• Article
Đại dương Gặp Emma từ Melbourne, Úc 🇦🇺

Gặp Emma từ Melbourne, Úc 🇦🇺.

′′ Tôi là một nhiếp ảnh gia và cũng là một người đam mê làm vườn, tôi sống với chồng Adam và con gái 7 tuổi Iris. Chúng tôi đã sống ở đây khoảng 8 năm, nhưng khu vườn như bây giờ thực sự chỉ mới có 4 tuổi. Khi chúng tôi mua ngôi nhà này, nó là bất động sản cho thuê hơn 10 năm trước đó, nên chúng tôi phải làm lại khu vườn từ đầu.

emma.jpeg

Làm vườn, sự hiện diện của khu vườn là một điều thường xuyên trong cuộc sống của tôi. Bố mẹ tôi có một khu vườn tuyệt vời mà họ đã xây dựng từ đầu. Tôi có những kỷ niệm hồi còn rất bé về vườn rau của ông bà, những cây chanh và cả cây bưởi nữa.

Thực phẩm và hoa là trọng tâm của chúng tôi. Chúng tôi trồng các loại cây ra trái ăn được và cũng để làm cảnh. Chúng tôi đã thực sự nổ lực để trồng rất nhiều hoa thân thiện thụ phấn. Chúng tôi rất thích xem Iris tận hưởng, học hỏi và làm vườn với chúng tôi.

Chúng tôi sống trong khu ngoại ô có diện tích khá tiêu chuẩn. Chúng tôi có ba cái luống nâng cao dùng để trồng rau, nhưng hồi năm ngoái trong thời gian phong tỏa, chúng tôi đã mở rộng không gian theo cấp số nhân. Chúng tôi hiện có 8 luống trồng rau xanh, rau thơm, thảo mộc theo mùa & khu vực xung quanh để trồng các loại lớn hơn như bắp cải và bí ngòi. Chúng tôi có 2 cây chanh lớn, 2 cây cam xanh, một cây bưởi & 6 cây kim quất để làm cảnh quan trong khu vườn. Chúng tôi có cả cây mơ, đào & lê phát triển tốt. Chúng tôi cũng đã trồng một ′′ rừng cây ăn quả ′′ vào năm ngoái, vì vậy bây giờ chúng tôi có thêm bơ, ổi dứa Feijoa, táo, cherry, cam vàng, mắc ca, cây cà chua thân gỗ & Mountain PawPaw.

Chúng tôi là những người thích làm phân trộn, tôi có ba thùng ủ phân và một trang trại nuôi giun. Ngoài những loài gây hại như ốc sên và sâu bướm theo mùa, vấn đề chính mà chúng tôi gặp phải là chồn túi. Năm ngoái, chúng tôi còn chia sẻ một số quả mơ và đào với những chú vẹt sắc màu cầu vòng, nhưng điều đó không đáng buồn vì chúng rất là đẹp. Thời tiết chắc chắn là trở ngại lớn nhất mà chúng tôi phải gặp phải trong khu vườn, chúng tôi phải đối mặt với mọi mùa hoàn toàn khác với so với những năm trước!

Chúng tôi thích ra sân sau vườn nhà, hái nhặt thật nhiều loại thực phẩm đa dạng, nhìn ngắm con gái mình tìm hiểu về thiên nhiên ở rất nhiều góc độ"


Biên dịch: Thích Làm Vườn
Nguồn: Humans Who Grow Food (www.facebook.com/humanswhogrowfood/posts/1520377391642125)

#cauchuyennhavuon #thichlamvuon

  • Article
Làm một khu vườn, bắt đầu như thế nào?

paige-cody-z8gKIE4Kz0Y-unsplash.jpg
Có một khu vườn là một điều lý tưởng để tự trồng rau, làm đẹp nhà cửa hoặc thu hút sinh vật địa phương. Bạn có thể trồng trọt trên một khu vườn rộng lớn ở sân sau nhà, hoặc có thể chỉ là một khu vườn nhỏ nếu bạn có diện tích hạn chế. Thậm chí bạn vẫn có thể trồng trọt mà không cần gì ngoài các thùng chậu. Nếu bạn đang suy nghĩ về việc bắt đầu một khu vườn và không chắc chắn nên làm từ đâu, thì một số điều sau đây có thể hữu ích cho bạn. Tham khảo các loại vườn khác nhau, chuẩn bị đất và dụng cụ làm vườn, chọn hạt giống & cây trồng, sau đó là bắt tay vào làm.

