tranh
    • Đa vi lượng: lá và thân cây chùm ngây
    • Phốt pho: vỏ trứng, xương động vật
  • Các phương pháp ngâm dịch:
    • Ngâm ủ dài hạn: sử dụng IMO hoặc Trichoderma để ngâm nguyên liệu trong bể kín. Thời gian từ trên 60 ngày.
    • Ngâm ủ ngắn hạn theo phương pháp rửa: sử dụng IMO hoặc Trichoderma ngâm nguyên liệu trong bể có vòi xả. Sau 7 ngày, có thể liên tục xả thành phẩm và bổ sung hỗn hợp nước IMO, Trichoderma, sau đó tiếp tục xả để thu thành phẩm (tối ưu hóa, giảm chi phí)
    • Xem thêm mục III. Các phương pháp tạo nguồn dinh dưỡng cây trồng.

2.6.3. (Bảo vệ thực vật) dịch ngâm các loại cây có tinh dầu hoặc độc tố với côn trùng (an toàn với con người)
  • Nguồn nguyên liệu:
    • Cây sả (khuyến nghị trồng vùng nguyên liệu trong khu vực sản xuất)
    • Củ tỏi (khuyến nghị trồng vùng nguyên liệu trong khu vực sản xuất)
    • Cây xuyến chi
    • Cây sài đất
    • Cây bạc hà
    • Cây hương nhu
  • Các phương pháp ngâm dịch:
    • Ngâm ủ dài hạn: sử dụng IMO hoặc Trichoderma để ngâm nguyên liệu trong bể kín. Thời gian từ trên 60 ngày.
    • Ngâm ủ ngắn hạn theo phương pháp rửa: sử dụng IMO hoặc Trichoderma ngâm nguyên liệu trong bể có vòi xả. Sau 7 ngày, có thể liên tục xả thành phẩm và bổ sung hỗn hợp nước IMO, Trichoderma, sau đó tiếp tục xả để thu thành phẩm (tối ưu hóa, giảm chi phí)
    • Xem thêm mục III. Các phương pháp tạo nguồn dinh dưỡng cây trồng.

3. CÁC PHƯƠNG PHÁP TẠO NGUỒN DINH DƯỠNG CÂY TRỒNG

3.1. Các tiêu chí

  • Nguồn nguyên liệu dồi dào
  • Ít tốn chi phí nhân công
  • Ít chi phí đầu tư sản xuất: nhà xưởng, máy móc, năng lượng
  • Hạn chế vận chuyển
  • Tiện lợi
  • Nhanh chóng

3.2. Các phương pháp cung cấp dinh dưỡng

3.2.1. Qua hệ rễ

Việc cung cấp dinh dưỡng qua hệ rễ để giảm tối đa chi phí và đạt các tiêu chí nói trên có những phương pháp sau:
  • Tưới tràn
  • Tưới qua hệ thống nước
  • Ngâm ủ trực tiếp xác động, thực vật trong mương với IMO và xả nước
  • Chôn lấp xác động, thực vật dưới thảm cỏ, có hỗ trợ của IMO, trichoderma
Ưu điểm:
  • Giảm chi phí đầu tư cho hệ thống tưới nếu kết hợp với rãnh
  • Giảm chi phí nhân công tưới
  • Tạo hệ dinh dưỡng cho cây trồng trong đất bền vững

Nhược điểm:
  • Khó cân bằng các chất dinh dưỡng theo từng thời vụ, thời điểm
  • Lượng hấp thụ dinh dưỡng của cây trồng thấp
Lưu ý:
  • Cần có sự hỗ trợ liên tục của IMO để tăng nhanh quá trình phân giải các chất hữu cơ. Đồng thời cần lưu ý các tỉ lệ hòa tan với nước của các dung dịch ngâm đậm đặc (thông thường tỉ lệ từ 1/50 đến 1/200) để cây trồng không bị sốc dinh dưỡng.
  • Cần có thảm thực vật (đối với cây ăn quả) hoặc lớp che phủ bằng xác thực vật như rơm, rạ, lá cỏ vetiver, lá cốt khí, lá sả…đối với rau, hoa để tránh việc bốc hơi dinh dưỡng.
  • Có thể sử dụng các rãnh liên thông để dẫn nước có dinh dưỡng phân hủy trong các vườn cây, vườn rau để giảm thiểu các chi phí tưới, chi phí nhân công…

3.2.2. Qua lá
Việc cung cấp dinh dưỡng qua lá được đánh giá là hiệu quả cao hơn rất nhiều lần qua việc tưới rễ. Tuy nhiên, việc cung cấp dinh dưỡng theo cách làm này cần sự hỗ trợ của máy phun sương và chỉ có thời điểm là sáng sớm hoặc chiều muộn. Đặc biệt cần lưu ý là cây được tưới trước khi phun dinh dưỡng qua lá.

Có thể thêm phụ gia tạo độ bám dính vào dung dịch phun qua lá như các loại tinh bột.

Ưu điểm:
  • Tiết kiệm phân bón, dinh dưỡng cây trồng
  • Hiệu quả nhanh chóng, tức thời do cây trồng hấp thụ trực tiếp
  • Có thể điều chỉnh được các loại dinh dưỡng phù hợp vào các thời điểm như phát triển hệ rễ, chồi, ra hoa, kết quả…
Nhược điểm:
  • Tốn nhân công phun tưới
  • Phụ thuộc thiết bị tưới

3.2.3. Nguồn dinh dưỡng Đạm từ động vật
Việc ngâm ủ các loại động vật với IMO, Trichoderma khá dễ dàng nếu chủ động nhân giống được các hệ vi sinh, nấm có lợi.

