Cách sử dụng phân Kali

1630677331751.png

Thuật ngữ “kali” dùng chung cho nhiều loại hợp chất có chứa kali. Kali là một trong 3 dưỡng chất quan trọng tạo nên hầu hết các loại phân bón thương mại. Kali cần thiết để giúp cây chống lại bệnh tật và phát triển bộ rễ khỏe mạnh. Nó cũng có thể giúp cho cây chống chịu hạn tốt hơn. Nếu bạn nghi ngờ cây của mình bị thiếu kali, hãy lấy mẫu đất để kiểm tra, vì đây là cách tốt nhất để biết liệu cây có đủ dưỡng chất kali cần thiết hay không. Chọn một loại phân bón kali và bón dựa trên kết quả thử nghiệm đất và nhu cầu cụ thể của từng loại cây.

Phần 1: Nhận biết khi nào cần bón Kali​

1. Kiểm tra các mép lá bị vàng để phát hiện tình trạng thiếu kali​

Ở nhiều loại cây, tình trạng thiếu kali sẽ làm cho mép lá gần gốc cây chuyển sang màu vàng hoặc nâu. Theo thời gian, những chiếc lá bên trên cũng sẽ bị ảnh hưởng. Nếu bạn nhận thấy cây có những dấu hiệu này, hãy kiểm tra đất để tìm hiểu sự thiếu hụt kali.
  • Ở cây cỏ linh lăng, bạn có thể nhận thấy những đốm trắng hoặc vàng xuất hiện xung quanh mép của những chiếc lá già.
  • Thiếu hụt kali đặc biệt nghiêm trọng xảy ra đối với cây khoai tây vào mùa hè, khi mà củ bắt đầu phình to. Bạn có thể nhận thấy những chiếc lá chuyển sang màu nâu, teo lại ở các cạnh, và những dây leo bắt đầu héo rồi chết.
1630674503362.png

2. Gửi mẫu đất đến văn phòng khuyến nông địa phương để thử nghiệm​

Kiểm tra đất là cách đáng tin cậy nhất để biết bạn có cần bổ sung kali vào đất hay không. Sử dụng bay sạch, thuổng hoặc que thăm đất để lấy 6-8 mẫu đất từ khu vực bị ảnh hưởng. Khi thu thập mẫu, cố gắng đào sâu ít nhất 10–15cm. Gộp các mẫu lại với nhau trong một xô nhựa sạch và trộn kỹ. Liên hệ với văn phòng khuyến nông địa phương để được hướng dẫn cách đóng gói mẫu đất và gửi đi xét nghiệm.
  • Nếu không có văn phòng khuyến nông trong khu vực của bạn, bạn có thể gửi mẫu đất đến vườn ươm hoặc hiệp hội trồng trọt địa phương để kiểm nghiệm.
  • Kiểm tra đất nếu bạn thấy cây trồng, vườn tược có sự thiếu hụt kali, hoặc khi bạn đang chuẩn bị trồng trên một khu đất và muốn kiểm tra sự cân bằng chất dinh dưỡng của đất trước tiên.
1630675485483.png

3. Bón thêm kali nếu các kết quả xét nghiệm cho thấy thiếu kali​

Kết quả kiểm tra đất sẽ cung cấp thông tin chi tiết về bất kỳ sự thiếu hụt chất dinh dưỡng nào và các khuyến nghị cụ thể về việc bón phân cho cây. Nếu kết quả thử kiểm tra cho thấy rằng không có đủ kali trong đất cho cây của bạn, hãy lấy kali hoặc phân bón có hàm lượng K cao và bón theo các khuyến nghị trong kết quả kiểm tra.
  • Nếu bạn không hiểu rõ về báo cáo kết quả thử nghiệm, hãy liên hệ với chuyên gia làm vườn hoặc nói chuyện với ai đó tại văn phòng khuyến nông địa phương.
  • Các loại cây khác nhau cần lượng kali trong đất khác nhau. Tuy nhiên nói chung, nếu hàm lượng kali trong đất là 80 ppm (phần triệu) hoặc thấp hơn, thì việc tăng cường bón thúc phân kali sẽ giúp cho cây trồng được cung cấp đủ dưỡng chất Kali cần thiết.
  • Kết quả thử nghiệm phải bao gồm các khuyến nghị về thời điểm bón phân và lượng sử dụng trong một diện tích nhất định.
1630676971695.png