Phần 1: Lựa chọn thể loại cho khu vườn của bạn​

1. Quyết định những gì bạn muốn trồng hoặc làm với khu vườn của bạn​

Có nhiều loại vườn khác nhau và mục đích sử dụng cũng khác nhau, vì vậy hãy suy nghĩ về khu vườn lý tưởng của bạn sẽ mang lại những gì. Một số loại vườn khác nhau gồm:
  • Vườn rau. Đây có thể là kiểu vườn phổ biến và thiết thực nhất. Bằng cách tự trồng rau, bạn có thể tiết kiệm tiền và tăng số lượng rau tươi để dùng.
  • Vườn hoa. Một vườn hoa sẽ làm tăng thêm vẻ đẹp cho sân vườn của bạn, và nó có thể là một nơi để thư giãn. Nếu bạn chủ yếu quan tâm đến việc làm đẹp nhà cửa, thì một vườn hoa có thể là lựa chọn tốt nhất. Bạn có thể trồng cây lâu năm, cây hàng năm hoặc một khu vườn hỗn hợp.
  • Vườn ong bướm hoặc chim. Bạn không thể trồng ong bướm hoặc chim :), nhưng bạn có thể trồng các loại hoa có thể thu hút chúng vào vườn nhà, chẳng hạn như các loại cây dại nhiều phấn hoa, cây thì là, tiểu hồi hương và cây bông tai. Vườn ong bướm hoặc chim sẽ là kiểu vườn tuyệt vời đối với trẻ em.
  • Vườn hổn hợp.
1629296820648.png

2. Xem xét xem bạn có bao nhiêu không gian trống​

Nếu bạn có nhiều diện tích thì có thể trồng một khu vườn trên mặt đất. Nhưng nếu bạn chỉ có không gian hạn chế hoặc đơn giản là không muốn trồng dưới đất, thì cũng có thể trồng trong các thùng chậu. Bạn có thể trồng nhiều loại cây khác nhau trong chậu, để ngoài hiên hoặc nơi có nắng sân nhà. Một số loài cây thậm chí còn phát triển mạnh trong các thùng chứa trong nhà, vì vậy việc trồng trong chậu sẽ là lý tưởng nếu bạn sống trong một căn hộ.
  • Nếu bạn sống ở nơi có đất tốt, không quá nhiều đá hoặc cát, thì trồng cây dưới đất là một lựa chọn tốt.
  • Nếu trồng dưới đất không phải là một lựa chọn khả thi, thì bạn hãy cân nhắc mua các thùng chứa để trồng hoặc xây luống trên mặt đất. Làm luống nâng cao rất tiện ích vì chúng sẽ dễ chịu hơn cho cái lưng của bạn và chúng ta có thể di chuyển chúng quanh sân khi cần thiết. Phải đảm bảo rằng các thùng chứa hoặc luống đủ rộng cho cây bạn muốn trồng và chúng phải có khả năng thoát nước tốt.
  • Nếu bạn bị hạn chế về diện tích, nhưng vẫn muốn làm khu vườn bên ngoài, thì bạn có thể trồng theo phương thẳng đứng. Kiểu vườn này sử dụng những chậu cây nhỏ hoặc thùng xếp chồng lên nhau và cây sẽ mọc hướng lên trên.
1629275596941.png

3. Xác định xem cây của bạn sẽ nhận được bao nhiêu nắng​

Nhiều loại cây cần khoảng 6 đến 8 giờ đầy nắng để phát triển. Nếu bạn không có khoảng sân có nhiều ánh nắng mặt trời, bạn vẫn có thể làm một khu vườn.
  • Vào một ngày nắng, hãy kiểm tra khu vực bạn định trồng cây vài lần trong ngày để xem mặt trời chiếu ở khu vực đó trong bao lâu. Ví dụ: bạn có thể kiểm tra lúc 7 giờ sáng, 11 giờ sáng, 2 giờ chiều và 5 giờ chiều và ghi chú xem mặt trời có chiếu sáng nơi đó vào thời điểm ấy hay không. Nếu mặt trời chiếu vào khu vực đó hai hoặc ba lần khi bạn kiểm tra, thì những cây ưa nắng sẽ phát triển mạnh ở vị trí đó.
1629275726897.png

Phần 2: Chuẩn bị sân vườn và dụng cụ​

1. Chọn vị trí​

Vị trí rất quan trọng khi bạn lập kế hoạch cho khu vườn của mình. Quan trọng nhất, hãy xác định xem khu vực bạn muốn sử dụng có đủ ánh nắng mặt trời hay không. Sau đó, xem kích thước có phù hợp với những gì bạn muốn làm ở đó hay không, và cũng cân nhắc cách bạn sẽ tưới nước cho khu vườn như thế nào. Bạn có thể kéo vòi tưới quanh vườn nếu nó rộng, hoặc dùng thùng tưới nếu vườn nhỏ hơn.
  • Nếu bạn trồng cây trong thùng chậu, điều quan trọng vẫn là xác định vị trí thích hợp để đặt chúng. Vị trí đó phải có ánh sáng mặt trời tốt, đủ cho cây phát triển hướng lên trên và chúng phải dễ tiếp cận nguồn nước hoặc đặt ở nơi nào đó thuận tiện để dẫn nước đến cho chúng.
1629278553146.png