Các nguồn đạm động vật cũng khá dồi dào, chi phí thấp như các sản phẩm thải sau chế biến thủy sản như ốc, cá… Và đối với những trang trại có diện tích rộng, hoàn toàn có thể đào mương, ao để tạo nguồn tại chỗ (Xem thêm phần Phân bón vĩnh cửu)

Việc ủ các loại xác động vật có thể chia làm hai loại, đó là:
  • Ngâm ủ dài hạn: sử dụng IMO hoặc Trichoderma để ngâm nguyên liệu trong bể kín. Thời gian từ trên 60 ngày.
  • Ngâm ủ ngắn hạn theo phương pháp rửa: sử dụng IMO hoặc Trichoderma ngâm nguyên liệu trong bể có vòi xả. Sau 7 ngày, có thể liên tục xả thành phẩm và bổ sung hỗn hợp nước IMO, Trichoderma, sau đó tiếp tục xả để thu thành phẩm (tối ưu hóa, giảm chi phí)
Thời điểm cung cấp dinh dưỡng đạm cho cây trồng cần tương thích với quá trình phát triển hệ rễ, lá, thân (Khác với việc cung cấp Kali vào thời điểm ra hoa, kết quả)

Phương pháp cung cấp dinh dưỡng cho cây trồng có thể linh hoạt giữa việc cung cấp qua rễ và lá, tùy theo điều kiện phù hợp.

Việc cung cấp dinh dưỡng có thể kết hợp với việc cấp nước cho cây trồng, hoặc phun chung với các dung dịch bảo vệ thực vật hữu cơ để giảm chi phí tưới.

Dung dịch tưới gốc thường pha theo tỉ lệ dịch ủ và nước ở mức 1/50
Dung dịch phun qua lá thường pha theo tỉ lệ dịch ủ và nước ở mức từ 1/50 đến 1/200

3.2.4. Nguồn dinh dưỡng Kali thực vật
Tương tự như nguồn dinh dưỡng đạm, nguồn Kali có thể được tạo ra từ việc ủ các loại cây có sinh khối cao, chứa nhiều Kali như chuối, tro cỏ tranh, khoai lang và cỏ voi.

Để tạo nguồn dinh dưỡng Kali dồi dào, có thể sử dụng phương pháp ngâm ngắn hạn với bể xả, sử dụng IMO hỗ trợ để phun trên lá.
Hoặc có thể phay nhỏ, rải lên bề mặt đất và tưới đẫm IMO đậm đặc (tỉ lệ IMO – Nước là 1/20)

Dung dịch ngâm ủ Kali thực vật có thể phun bón lá đậm đặc mà không sợ ảnh hưởng đến cây trồng. Thời điểm phun qua lá là khi cây sắp hoặc đang trổ hoa, kết quả.

Có thể phối trộn dung dịch Kali thực vật với dung dịch đạm và các dung dịch bảo vệ thực vật từ nguồn hữu cơ (không trộn lẫn các dung dịch hóa chất công nghiệp)

3.2.5. Nguồn dinh dưỡng đa lượng từ cây chùm ngây
Cây chùm ngây là một loại cây đặc biệt, chứa rất nhiều vi lượng trong thân, lá, cành. Do đó, việc ngâm ủ thân, lá, cành chùm ngây với IMO có thể tạo ra một loại dinh dưỡng chất lượng cao đối với mọi loại cây trồng.

Do đó, việc trồng một vùng cây chùm ngây để tạo nguồn dinh dưỡng là điều nên làm tại các trang trại lớn.
Đối với phương pháp phun lá, có thể ủ lá cây chùm ngây với IMO.
Đối với phương pháp tưới rễ, có thể ủ cây, cành, lá chùm ngây trong các rãnh nước gần cây trồng.
Để tạo ra lượng sinh khối lớn từ cây chùm ngây, cần lưu ý việc bấm ngọn, Tạo tán, khống chế cây với chiều cao dưới 1,5m. Và hoàn toàn có thể trồng cây với mật độ dày đặc để thu sinh khối.

3.2.6. Các giải pháp tạo nguồn dinh dưỡng vĩnh cửu (phân bón vĩnh cửu)
  • Đào mương, bơm nước, thả bèo, nuôi ốc. Sử dụng ốc, bèo để ủ với IMO, Trichoderma như nguồn phân bón vĩnh cửu, vô hạn.
  • Trồng chuối quanh các khu vực canh tác. Sau khi thu quả, có thể sử dụng thân cây chuối phay nhỏ, ủ với IMO, Trichoderma để làm nguồn phân bón kali vĩnh cửu.
  • Trồng chùm ngây để thu lá, cành, thân ủ với IMO, Trichoderma tạo nguồn phân bón đa vi lượng.

4. CÁC PHƯƠNG PHÁP BẢO VỆ THỰC VẬT

4.1. Sử dụng thảm thực vật che phủ gốc cho nhóm cây ăn quả, cây lâu năm

4.1.1. Ý nghĩa của thảm thực vật che phủ

Thảm thực vật che phủ đất đóng vai trò rất quan trọng trong việc canh tác thuận tự nhiên bởi các ý nghĩa sau:
  • Giữ ẩm cho khu vực trồng trọt và mặt đất. Chống bay hơi nước và giảm chi phí tưới
  • Chống bay hơi dinh dưỡng dạng đạm.
  • Tạo hệ sinh thái vi sinh vật đa dạng trong đất.
  • Tạo độ thoáng trong đất, hạn chế cày xới, giảm chi phí cải tạo đất
  • Khi cắt, xén thảm có thể tạo ra nguồn dinh dưỡng dồi dào, tái sinh bổ sung cho đất
Tại những trang trại, vùng trồng không có thảm thực vật che phủ, đất đai sẽ cằn cỗi, khô cạn, nghèo dinh dưỡng khiến chi phí đầu tư, vận hành cao hơn rất nhiều lần. Chưa kể đến quan niệm “cỏ cạnh tranh dinh dưỡng cây trồng” đã tạo ra phong trào sử dụng chất diệt cỏ độc hại hay tốn kém nhân công cắt cỏ định kỳ, tạo áp lực cho người trồng trọt.