4. Bón thúc phân kali cho các loại cần nhiều Kali chẳng hạn như khoai tây và củ cải đường​

Tất cả các loại cây đều cần kali, nhưng một số cây cần nhiều hơn những loại khác. Nếu bạn đang trồng các loại rau ăn củ, chẳng hạn như khoai tây hoặc củ cải đường, chúng sẽ cần thêm kali để hỗ trợ bộ rễ củ to. Các loại rau họ cải như súp lơ và bắp cải cũng cần nhiều kali.
  • Bắp, cà rốt và cỏ linh lăng cũng cần nhiều kali để phát triển mạnh.

5. Bón phân kali cho cây ăn quả vào mùa đông và mùa xuân để phòng bệnh​

Kali rất quan trọng để bảo vệ cây trồng khỏi bệnh hại, chẳng hạn như nấm thán thư. Cây ăn quả đặc biệt dễ bị nhiễm các bệnh về nấm này. Để ngăn trái cây không bị hỏng do nấm, hãy bón thêm phân kali vào đất xung quanh cây vào cuối mùa đông và đầu mùa xuân, khi lá và hoa mới bắt đầu nhú.
  • Nhiều loại cây ăn quả sẽ phát triển tốt nhờ vào việc bón phân kali hàng tháng vào mùa đông và mùa xuân. Bạn hãy kiểm tra với chuyên gia thực vật tại địa phương hoặc văn phòng khuyến nông để được hướng dẫn thêm về các nhu cầu cụ thể từng loại cây của bạn.
1630677882427.png

Phần 2: Chọn phân Kali​

1. Chọn phân bón có hàm lượng K (Kali) cao​

Hầu hết các loại phân bón là phân N-P-K. 3 chữ cái này đề cập đến các nguyên tố nitơ (N), phốt pho (P) và kali (K). Phân bón thường được dán nhãn với 3 con số cho biết tỷ lệ phần trăm của các nguyên tố này trong phân bón, luôn theo cùng một thứ tự. Bạn hãy tìm loại phân bón có số “K” cao nếu bạn cần nhiều kali hơn.
  • Ví dụ, phân bón 10-10-10 sẽ chứa một hỗn hợp cân đối của nitơ, phốt pho và kali, trong khi phân bón 6-6-18 có hàm lượng kali tương đối cao.
  • Loại phân bón chỉ có kali thường sẽ là 0-0-60 hoặc 0-0-50.
1630678124584.png

2. Chọn kali clorua để có hàm lượng K cao, và chi phí thấp​

Kali clorua, còn được gọi là muối kali, là loại phân kali được sử dụng phổ biến nhất. Chọn loại phân bón này nếu bạn cần nồng độ kali cao và muốn có dạng kali sẵn có, giá thành thấp.
  • Bạn có thể mua phân bón clorua kali tại hầu hết các cửa hàng cung cấp phân bón hoặc cũng có thể đặt mua qua mạng.
  • Hãy tìm các sản phẩm có nhãn “muối kali” hoặc “clorua kali”.
1630678364311.png

3. Chọn kali sulfat hoặc kali-magie sulfat để có thêm chất dinh dưỡng​

Nếu kết quả thử nghiệm đất cho thấy cây của bạn cũng có thể được hưởng lợi từ việc bón thêm lưu huỳnh hoặc magiê, thì phân kali sunfat hoặc kali-magiê sunfat sẽ là lựa chọn tốt. Hãy cân nhắc sử dụng loại phân bón này cho các loại cây trồng như ngô, cỏ linh lăng và khoai tây, chúng sẽ phát triển tốt nhờ vào việc bổ sung lưu huỳnh và magiê cũng như kali.
  • Phân bón sunfat kali đôi khi được gọi là sunfat của kali.
  • Những loại phân bón này có xu hướng đắt hơn phân bón kali clorua. Chúng cũng chứa hàm lượng kali thấp hơn.
1630678614958.png