2. Kiểm tra đất​

Đất tốt sẽ có đủ lượng vôi, lân, đạm và kali. Hãy tìm hiểu xem bạn có bao nhiêu loại chất này trong đất và cần bổ sung thêm chất gì để cây phát triển tốt nhất. Nếu bạn đang trồng một khu vườn bằng thùng chậu, thì không cần phải lo lắng về điều này. Bạn chỉ cần sử dụng đất sạch (đất trộn trồng chậu) phù hợp với loại cây mà bạn sẽ trồng.
  • Bạn có thể mua một bộ dụng cụ tự kiểm tra đất tại nhà từ nhiều cửa hàng bán đồ làm vườn. Làm theo chỉ dẫn để tìm ra các đặc tính của đất vườn nhà bạn.
  • Bạn có thể lấy mẫu đất xung quanh khu vườn của mình và gửi chúng đến phòng thí nghiệm kiểm tra đất đai được nhà nước chứng nhận tại địa phương, hoặc dịch vụ khuyến nông của trường đại học, nó sẽ tốn một khoản phí nhỏ, họ sẽ kiểm tra đất của bạn trong phòng thí nghiệm và gửi cho bạn kết quả trong vòng một tuần. Điều này dễ dàng hơn nhiều so với việc tự mình kiểm tra đất, nhưng chi phí cao hơn.
  • Lấy nhiều mẫu đất xung quanh khu vườn để đảm bảo rằng bạn nhận được kết quả xét nghiệm chính xác.
  • Kiểm tra độ pH của đất để xem bạn có cần thay đổi để cân bằng không. Để làm điều này, hãy sử dụng bộ kiểm tra độ pH hoặc tự kiểm tra tại nhà và kiểm tra đất từ khu vườn của bạn. Một số loại cây thích ứng với các mức độ pH khác nhau, nhưng tốt nhất là đất càng gần trung tính - độ pH = 7 thì càng tốt.
1629279198255.png

3. Chuẩn bị đất​

Khi bạn đã hoàn thành các kiểm tra cho đất và độ pH, hãy chuẩn bị đất bằng cách bổ sung các chất dinh dưỡng cần thiết để giúp cây phát triển.
  • Bổ sung chất hữu cơ để giúp làm giàu chất dinh dưỡng cho đất. Bạn có thể sử dụng phân trộn (từ đống phân ủ của riêng bạn, nếu có), lá cây phân hủy, than bùn, hoặc phân động vật đã hoai mục. Nếu bạn không có sẳn, tất cả những thứ này đều được bán tại các trung tâm làm vườn địa phương.
  • Thêm phân bón vào đất để thay thế nitơ, phốt pho hoặc kali mà đất có thể thiếu. Tem nhãn trên túi phân bón sẽ cho bạn biết chính xác lượng chất dinh dưỡng của từng loại. Ví dụ, các con số 5-10-5 sẽ cho bạn biết rằng phân bón chứa 5% nitơ, 10% phốt pho và 5% kali.
  • Dựa vào kết quả kiểm tra độ pH, nếu đất của bạn có tính kiềm (trên 7), hãy thử thêm vôi hoặc tro để trung hòa nó. Nếu đất của bạn có tính axit (dưới 7), hãy thêm than bùn hoặc lá phân hủy. Tùy thuộc vào loại cây bạn muốn trồng, có thể không cần thay đổi độ pH, sẽ dễ dàng hơn khi trồng các loại cây thích ứng với đất hiện có.
1629279923233.png

4. Nghiên cứu vùng trồng của bạn​

Điều quan trọng là phải tìm hiểu thông tin về điều kiện trồng trọt ở khu vực của bạn. Tìm kiếm trực tuyến, hay nói chuyện với các nhà tư vấn vườn địa phương, hoặc gọi cho dịch vụ hợp tác khuyến nông.
  • Tìm hiểu thời điểm trung bình bắt đầu và kết thúc sương giá, để bạn biết lúc nào là thích hợp trồng cây. Trồng quá sớm hoặc quá muộn có thể làm chết hạt giống hoặc cây trồng, vì vậy điều quan trọng là phải biết thời điểm tốt nhất để bắt đầu.
  • Tìm hiểu về các kiểu thời tiết địa phương có thể ảnh hưởng đến khu vườn của bạn.
  • Tra cứu thời điểm nào tốt nhất để thu hoạch cây trái, hoa quả và rau củ trong vùng. Một số loại có thể đơn giản, nhưng một số loài cây khác sẽ cần thêm một chút bí quyết về thời điểm tốt nhất để thu hoạch chúng.
  • Lập lịch trình về thời điểm cần trồng từng loại cây cụ thể dựa trên yêu cầu về môi trường sống và nhu cầu phát triển của chúng. Một số cây có thể cần được bắt đầu từ rất sớm, trong khi những cây khác có thể không cần trồng cho đến khi mùa hè tới.
1629280409355.png

5. Chuẩn bị các dụng cụ​

Để làm vườn dễ dàng và thư giãn nhất có thể, điều quan trọng là bạn phải có tất cả các dụng cụ phù hợp. Sử dụng xẻng, găng tay, bay, ba chĩa, rổ hoặc xô để đựng cỏ dại và ít nhất là thùng tưới nước. Bạn có thể mua các dụng cụ khác nhưng chúng không thật sự cần thiết đối với khu vườn có diện tích vừa và nhỏ.
  • Đối với một khu vườn rộng lớn, bạn có thể cần mua xe cút kít, cào, cuốc, xới đất và máy đào lỗ.
  • Hãy xem xét việc lắp đặt hệ thống phun tưới tự động nếu bạn không có thời gian hoặc không có khả năng tự tay tưới nước cho khu vườn của mình.
1629280783759.png