4.1.2. Cỏ

Tham khảo thêm bài viết của Ths. Hoàng Sơn Công với tiêu đề “Để hay diệt cỏ”

1. Cỏ ăn dinh dưỡng cây trồng của cây?
Thực tế, cỏ ăn một tầng rất nông ở trên, hiếm có loại cỏ nào như vetiver.
Và nếu có ăn nhiều, cỏ vẫn trả lại xác thực vật.
Ngoài ra, chúng ta đã có phân bón vô hạn.

2. Cỏ và nước?
Thực tế, cỏ tạo ẩm rất tốt. Cả trên bề mặt và tầng đất. Buổi tối, vùng đất có cỏ sẽ dày mật độ hơi nước hơn.

3. Cỏ và đất?
Rễ cỏ làm tơi xốp đất. Cắt cỏ trên mặt, để lại rễ làm đất mềm và xốp

4. Cỏ là nguồn bệnh?
Thực tế, nếu chúng ta bổ sung lợi khuẩn, nấm xanh, nấm trắng thì lại là môi trường giúp trừ sâu, hạn chế sâu.

5. Cỏ và cây ăn quả?
Rất rõ. Tuy nhiên, định kì sẽ phát cỏ để ủ.

Cách làm khác là sau khi phát cỏ sẽ trồng các thảm sinh vật bền vững, có lợi, có thể thu sản phẩm như ngải cứu, bạc hà, húng đặc biệt là sài đất. Thảm cỏ này có giá trị kinh tế cao và thường xuyên vì thu được lá, thân. Kèm theo là chế biến.

6. Cỏ cạnh tranh với rau ăn lá?
Đúng. Đó là cạnh tranh ánh sáng.
Do đó, việc làm cỏ 1 lần, phủ hạt giống rau và tỉa rau (để lại rễ) sẽ hạn chế cỏ tối đa.
Tuy nhiên, 1 thảm rau có lẫn cỏ sẽ truyền thông dễ và giá trị hơn.

7. Cỏ cạnh tranh với hoa?
Tùy loại hoa. Và có thể trồng đậu quanh hoa thân thẳng như hoa hồng, hoặc ươm cả rừng hướng dương, hoặc cạnh tranh với Cúc.
Cách khác là phủ thảm húng, bạc hà, sài đất...và khi trồng hoa thì khoanh từng ô và gieo hạt, sau đó phủ xác cỏ khô lên trên

8. Cỏ có thể làm đẹp cảnh quan?
Nếu xén tỉa gọn, hoặc đặt trong khuôn pallet và kết hợp với các loài cây cảnh, hoa và các tiểu cảnh.

4.1.3. Rau má nhật

Rau má Nhật là một loại cây ngoại lai, có sức sinh sản rất mạnh. Do đó, nhiều nơi coi loài cỏ này là thảm họa bởi tốc độ lây lan và cho rằng rau má Nhật cạnh tranh với dinh dưỡng của cây.

Trên thực tế, rau má Nhật khi trồng trong các vùng có cây ăn quả mang lại những ích lợi rất rõ rệt:
  • Giảm thiểu chi phí cắt cỏ, bởi cây mọc thấp, không vướng vào các hệ thống tưới.
  • Hạn chế tưới, bởi giữ ẩm rất tốt
  • Có thể lật thành những mảng cỏ, và đổ thẳng rác hữu cơ xuống thảm có, tạo nguồn dinh dưỡng tại chỗ cho cây trồng (bổ sung IMO)
  • Tạo hệ sinh thái đất đa dạng với giun, vi sinh vật
  • Cạnh tranh và tiêu diệt các loai cỏ khác, đặc biệt là những loại có thân cứng, mọc cao. Có thể phạt cỏ có hại, phủ rau má Nhật với mảng bóc lên vùng đất trống, tưới nước, rau má Nhật sẽ phát triển mạnh.
  • Không cạnh tranh dinh dưỡng với cây ăn quả, bởi rễ rau má ăn rất nông. Mặt khác, sinh khối của rau má Nhật rất lớn, có thể tái tạo lại nguồn dinh dưỡng sau khi hấp thụ từ không khí qua quang hợp.
Cần lưu ý khi trồng rau má Nhật vào vùng trồng rau ăn lá bởi đặc tính cạnh tranh của loại cây này rất lớn.
Việc cắt rau má Nhật, ngâm với IMO có thể tạo ra dung dịch bảo vệ thực vật và cung cấp dinh dưỡng cho cây trồng qua phương pháp phun sương lên lá.

4.1.4. Cây sài đất (cỏ chỉ vàng)

Tương tự rau má Nhật, sinh khối của cây sài đất rất lớn và tốc độ lây lan rất nhanh. Ý nghĩa của loại cây này tương tự như rau má Nhật.
Ngoài ra, loài cây này có thể tạo ra:
  • Dịch bảo vệ thực vật (ngâm với IMO)
  • Nguồn nguyên liệu làm dầu gội đầu, sữa tắm dược thảo.