4. Sử dụng kali thiosulfate nếu bạn cần tăng cường kali tác dụng nhanh​

Nếu cây trồng của bạn đang bị thiếu hụt kali trầm trọng và cần bổ sung chất có tác dụng nhanh và dễ hấp thụ, phân bón kali thiosulfat dạng lỏng có thể rất hữu ích. Hãy thêm nó vào nguồn cung cấp nước cho cây của bạn (tưới phân) hoặc phun trực tiếp lên lá (bón qua lá) để giúp cây của bạn tăng trưởng.
  • Kali thiosulfat đắt hơn các loại kali khác. Nó cũng là một loại phân bón có tác dụng ngắn hơn, vì vậy bạn sẽ cần phải bón nó thường xuyên hơn.
1630678895096.png

Phần 3: Bón phân Kali​

1. Kiểm tra với văn phòng khuyến nông địa phương để được tư vấn về thời điểm bón kali​

Thời điểm tốt nhất để bón kali tùy thuộc vào loại cây bạn đang trồng, điều kiện thời tiết địa phương và loại đất bạn có. Trước khi bón phân kali, hãy liên hệ với văn phòng khuyến nông địa phương, hoặc các tổ chức làm vườn hoặc vườn ươm cây trồng để được tư vấn.
  • Một số cây chẳng hạn như bắp ngô sẽ được hưởng lợi nhiều nhất từ việc bón kali vào thời điểm trồng. Các cây khác sẽ tốt hơn nếu bạn bón phân kali trước khi gieo hạt.
  • Bạn có thể cần phải rải phân kali mỗi năm một lần cho một số cây trồng lâu năm chẳng hạn như cỏ linh lăng.
  • Mùa thu và mùa xuân là thời điểm phổ biến nhất để bón kali cho đất, một số nông dân hoặc người làm vườn chọn bổ sung thêm kali vào mùa đông để có sẵn cho cây khi chúng bắt đầu phát triển vào mùa xuân.
1630679557184.png

2. Đo lượng kali bạn cần dựa trên kết quả thử nghiệm đất​

Sử dụng các khuyến nghị trong báo cáo kết quả kiểm nghiệm đất của bạn như một hướng dẫn để xác định lượng kali bạn cần bón cho một khu vực nhất định. Ví dụ: kết quả có thể khuyên bạn nên sử dụng 0,36kg kali cho mỗi 93 mét vuông khu vườn. Tính diện tích khu vườn và lượng kali trong phân bón để tính xem cần bón bao nhiêu.

1630679800289.png

3. Bón phân kali dạng hạt trực tiếp lên mặt đất​

Nếu bạn đang sử dụng kali ở dạng rắn, chẳng hạn như kali clorat hoặc kali sunfat, hãy bón nó như một lớp phủ trước khi trồng hoặc trộn vào lớp đất trên cùng gần hạt giống khi trồng. Cách đơn giản nhất để bón phân là dùng máy rải phân bón, một thiết bị giống như xe cút kít để rải phân lên đất.
  • Lưu ý rải đều phân theo 2 hướng khác nhau để có độ che phủ đều khắp mặt đất.
  • Mặc dù một số người làm vườn và nông dân khuyên bạn nên xới trộn kali vào đất để đưa nó vào gần vùng rễ hơn, nhưng cách dễ dàng và chi phí thấp nhất là bón nó lên bề mặt đất.
1630680184489.png

4. Phun kali thiosulfat lên lá vào thời kỳ sinh trưởng của cây trồng​

Phân bón kali thiosulfate lỏng có thể giúp cây phát triển mạnh mẽ nếu chúng bị thiếu kali trong thời kỳ sinh trưởng. Xịt trực tiếp lên lá theo hướng dẫn trên bao bì.
  • Không sử dụng kali thiosulfate để bón cây con hoặc thêm vào đất vì nó có thể làm hỏng cây.
  • Không bón kali thiosulfate lên lá cây nếu bên ngoài trời nóng hơn 32°C. Nhiệt độ cao sẽ làm cho các lỗ nhỏ trên bề mặt lá đóng lại, vì vậy cây của bạn sẽ không hấp thụ được chất dinh dưỡng nếu trời quá nóng.
1630680522854.png

Biên dịch: Thích Làm Vườn
Nguồn: wikiHow (www.wikihow.com/Use-Potash)
 
Chỉnh sửa lần cuối bởi người điều hành:
Thẻ
kali phân kali potassium

Back
Bên trên