Phần 3: Chọn cây và giống​

1. Xác định xem bạn có muốn bắt đầu trồng khu vườn của mình từ hạt giống hay không​

Nhiều cây phát triển tốt khi bạn bắt đầu trồng chúng từ hạt. Liên lạc với trung tâm làm vườn địa phương để nhận các gói hạt giống, tìm hiểu trên tem nhãn để xem chúng cần bao lâu để phát triển, thời điểm tốt nhất để trồng và lượng nước cần thiết.
  • Trồng từ hạt có thể mất từ một đến bốn tháng tùy thuộc vào cây gì bạn đang trồng, vì vậy điều quan trọng là phải lên kế hoạch trước.
  • Trồng từ hạt là lựa chọn rẻ nhất, vì một gói hạt giống chỉ có giá vài ngàn đồng, còn cây giống mua từ cửa hàng làm vườn có thể có giá từ vài chục đến vài trăm mỗi cây.
  • Trồng từ hạt có ưu điểm là cho phép bạn bắt đầu gieo hạt trong chậu và đặt trong nhà hoặc trồng ngay xuống đất. Hơn nữa, ươm hạt giống trong chậu và bắt đầu trồng trong nhà có thể giúp cây khỏe mạnh hơn so với trồng ngoài trời, dưới đất. Nó có thể giúp cây mọc mầm sớm hơn, thay vì bạn sẽ phải đợt đến khi tan sương giá.
1629281698209.png

2. Chuyển cây giống sang đất trồng​

Lợi ích của việc chuyển cây giống sang đất trồng hoặc vào thùng chậu là nó đã phát triển một phần và có thể sắp đơm hoa kết trái. Cây sẽ có nhiều khả năng tồn tại và phát triển hơn. Việc trồng các cây giống chỉ mất vài phút khi mà khu vườn nhà bạn đã được chuẩn bị sẳn sàng.
  • Liên lạc với cửa hàng làm vườn địa phương để tìm cây giống và đừng quên xem thông tin các thẻ trên cây để xác định xem chúng có phù hợp với loại vườn bạn đang lên kế hoạch trồng hay không.
1629282812101.png

3. Kiểm tra củ hoa​

Nếu bạn chọn trồng hoa, bạn cũng có thể lựa chọn trồng từ củ. Củ dễ trồng, một số (cây lâu năm) sẽ lại ra hoa vào mỗi năm. Một số loại củ hoa là cây hàng năm, chúng cần được trồng lại mỗi năm.
  • Hãy nhớ rằng trồng cây từ củ chỉ nở hoa trong vài tuần một lần.
  • Liên lạc với các cửa hàng làm vườn địa phương để biết các loại củ hoa mà bạn có thể trồng trong vườn ra hoa hàng năm, chẳng hạn như hoa tulip, hoa thủy tiên vàng và hoa alliums.
1629296936724.png

Phần 4: Bắt tay vào làm vườn​

1. Bố trí cây trồng​

Chọn nơi bạn muốn đặt các cây trong vườn. Hãy nhớ lượng ánh sáng mặt trời mà chúng cần và kích thước tổng thể mà chúng sẽ phát triển.
Trồng những cây khi chúng còn nhỏ có thể làm ta phán đoán sai, vì một số cây có thể sẽ phát triển rất lớn nên cuối cùng là chúng cần những mảnh đất hoặc thùng chậu lớn hơn.
  • Thông thường, khoảng cách giữa mỗi cây khoảng 25,4cm là an toàn, nhưng hãy nhớ đọc kỹ thông tin trên gói hạt giống hoặc tem nhãn trên cây để biết chúng sẽ cần diện tích bao nhiêu để phát triển.
  • Bạn cũng cần để dành lối đi giữa các hàng. Lên kế hoạch trồng chúng cách nhau tầm khoảng 45,7cm.
  • Hãy bố trí các cây thành từng nhóm cùng loại. Ví dụ: bạn có thể trồng tất cả các loại rau trong cùng một khu và trồng hoa quả ở một khu khác.
  • Tìm hiểu xem cây nào sẽ phát triển cao nhất, vì chúng sẽ tạo bóng râm theo thời gian, chỉ nên trồng chúng gần những cây khác cũng sẽ mọc cao, hoặc gần những cây cần ít ánh nắng mặt trời hoặc ưa bóng râm.
1629302729720.png

2. Trồng từ hạt hoặc cây giống​

Dựa vào các bố trí mà bạn đã đặt ra, trồng từng cây một vào đấy. Đào một lỗ có kích thước gấp đôi và cùng độ sâu với bầu rễ hoặc như hướng dẫn trên gói hạt giống. Độ sâu sẽ thay đổi từ 0,6cm đến 5,1cm tùy thuộc vào loại hạt bạn đang trồng. Không thành vấn đề nếu bạn trồng trong thùng chậu hay dưới đất. Làm theo các hướng dẫn về độ đào sâu cần thiết được cung cấp trên gói hạt giống.
  • Đừng đào một cái hố quá sâu. Chỉ đào đủ chổ cho toàn bộ rễ đặt vào mà không che lấp đi phần thân hoặc lá cây. Đất mặt nên bằng phẳng với đất của cây bạn đang trồng.
  • Nhẹ nhàng đặt từng cây vào lỗ để không làm hỏng bất kỳ bộ phận nào của nó. Dùng tay hoặc bay từ từ xúc đất lấp đầy lỗ. Nếu cây bạn đang trồng bị quấn rễ, nghĩa là rễ đang quấn quanh giá thể, hãy bóp nhẹ và nới lỏng chúng trước khi trồng. Điều này sẽ giúp rễ cây lan ra đất xung quanh thay vì tiếp tục quấn quanh bầu rễ, bị tắt ngẽn không vươn ra được.
1629298141664.png