4.2. Sử dụng lớp che phủ từ xác thực vật

4.2.1. Rơm, rạ

Nguồn rơm của nông nghiệp Việt Nam rất lớn, tuy nhiên nhiều nơi lại sử dụng phương pháp đốt để lấy tro. Cách làm này hiệu quả rất thấp và làm ô nhiễm môi trường.

Các thử nghiệm trên cây ăn quả, hoa, rau…cho thấy, việc phủ rơm lên các luống có những công dụng rất rõ ràng. Đó là: giữ ẩm, tạo không gian cho hệ sinh thái vi sinh phát triển, chống cỏ dại, hỗ trợ nảy mầm an toàn và đặc biệt là giảm công cày xới.

Phương pháp hiệu quả nhất đó là kết hợp thêm lợi khuẩn và nấm xanh phun tưới vào rơm. Điều này giúp cho môi trường đất trở nên an toàn, đồng thời tạo ra những môi trường thiên địch cho các côn trùng bất lợi cho cây trồng.

Ngoài rơm, có thể sử dụng xác thực vật như thân ngô, bã mía, thậm chỉ là thân cỏ dại đã cắt và ủ với lợi khuẩn.

4.2.2. Mùn phay thân cây chuối
Trong khi các loại phân bón hỗ trợ ra hoa, kết quả từ nguồn hữu cơ khá đắt đỏ, thì việc sản xuất phân bón kali hữu cơ từ thân cây chuối lại rất dễ dàng.

Cách làm chỉ đơn giản là phay nhỏ thân chuối và ngâm mục với lợi khuẩn và nước. Hoặc đắp bã thân chuối lên luống đất trồng rau, hoa hay gốc cây ăn quả. Do đó, việc kết hợp giữa việc trồng chuối làm hàng rào, thu cả quả và thân là cách làm khá dễ dàng, chi phí thấp và bền vững.

Đặc biệt, mùn phay thân cây chuối có thể giúp trồng trọt trên những nền đất cằn cỗi, sỏi đá hoặc trở thành nguyên liệu lý tưởng cho việc trồng các thảm hoa cảnh quan do dinh dưỡng và khả năng giữ ầm.

4.2.3. Cỏ vetiver
Cỏ vetiver là một loại cây có rất nhiều ý nghĩa trong nông nghiệp bền vững, với khả năng chịu hạn, chịu úng, tuổi thọ lâu dài, không phát tán và sinh khối lớn.

Lợi ích của việc trồng cỏ vetiver trong nông nghiệp bao gồm:
  • Cải tạo đất, với hệ rễ đào sâu, có thể đến 5m. Đặc biệt hỗ trợ cho các cây ăn quả rất tốt khi trồng quanh các gốc cây, sử dụng lá để che phủ gốc và hệ rễ để hút nước từ tấng sâu lên bề mặt.
  • Tạo ra nguồn che phủ dồi dào cho đất, hạn chế cỏ dại bởi đặc tính lâu phân hủy.
  • Chống sạt ở tại các bờ mương
  • Cộng sinh với các loại cây rễ nông
  • Tạo thoáng đất và môi trường cho vi sinh vật, giun trong đất
Cỏ vetiver có thể trồng theo kỹ thuật mỗi khóm 03 tép, đặt ngang và đắp bùn hoặc chọc lỗ và tưới đẫm nước.

4.2.4. Sả
Sả là một loại cây quan trọng trong nông nghiệp bền vững, với những ứng dụng sau:
  • Hàng rào cách ly các loại côn trùng
  • Nguồn lá che phủ dồi dào, chống cỏ
  • Khi cắt lá, tạo ra mùi tinh dầu, xua đuổi côn trùng
  • Là nguyên liệu chính trong phương pháp xông khói đuổi bướm hại, ruồi vàng trong vườn cây ăn quả (quấn lá sả với bấc tẩm dầu, nhồi trong các ống bê tông có lỗ, châm cháy âm ỉ, tạo khói xua đuổi các loại côn trùng)
  • Là nguyên liệu chính trong thuốc bảo vệ thực vật sinh học, bằng việc ngâm với dung dịch IMO.
  • Khuyến nghị trồng sả bên ngoài vành đai các khu vực trồng lúa, bên cạnh các luống rau và quanh các cây ăn quả để khi thu hoạch không tốn nhân công, chi phí vận chuyển.
  • Tạo nguồn phụ thu với củ sả tươi, dấm sả, nước rửa bát củ sả, nước uống mật ong sả, tinh dầu sả…
4.2.5. Bèo
Việc phủ bèo lên luống trồng rau, hoa hoặc gốc cây ăn quả có tác dụng rõ rệt hỗ trợ cho cây trồng. Đặc biệt là khả năng giữ ẩm và hỗ trợ phát triển hệ rễ. Phương pháp phủ bèo kết hợp với phun lợi khuẩn là giải pháp chi phí thấp và có tính bền vững.

Bản thân bèo khi phân hủy với sự hỗ trợ của lợi khuẩn còn tạo ra nguồn dinh dưỡng rất tốt cho cây trồng và là môi trường sinh trưởng của các loại giun đất. Một trong những cách làm đơn giản là tạo hệ thống mương nước gần nhất có thể với khu canh tác và thả bèo, sau đó khai thác thường xuyên với nguồn bèo tái tạo.

Đây cũng là một trong ba giải pháp tạo nguồn phân bón vĩnh cửu, kết hợp với nuôi cá, ốc trong mương nước thuộc sáng chế của Ths. Hoàng Sơn Công năm 2019.