3. Thêm lớp phủ​

Cung cấp càng nhiều chất dinh dưỡng vào đất càng tốt, nó sẽ giúp cây phát triển đầy đủ và khỏe mạnh. Lớp phủ sẽ giúp làm nhiệm vụ này và nó cũng ngăn cỏ dại phát triển. Trải lớp phủ giữa mỗi cây dày khoảng 2,5cm.
  • Đối với rau xanh, hãy phủ thêm rơm hoặc lá đã phân hủy làm lớp phủ xung quanh cây để có kết quả tốt nhất.
  • Hoa kết hợp tốt với lớp phủ từ vụn gỗ hoặc vỏ cây.
1629298481548.png

4. Tưới cây​

Vài tuần đầu sau khi trồng nên tưới nhiều nước hơn một chút để giúp rễ ổn định. Tuy nhiên, tránh tưới quá nhiều nước làm ngập mặt đất. Bạn chỉ cần cung cấp khoảng 2,5cm nước mỗi tuần, tuy nhiên bạn có thể không cần tưới nước cho khu vườn của mình nếu trời mưa.
  • Sử dụng thùng tưới hoặc vòi xịt, tưới nước từ trên cao xuống để bạn không làm hỏng bất kỳ lá hoặc thân cây nào của chúng.
  • Sau vài ngày tưới 1-2 lần mỗi ngày, có thể tưới ít lại. Chuyển sang tưới nước hai ngày một lần hoặc lâu hơn.
1629298863299.png

5. Theo dõi khu vườn và làm cỏ thường xuyên​

Khi khu vườn của bạn đã ổn định, hãy cho nó thời gian để phát triển. Một khu vườn khỏe mạnh sẽ kéo dài vài mùa nếu nó được chăm sóc đúng cách. Đảm bảo kiểm tra cỏ dại trong vườn của bạn một cách thường xuyên và nhổ bỏ chúng ngay khi bạn phát hiện.

1629298997733.png

6. Cân nhắc việc dựng hàng rào​

Nếu bạn đang trồng một vườn rau, thì bạn có thể phải dựng hàng rào xung quanh chúng để bảo vệ nó khỏi động vật hoang dã. Điều này không hoàn toàn cần thiết, nhưng có thể hữu ích nếu bạn nhận thấy rằng bạn thường xuyên có những kẻ xâm lược.
  • Hãy nhớ rằng hươu có thể nhảy rất cao. Hàng rào của bạn sẽ cần phải cao ít nhất 2,4 m để ngăn chúng nhảy vào vườn.
1629299170437.png

7. Thu hoạch & Tận hưởng​

Khi vườn cây trưởng thành, hãy thu hoạch thành quả lao động của bạn. Cẩn thận hái hoặc cắt rau xanh, quả mọng, rau thơm và bông hoa để sử dụng trong nhà. Hoặc, chỉ đơn giản là đi bộ tận hưởng, thư giãn trong vườn nhà vì bạn đã tạo nên nó, làm đẹp thêm cho nhà cửa.

1629299596675.png

Biên dịch: Thích Làm Vườn
Nguồn: wikiHow (www.wikihow.com/Garden)

  • Article
Châu Mỹ Gặp gỡ Lena từ Blairstown, New Jersey, Hoa Kỳ 🇺🇸

Gặp gỡ Lena từ Blairstown, New Jersey, Hoa Kỳ 🇺🇸.

′′ Bà Cà Chua Điên′′ là biệt hiệu mà chồng tôi đặt cho tôi vài năm trước, khi tôi đang âm mưu biến sân vườn cỡ vừa sau nhà thành rừng cà chua. Tôi đã cày nát các danh mục hạt giống trực tuyến và diễn đàn cà chua bất chấp mọi thứ. Tôi đã rất băn khoăn với câu hỏi: một người làm vườn có thể ép bao nhiêu cây cà chua trồng vào một lô đất rộng 4000 mét vuông? (Vài trăm ư?! Uhm, cứ cho là vài trăm đi! )

lena.jpeg

Tôi không chọn trồng thực phẩm - nó chọn tôi. Trong một thời gian dài, tôi ghét nó vì nó tượng trưng cho sự sống: Nhu cầu cơ bản. Liên Xô vừa sụp đổ và một Ukraine độc lập sơ khai đang điêu đứng về tài chính. Điều duy nhất có giá trị là mảnh đất rộng rãi màu mỡ, thế là mọi người đều nai lưng đào xới để cố gắng tồn tại: từ học sinh đến các cụ già hưu trí, anh tài xế taxi hay vị giáo sư đại học, ai nấy đều tham gia vào thú vui làm vườn mỗi cuối tuần. Làm vườn để tồn tại: chúng tôi trồng rau để thoát khỏi cảnh tuyệt vọng, để không phải chịu đói.

Thứ đầu tiên mà tôi trồng một cách nghiêm túc là khoai tây. Vào những tháng năm đầu của thời thiếu niên, tôi đã dành các ngày cuối tuần của những mùa ấm áp cho việc trồng cây, nhổ cỏ, đắp đất, hoặc nhổ khoai tây. Khoai tây không chỉ là thức ăn - chúng là một loại tiền tệ thanh toán không thể thiếu.

Tôi phải chuyển trường và cần một gia sư tiếng Anh giúp tôi bắt kịp chương trình nâng cao hơn vài năm. Vì vậy, cứ mỗi vài tháng, bố tôi lại kéo đến trước nhà vị gia sư và bốc dỡ xuống vài bao bố nặng trịch một loại củ quý giá, mà nếu tôi gõ bằng tiếng Anh một cách rõ ràng thì nó chính là khoai tây.

Trồng thực phẩm là vì nhu cầu thiết yếu, nhưng nó khiến tôi nghĩ rằng mình sẽ không bao giờ tự nguyện quay lại hoạt động này nữa. Tôi tham gia rạp xiếc du lịch chuyên sản xuất phim, và sau nhiều năm mệt mỏi với đủ các thể loại từ phấn khích đến kiệt sức, tôi đã đến được New York. Trớ trêu thay, cho đến lúc mà tôi biết chắc chắn rằng mình đã có đủ mọi thứ vốn có của một cuộc sống đô thị thì tôi lại khao khát dành thời gian còn lại của mình trên hành tinh này ở ngoài kia, với các sinh vật sống đồng loại, thay vì cứ nhảy từ một hộp bê tông này sang hộp bê tông khác. Nằm trên tầng của khu rừng bê tông, tôi mơ về hàng trăm mẫu đất rừng mà tôi sẽ giữ gìn, bảo vệ và phát triển.

Ý tưởng về một cuộc sống thực đã đưa tôi đến với miền quê đẹp như tranh vẽ ở vùng nông thôn Tây Bắc New Jersey, nơi mà bằng cách nào đó tôi đã có một sân vườn khá rộng 15x30 thước. Thật là một cuộc phiêu lưu về miền hoang dã hiện hữu! Không có gì thúc đẩy sự sáng tạo hơn giới hạn.

Tôi bắt đầu tìm hiểu về cách làm vườn theo nông nghiệp bền vững với quy mô nhỏ thâm canh, trồng nhiều loại cây lâu năm cho khu vườn từ các loại cây ăn trái giống lùn, nào là mâm xôi đến nho chuỗi ngọc và các loài cần ít nắng, dâu tây Alpine ngon tuyệt, món hiếm ở vùng này. Tôi cũng chia sẻ không gian khu vườn nhỏ của mình với hai cây thông Na Uy khổng lồ, hơn 100 năm tuổi. Vì vậy, các thùng chứa và những luống vườn nâng cao luôn là giải pháp hợp lý duy nhất để cho một khoảng không gian tốt. Không chỉ thế, tôi gần như trồng 100% thực phẩm chúng tôi dùng, từ trái cây, quả mọng đến các loại thảo mộc và hoa ăn được, thậm chí những quả bí lớn, vô số loài rau xanh, rễ và củ các loại khác nhau.

Tuy nhiên, tất cả chỉ là phần nền cho đam mê chính của tôi - hay đúng hơn là nỗi ám ảnh - cà chua! Những quả bom mang hương vị tuyệt vời này lấp đầy mùa đông của tôi với sự mong chờ đầy lo lắng khi tôi chăm sóc hàng trăm cây con, rồi mùa hè đến với biết bao tự hào và phấn khích khi tôi mang tặng những hộp quà mang màu sắc cầu vồng cho bạn bè và hàng xóm.

Quả cà chua ngon nhất đời - là trái chín mọng trên cành - chỉ một nơi duy nhất có - đó là vườn nhà của bạn.

Làm vườn không nên căng thẳng, đừng đổ mồ hôi cho những thứ nhỏ nhặt, hãy sử dụng cách tiếp cận ngắn: trồng một loạt các loài khác nhau ở những nơi khác nhau - và xem những gì có hiệu quả. Nguyên tắc canh tác bền vững đầu tiên là: quan sát. Đừng lo lắng nếu một cái gì đó không ổn - chỉ là loại cây ấy không phù hợp với vị trí đó. Hãy tập trung vào những cây trồng thành công. Một khu vườn hạnh phúc là nên tự làm hầu hết các công việc cho bạn; mọi thứ nên mọc lên như cỏ dại. Vì vậy, hãy tìm những gì phát triển vượt trội rồi trồng thêm những thứ đó và coi bất kỳ tổn thất nào cũng chỉ là một phần của quá trình học hỏi. Xin được trích lời của Toby Hemenway: Nếu bạn không gặp bất kỳ thất bại nào trong một mùa trồng trọt, bạn sẽ không học được bất kỳ điều gì mới.”