4.2.6
Các nguồn che phủ khác
Với các lý luận nêu trên, người sản xuất có thể nghiên cứu và tham khảo các loại cây trồng che phủ với các đặc tính:
  • Không mất công chăm sóc
  • Sinh khối lớn
  • Tốc độ phát triển mạnh (lưu ý khả năng lan rộng có kiểm soát)
  • Có thể tạo ra các sản phẩm giá trị gia tăng

Một số gợi ý cho các cây che phủ là: khoai lang, bạc hà, rau hung…

4.3. Tạo hệ sinh thái trong đất

4.3.1. Tạo hệ thực vật cấp tốc trên các mảnh đất thoái hóa, bạc màu
Giải pháp là sử dụng hạt ẩm polymer ngâm trương nở với nước và phân bón, kết hợp với hạt đậu xanh, vừng để rắc lên bề mặt đất, sau đó cày xới nhẹ.

Cách làm này sẽ tạo ra một thảm thực vật sau 48 giờ, tạo điều kiện canh tác dễ dàng sau đó. Đây là một giải pháp rất đặc biệt, có thể kết hợp với dự báo thời tiết để phủ kín một diện tích đất rộng cằn cỗi, khô hạn để tạo thảm che phủ, giữ ẩm và xới đất bằng rễ thực vật.

4.3.2. Cung cấp vi sinh vật có lợi
Bằng việc tạo ra môi trường cho các vi sinh vật có lợi, hệ sinh thái đất sẽ hỗ trợ cây trồng phát triển bền vững và giúp người trồng trọt giảm thiểu các chi phí.

Do đó, việc tạo ra hệ vi sinh vật có lợi trong môi trường đất là tổ hợp của các điều kiện sau:
  • Đất có thảm thực vật che phủ (đối với cây ăn quả) hoặc lớp che phủ bằng xác thực vật (đối với hoa, rau ăn lá). Việc tạo thảm cần chọn loại cây phù hợp. Việc tạo lớp che phủ có thể lấy từ nguồn gần nhất khi trồng chủ động sả, vetiver, cốt khí,…
  • Bổ sung vi sinh IMO bằng phương pháp tưới hoặc dẫn nước có chứa IMO
  • Trồng các loại cây có hệ rễ sâu như vetiver để tạo độ thoáng trong đất
  • Lên luống, tạo rãnh liên thông để có thể đưa IMO vào trong nước, lưu chuyển trong toàn bộ khu đất.
4.3.3. Tạo nguồn phân bón dưới thảm che phủ
Đối với các cây ăn quả, việc trồng thảm rau má Nhật có thể áp dựng được phương pháp này. Đó là cách lật một lớp cỏ, đổ xuống các loại xác động thực vật chưa phân hủy và tưới đẫm IMO, sau đó phủ lại lớp rau má lên trên.

Cách làm đối với các luống, rãnh là đưa trực tiếp xác động, thực vật xuống các rãnh, phủ rơm, rạ, lớp che phủ và bơm nước có hòa đậm đặc IMO để phân hủy chậm.

Đối với các luống rau, có thể tạo những ô đất cao hơn mặt luống, bao quanh hốc chứa xác động, thực vật, sau đó che phủ bởi rơm, rạ, xác thực vật và tưới IMO. Cuối cùng là bơm nước vào ô đất đó để dinh dưỡng tràn theo các rãnh tưới khắp khu vực trồng trọt (phương pháp theo trường phái Permaculture – nông nghiệp vĩnh cửu)

4.3.4. Nuôi cấy giun
Hiện nay, mô hình nuôi giun đã phát triển rộng rãi, mục đích để cung cấp mùn giun và dịch giun cho canh tác không hóa chất. Tuy nhiên cách làm này khá tốn kém, bởi chi phí tăng cao khi vận chuyển, tạo áp lực về chi phí đầu vào trong sản xuất.

Giải pháp là mỗi trang trại có thể tạo một khu nuôi giun nhân tạo, mục đích là để lấy trứng giun, sau đó cấy mùn lẫn trứng ra đất để nhân giống giun trong đất. Khi đất có nhiều giun, hệ rễ của cây trồng sẽ thông thoáng, hạn chế chi phí cày xới và đất luôn có khả năng tái sinh, có hệ sinh thái vi sinh vật đa dạng, bền vững.

4.4. Hỗ trợ phát triển hệ rễ

4.4.1. Cỏ vetiver
Với bộ rễ sâu và có khả năng xuyên phá mạnh qua các tầng đất, cỏ vetiver được sử dụng như một giải pháp hỗ trợ cho hệ rễ của các cây trồng khác, đặc biệt là cây ăn quả.

Kỹ thuật trồng cỏ vetiver quanh các gốc cây ăn quả đã được áp dụng rộng rãi ở nhiều nơi và mang lại hiệu quả rõ nét. Đó là làm thoáng đất, cung cấp oxy cho rễ, tạo không gian phát triển cho giun và vi sinh vật có lợi. Đồng thời cung cấp nước hỗ trợ từ tầng dưới cho các hệ rễ cộng sinh của cây trồng.

Với những khu vực trồng rau, hoa, hệ rễ cỏ vetiver có thể tạo độ ẩm, thoảng đất và giữ nước bề mặt, hút nước ngầm hỗ trợ cho cây ngắn ngày.

4.4.2. Đậu xanh
Là loại cây rất đặc biệt dành cho việc hỗ trợ phát triển hệ rễ của các loại cây khác với các tính năng: có nốt sần thuộc nhóm họ đậu, tốc độ nảy mầm nhanh, chi phí hạt giống thấp.