Biên dịch: Thích Làm Vườn
Nguồn: Humans Who Grow Food (www.facebook.com/humanswhogrowfood/posts/1490193124660552)

#cauchuyennhavuon #thichlamvuon

  • Article
Tự nhiên Các giải pháp trồng trọt không sử dụng hóa chất tổng hợp ⭐

canh tac tu nhien.jpg

1. TỔNG QUAN VỀ PHƯƠNG PHÁP CANH TÁC TỰ NHIÊN (NATURAL FARMING)

1.1. Khái niệm


Phương pháp canh tác tự nhiên được hiểu là quá trình trồng trọt mô phỏng theo tự nhiên và không sử dụng các hóa chất tổng hợp.
Quan điểm này được dựa trên nguyên lý phát triển của các hệ sinh thái tự nhiên dạng nguyên sinh, hạn chế sự can thiệp của con người.

Một ví dụ trong các thuyết trình để minh họa cho phương pháp canh tác tự nhiên là quan sát các khu rừng nguyên sinh, sẽ nhận thấy:
  • Không có phân bón
  • Không có hệ thống tưới
  • Không có thuốc bảo vệ thực vật
  • Không cần cải tạo đất và che phủ
  • Không cần xử lý ô nhiễm môi trường
  • Không có không gian cách ly như nhà màng, nhà lưới…
Các nguyên lý để tạo nên hệ sinh thái bền vững bao gồm:
  • Chọn lọc tự nhiên
  • Hệ thống thực vật đa tầng tán, khép kín và tuần hoàn
  • Hệ thực vật và thảm lá tự tạo ra độ ẩm bằng việc tích lúy trong không khí
  • Dinh dưỡng cây trồng được tạo ra trong đất
  • Hệ sinh thái cân bằng với chuỗi thức ăn và các thiên địch
Tuy nhiên, trong sản xuất nông nghiệp theo hướng tự nhiên chỉ là quá trình mô phỏng, do đó, việc hiểu rõ bản chất của các hiện tượng sẽ tạo ra các giải pháp ứng dụng để đạt các yêu cầu:
  • Tính toán và xây dựng các hệ thống cân bằng, tự vận hành, hạn chế sự can thiệp của con người.
  • Canh tác không hóa chất tổng hợp
  • Giảm thiểu chi phí: đầu tư, nhân công, dinh dưỡng cây trồng, bảo vệ thực vật
  • Đảm bảo chất lượng nông sản ở mức cao
  • Phát triển bền vững

1.2. Các trường phái

1.2.1. Nông nghiệp vĩnh cửu (Permaculture)

Permaculture là một hệ thống các nguyên tắc trong thiết kế xã hội và nền nông nghiệp. Hệ thống các nguyên tắc này tập trung vào việc mô phỏng và tận dụng các mô hình và tính năng quan sát được trong hệ sinh thái tự nhiên. Thuật ngữ permaculture được David Holmgren, sinh viên đại học, và giáo sư của ông, Bill Mollison, đưa ra năm 1978. Từ permaculture xuất phát từ hai từ permanent (lâu dài, vĩnh cửu) và agriculture (nông nghiệp), có nghĩa là "nông nghiệp vĩnh cửu", nhưng sau đó thuật ngữ này được hiểu rộng thành permanent culture, tức là "văn hoá vĩnh cửu". Các khía cạnh xã hội là những phần không thể tách rời để có một hệ thống thực sự bền vững. Cách hiểu này được lấy cảm hứng từ triết lý nông nghiệp thuận tự nhiên của Masanobu Fukuoka.
Permarculture gồm nhiều nhánh, nhưng không giới hạn: thiết kế sinh thái, kỹ thuật sinh thái, thiết kế môi trường, xây dựng. Permaculture cũng bao gồm quản lý tài nguyên nước tổng hợp để phát triển kiến trúc bền vững và hệ thống nông nghiệp và môi trường sống tự duy trì và tự tái tạo. Những hệ thống và kiến trúc này được mô hình hóa từ hệ sinh thái tự nhiên

Các nguyên lý của permaculture:
  1. Bảo vệ trái đất: Cung cấp cho tất cả các hệ thống sống để tiếp tục và nhân rộng. Đây là nguyên tắc đầu tiên, bởi vì nếu không có một trái đất khỏe mạnh, con người không thể sinh tồn và phát triển.
  2. Bảo vệ con người: Cung cấp cho người dân cách tiếp cận các nguồn lực cần thiết cho sự tồn tại của họ.
  3. Thiết lập các giới hạn dân số và tiêu dùng: Bằng cách điều chỉnh các nhu cầu của cá nhân, chúng ta có thể đặt các nguồn lực sang một bên để tiếp tục các nguyên tắc trên. Luận cứ thứ ba đôi khi được gọi là Fair Share, phản ánh rằng mỗi người trong chúng ta không nên lấy đi nhiều hơn những gì chúng ta cần trước khi chúng ta tái đầu tư thặng dư.