Các ứng dụng qua thực nghiệm với đậu xanh có thể kể đến:

  • Cứu cây ăn quả hư hại hệ rễ: bằng cách chọc lỗ sâu, rắc hạt đậu xanh và tưới nước hòa IMO. Đậu xanh sẽ mọc mầm rất nhanh trong 24 tiếng, dẫn nước chứa IMO tới hệ rễ yếu để “chữa bệnh”
  • Rắc đậu xanh xung quanh các gốc cây cảnh như hoa hồng, quất cảnh… và tưới đẫm nước. Đậu xanh nhanh chóng nẩy mầm và cộng sinh, hỗ trợ cây cảnh phát triển.
  • Trong việc tạo hình trên đất cho các khu du lịch nông nghiệp, việc căng dây và rải đậu xanh theo đồ hình tạo nên những bức tranh đẹp. Từ đó tiếp tục trồng nhiều dải rau, hoa khác màu nhau để tạo nên những cảnh quan du lịch dễ dàng và nhanh chóng.
  • Khi tạo rãnh liên kết để dẫn nước, phân bón thay cho hệ thống tưới, việc rắc hạt đậu xanh sẽ giữ cho rãnh luôn ẩm và tạo một hệ sinh thái hỗ trợ cho cây trồng trong các luống.
  • Đối với những vùng đất khô cằn, cần cải tạo, việc căn thời gian trước khi mưa xuống và vãi đậu có thể tạo ra một vùng đất tơi xốp, sau đó có thể xén bỏ đậu xanh để canh tác rau màu tiếp theo. Cách làm này tốn chi phí thấp hơn rất nhiều so với cày xới bằng máy móc.
4.4.3. Nuôi cấy giun

Trong phần tạo hệ sinh thái đất đã nêu trên, việc nuôi cấy giun trong đất mang lại nhiều lợi ích. Đặc biệt, đối với các loại cây trồng theo phương pháp canh tác tự nhiên, giun giúp việc xới đất rất hữu hiệu và giảm thiểu hoặc bỏ qua chi phí xới đất, cải tạo đất bằng máy móc.

Ngoài phương pháp rắc mùn giun vào gốc cây trồng, còn có thể tạo những rãnh nuôi giun trực tiếp trong đất với phân bò ủ mục trộn mùn giun, nằm xen kẽ giữa các luống rau, cây ăn quả.

Với một bể nuôi giun nhân tạo cỡ nhỏ, có thể liên tục cung cấp ấu trùng, trứng giun cho một diện tích lớn lâu dài.

4.5. Diệt chuột sinh học

4.5.1. Bả chuột với hạt nở
Nguyên lý của phương pháp này là sử dụng hạt nở polymer (chế từ bột sắn) có khả năng trương nở gấp trên 300 lần thể tích.

Hạt nở được trộn với thức ăn hấp dẫn chuột với một lớp kết dính như tinh bột. Chuột ăn vào sẽ bị hút nước trong cơ thể, tạo khát và tìm nguồn nước để uống và chết gần đó.

4.5.2. Bả chuột với xi măng
Tương tự như phương pháp diệt chuột bằng hạt nở, có thể thay bằng xi măng trộn vào thức ăn cho chuột, nhưng phương pháp này kém hiệu quả hơn. Cần tạo hương vị cho thức ăn hấp dẫn chuột mới khắc phục được nhược điểm của cách làm này.

4.5.3. Lồng chuột một chiều
Là dạng lồng có hai ngăn, một ngăn tối và một ngăn sáng.

Lồng chuột có một cửa lật dạng đòn bẩy, chuột chui vào và bị rơi vào trong ngăn tối thứ nhất. Đòn bẩy dựa vào nguyên lý trọng lực gạt lên, chuột không ra ngoài được.

Tiếp tục chuột tìm cách thoát thân, sẽ chui tiếp vào cửa lật thứ 2 có ánh sáng và bị nhốt trong lồng. Người sản xuất có thể tìm trên internet từ khóa “bẫy chuột thông minh” để biết thêm về sản phẩm và nguyên lý hoạt động.

4.6. Diệt khuẩn hại với hỗn hợp lợi khuẩn

Việc diệt hại khuẩn trên cây trồng, đặc biệt là tại các vết tổn thương của cây do côn trùng tạo ra trên lá, thân, rễ được thực hiện bằng cách sử dụng một lượng lớn lợi khuẩn cạnh tranh và tiêu diệt.

Hỗn hợp diệt khuẩn hại bao gồm: IMO, rượu, dấm được pha theo tỉ lệ 7:2:1, sau đó phun lên cây trồng và tưới vào trong đất. Đối với phun lá, hòa nước theo tỉ lệ hỗn hợp – nước là 1/50 đến 1/100. Nếu tưới trong đất, tỉ lệ sẽ khoảng 1/50.

4.7. Diệt nấm hại với nấm đối kháng

Nấm đối kháng thông thường được sử dụng là Trichoderma. Cách nhân nấm đã nói tại phần trên của tài liệu.

Nguyên lý của việc diệt nấm bệnh tương tự như diệt khuẩn, đó là sử dụng lượng lớn nấm có lợi phun, tưới lên vùng có bệnh của cây trồng. Nấm đối kháng sẽ tiêu diệt nấm có hại bằng cách cạnh tranh dinh dưỡng, môi trường sống và trực tiếp biến nấm bất lợi thành nguồn dinh dưỡng.

4.8. Diệt trứng côn trùng theo phương pháp sinh học

Nguyên lý của phương pháp này là sử dụng hỗn hợp IMO – Rượu – Dấm để phá hủy lớp vỏ kitin trên vỏ trứng côn trùng, không để nở thành ấu trùng.

Tỉ lệ hỗn hợp có thể là
  • IMO – Dấm: 6/4, sau đó pha loãng với nước theo tỉ lệ 1/20 đến 1/50
  • IMO – Giấm – Rượu: 6:2:2, sau đó pha loãng với nước theo tỉ lệ 1/20 đến 1/50
Thời điểm phun khi thấy xuất hiện bướm và quan sát thời kỳ của côn trùng sắp sinh sản. Tuy nhiên việc phun hỗn hợp định kỳ sẽ đạt hiệu quả cao hơn, trung bình 5 -7 ngày/lần.

Hỗn hợp này có thể kết hợp với các dạng phân bón phun lá phun định kỳ cho cây trồng qua lá.

4.9. Diệt côn trùng với nấm kí sinh

Đó là giải pháp sử dụng nấm xanh, nấm trắng ký sinh trên côn trùng. Nguyên lý của việc diệt côn trùng là nấm sẽ ký sinh trên vật chủ, vật chủ sẽ chết trong 2 đến 3 ngày nhiễm nấm.

Việc nhân nấm xanh, nấm trắng ký sinh khá dễ dàng.
  • Nguyên liệu:
    • Nấm xanh gốc 1kg
    • Gạo: 10kg
    • Túi nilon
    • Thùng đựng
    • Màng nilon
  • Cách làm:
    • Ngâm gạo trong 15 phút
    • Để ráo, phơi khô gạo trong 30 – 45 phút
    • Cho gạo vào túi nilon từ 0,5 kg đến 1kg
    • Hấp chín bằng hơi hoặc hấp cách thủy khoảng 60 phút
    • Cho gạo vào thùng sạch, trộn đều nấm gốc
    • Bịt miệng thùng bằng bao nilon
    • Lắc đều mỗi ngày
    • Sau 15 ngày, khi thấy toàn bộ số gạo mốc xanh là thành công
    • Rửa gạo theo tỉ lệ 1kg gạo: 02 lit nước, sau đó phun trên cây trồng.

4.10. Xua đuổi côn trùng theo phương pháp sử dụng khói

Đây là giải pháp khá hữu hiệu với các côn trùng có cánh, đặc biệt phù hợp với các vườn cây ăn quả.
Cách làm là tạo ra một lượng khói nhạt có tinh dầu, đặt trong các vườn cây ăn quả, xua đuổi côn trùng đến phạm vi có các bẫy dính diệt côn trùng phía bên ngoài.

Để tạo ra các nguồn khói, có thể đúc các ống xi măng có lỗ ngang (tránh nước mưa thấm) và rỗng bên trong.
Nguyên liệu tạo khói là lá sả tươi, khô bện thành bó. Ở giữa có dây bấc tẩm dầu, cháy chậm. Khi đút cuộn lá sả vào ống xi măng và đốt, khói sẽ xua đuổi côn trùng đến vùng bẫy dính để diệt.

4.11. Bẫy dính côn trùng kết hợp với phương pháp dẫn dụ


Bẫy dính côn trung giá rẻ được làm bằng một miếng nhựa gấp thành một khung tam giác.
Nhựa màu vàng để dẫn dụ côn trùng. Phía trong lòng khung tam giác, có phết keo dính, và đặt một ít rơm, cỏ khô tẩm rỉ mật.

Côn trùng bị xua đuổi bởi khói bên trong sẽ bay ra phía ngoài và bị dẫn dụ, bẫy dính.

Bẫy dính có thể đặt tập trung ở những khu vực phía ngoài trồng cây dâm bụt (mục đích để côn trùng đẻ trứng, dễ tiêu diệt). Có thể kết hợp với đèn thắp sáng ban đêm gắn điện 12 Volt vào vỏ đèn để làm bẫy giật, an toàn với con người.

4.12. Sử dụng các động vật thiên địch

4.12.1. Dụ chim

Là phương pháp dùng âm thanh qua hệ thống loa, bật tiếng chim sẻ để dẫn dụ vào khu vực trồng trọt.
Chim sẻ là loài ăn hạt, nên có thể vãi hạt để mồi. Tuy nhiên, chim sẻ non lại ăn sâu bọ, nên vẫn giữ tập tính bắt sâu và côn trùng.
Các file âm thanh mô phỏng tiếng chim có thể download từ internet.

4.12.2. Nuôi cóc, nhái hoặc thả chim cút hoang dã
Cóc, nhái và các loài lưỡng cư là thiên địch của các loài sâu trong các khu vườn rau. Có thể quây lưới thả cóc nhái cạnh một ô nước nhỏ cho cóc nhái sinh đẻ. Tạo nguồn thức ăn trong khu lưới bằng rỉ mật tẩm rơm, rác để thu hút ruồi. Cóc, nhái sẽ sinh sản và lan tỏa khắp khu vực trồng trọt.

Thả chim cút trong vườn cũng là một giải pháp khá rẻ tiền, hiệu quả cao, đồng thời tạo cảnh quan sinh thái cho các khu du lịch nông nghiệp.

5. XỬ LÝ NƯỚC TRONG NÔNG NGHIỆP

5.1. Bể lọc liên hoàn sinh học


Bể lọc liên hoàn sinh học là một giải pháp chi phí thấp cho nguồn nước an toàn trong điều kiện ô nhiễm hiện nay.
Hệ thống của bể lọc liên hoàn bao gồm các bộ phận:
  • Nguồn nước: có thể là nước mương, giếng khoan
  • Máy bơm hút nước
  • Giàn phun để khử sắt, clo trong nước (đối với nước nhiễm sắt, clo)
  • Bộ lọc vật lý gồm than củi và bông, có thể cho vào trong một thùng có vòi chảy
  • Bộ lọc sinh học với thân cỏ vetiver, rơm… được bổ sung IMO nhỏ giọt, để vi khuẩn có lợi sẽ hỗ trợ xử lý các thành phần hữu cơ
  • Nước sau lọc qua lớp vật lý và sinh học, sẽ được chảy ra một bể chứa hoặc một đoạn mương thả bèo tây, rau dút. Các loại thực vật này tiếp tục lọc nước bằng thân chứa, tích lũy các kim loại nặng vào thân.
  • Trong mương có thể thả cá, nuôi ốc để làm nguồn phân bón đạm vĩnh cửu tại nông trại.

5.2. Xử lý nước ô nhiễm có dòng chảy

Với các dòng chảy ô nhiễm có thể dùng hệ thống lọc nước ba ngăn bao gồm
  • Ngăn vật lý với than củi, rơm
  • Ngăn sinh học với rơm và nguồn IMO bổ sung thường xuyên. Trong ngăn này có các quả “bóng vi sinh” được tạo từ IMO trộn với cám gạo, mùn cưa và liên kết bằng đất sét.
  • Ngăn thực vật cuối cùng được thả bèo lục bình (bèo tây), rau dút. Có thể nuôi cá, ốc trong ngăn này.

5.3. Xử lý ô nhiễm nước không có dòng chảy

Giải pháp cho hồ, ao ô nhiễm là “bóng vi sinh”, được tạo từ IMO trộn với cám gạo, sau đó trộn tiếp mùn cưa và đất sét.

Những quả bóng này là nơi trú ngụ và sinh sôi của lợi khuẩn, khi ném xuống nơi nước ô nhiễm sẽ xử lý các hoạt chất bất lợi trong nước, trả lại nguồn nước trong sạch.

Việc bổ sung nguồn IMO số lượng lớn các ao, hồ ô nhiễm cũng rất hiệu quả, tuy nhiên kèm theo điều kiện cần có công nghệ sản xuất IMO chi phí thấp.

6. XỬ LÝ ĐẤT TRONG NÔNG NGHIỆP

6.1. Đất ô nhiễm hóa chất

Giải pháp được đánh giá là hữu hiệu nhất trong việc xử lý đất ô nhiễm hóa chất đó là thực vật và IMO.
Trong các loại thực vật, cần chọn những loại có hệ rễ sâu, sinh khối lớn như cỏ vetiver. Hoặc sử dụng các loại cây ngắn ngày, thân thảo, sinh khối lớn như hướng dương.

Cách trồng cấp tốc các loại cây này được sự hỗ trợ bởi hạt ẩm polymer ngâm dinh dưỡng hữu cơ trộn lẫn trong đất.
Sau một thời gian, các loại thực vật được thu hoạch phía trên, phay nhỏ và làm giá thể trồng hoa an toàn (không trồng rau).

6.2. Đất khô hạn


Giải pháp xử lý đất khô hạn là cấp tốc tạo ra một thảm thực vật có khả năng che phủ.
Các loài thực vật che phủ chống hạn có thể kể đến:
  • Rau má Nhật
  • Cỏ thài lài
  • Cỏ vetiver
  • Đậu xanh
  • Vừng

Sau đó, các loại cây này sẽ được phay, cắt để trồng trọt các loại cây khác. Hoặc trồng bổ sung các loại cây ăn quả thì không cần hủy thảm.
Việc trồng cấp tốc các loại thảm che phủ cần sự hỗ trợ của hạt ẩm polymer và lượng nước tưới tức thời cho thời điểm tạo thảm.

Một cách khác, đó là sử dụng thực vật làm các bẫy nước. Cách làm là tạo những rãnh nông, rải hạt giống đậu xanh, cắm cỏ vetiver và phủ đất, sau đó tưới đẫm. Tổ hợp đậu xanh, vetiver sau khi đã tồn tại sẽ là những nơi giữ ẩm tốt cho khu đất, tạo điều kiện cho các loại cây trồng khác mọc ở vùng lân cận (Có thể thay bằng rau má Nhật cho đậu xanh).

6.3. Đất bạc màu

Việc cải tạo đất bạc màu là tổ hợp của các phương pháp:
  • Tạo ẩm với thực vật che phủ
  • Tạo nguồn dinh dưỡng tại chỗ
  • Tạo nguồn nước từ tầng sâu với cỏ vetiver
  • Tạo hệ vi sinh với IMO
  • Cấy giun trong đất
  • Trồng các loại cây sinh khối lớn để nhanh chóng cải tạo đất bằng hệ rễ và xác thực vật sau thu hoạch
Nhóm tác giả:
  • Hoàng Sơn Công (Chủ biên)
  • Đỗ Văn Lanh
  • Tạ Huy Hùng
  • Nguyễn Bá Chính
  • Nguyễn Minh Phương
  • Trần Thị Huế
  • Nguyễn Văn Sáng
  • Đỗ Đức Hiển

 
Thẻ Thẻ
canh tác tự nhiên dinh dưỡng dinh dưỡng cây trồng giấm hữu cơ imo lên men mật đường natural farming nông nghiệm vĩnh cửu nông nghiệp hữu cơ nông nghiệp tự nhiên nước phèn permaculture rỉ mật trichoderma tự nhiên ủ rượu xử lý nước xử lý đất

Bên trên