12 nguyên tắc của permaculture:
  1. Quan sát và tương tác
  2. Thu hút và tích trữ năng lượng
  3. Đảm bảo có năng suất
  4. Áp dụng tự điều chỉnh và chấp nhận phản hồi
  5. Sử dụng và đánh giá các nguồn tài nguyên và dịch vụ tái tạo
  6. Không tạo ra chất thải
  7. Đi đến thiết kế mô hình chi tiết
  8. Tích hợp chứ không phải tách biệt
  9. Sử dụng các giải pháp nhỏ và chậm
  10. Sử dụng và đa dạng giá trị
  11. Sử dụng các cạnh và giá trị biên
  12. Sử dụng sáng tạo và đáp ứng sự thay đổi

1.2.2. Nông nghiệp thuận tự nhiên

Nông nghiệp tự nhiên (tiếng Anh: Natural Farming) là một thuật ngữ nói về việc tiếp cận nông nghiệp sinh thái, được đưa ra bởi Masanobu Fukuoka (1913-2008), một nông dân người Nhật và cũng là một nhà triết học đã mô tả cách canh tác của mình là "Nông hóa tự nhiên"

Nông nghiệp thuận tự nhiên gần gũi với nông nghiệp vĩnh cửu, và có 5 nguyên tắc cơ bản bao gồm
  1. Không cày xới đất canh tác
  2. Không có phân bón
  3. Không có thuốc bảo vệ thực vật (thuốc diệt cỏ)
  4. Không làm cỏ
  5. Không cắt tỉa

Tuy nhiên, việc ứng dụng nông nghiệp thuận tự nhiên sẽ gặp những khó khăn nhất định, chủ yếu là vấn đề tâm lý của người sản xuất như:
  • Thời gian dài
  • Lo sợ không đảm bảo năng suất
  • Không có vùng cách ly, trở thành trung tâm phá hoại của các loại côn trùng, dịch hại
  • Đi ngược lại tâm lý năng suất cao ngắn ngày
Do đó, mô hình nông nghiệp thuận tự nhiên cần có một quá trình thích nghi, chuyển đổi về cả tâm lý người sản xuất đến thực trạng sản xuất tại các địa phương có nhu cầu sản xuất nông sản theo sản lượng.

Nhưng mặt khác, nông nghiệp thuận tự nhiên lại là tiền đề và tạo tiềm năng rất lớn cho du lịch nông nghiệp.

1.2.3. Nông nghiệp hữu cơ có kiểm soát

Nông nghiệp hữu cơ hay còn gọi canh tác hữu cơ là một hệ thống nông nghiệp luân canh có nguồn gốc từ thế kỷ XX ra đời trong sự thay đổi nhanh chóng các hệ thống canh tác trên thế giới. Nông nghiệp hữu cơ liên tục được phát triển bởi tổ chức Nông nghiệp hữu cơ khác nhau cho đến ngày hôm nay. Canh tác này chủ yếu dựa vào phân bón có nguồn gốc hữu cơ như phân từ gia súc gia cầm, phân xanh, phân trộn, bột xương, … tăng độ phì cho đất bằng nhóm cây trồng có tác dụng cải tạo đất. Nhấn mạnh vào các kỹ thuật luân canh giống cây trồng, kiểm soát dịch hại sinh học, sử dụng xen canh cây trồng khắc chế dịch hại hoặc khuyến khích sự tồn tại động vật là thiên địch của sâu bệnh dịch hại.

Theo Liên đoàn nông nghiệp hữu cơ quốc tế:

"Nông nghiệp hữu cơ là một hệ thống sản xuất để duy trì sức khỏe của đất, hệ sinh thái và con người. Nó dựa trên quá trình sinh thái, đa dạng sinh học và chu trình thích nghi với điều kiện địa phương, chứ không phải là việc sử dụng các yếu tố đầu vào có tác dụng phụ. Nông nghiệp hữu cơ kết hợp truyền thống, đổi mới và khoa học có lợi cho môi trường chung và thúc đẩy các mối quan hệ công bằng, một cuộc sống chất lượng cho tất cả tham gia... "

Một số biện pháp đặc trưng của nông nghiệp hữu cơ khuyến nghị áp dụng bao gồm:
  1. Thu hút động vật ăn thịt có ích để kiểm soát sâu bệnh bằng cách tạo cho chúng vườn cây hoặc môi trường sống thay thế, thường là hình thức của một băng xanh hoặc đám ruộng cây làm ngân hàng động vật (thường là bọ cánh cứng).
  2. Khuyến khích các vi sinh vật có lợi;
  3. Luân canh cây trồng đến các địa điểm khác nhau qua các vụ, trong một số năm làm gián đoạn chu kỳ sinh sản sâu bệnh;
  4. Trồng cây hoang dã hoặc cây có sức đề kháng cao để đẩy lùi hoặc tác động đến sự phát triển quần thể sâu bệnh.
  5. Sử dụng hàng rào bảo vệ cây trồng trong thời kỳ di cư sâu bệnh;
  6. Sử dụng thuốc trừ sâu sinh học và thuốc diệt cỏ sinh học
  7. Sử dụng biện pháp tạo và làm cũ luống cây trồng để nảy mầm và tiêu diệt cỏ dại trước khi trồng.
  8. Vệ sinh để hạn chế môi trường sống sâu bệnh;
  9. Sử dụng bẫy côn trùng để giám sát và kiểm soát quần thể côn trùng.
  10. Sử dụng các rào cản vật lý, chẳng hạn như lưới.

1.3. Các nguyên tắc chung

Về cơ bản, các trường phái nói trên đều có những điểm tương đồng, đó là:
  • Không sử dụng các hóa chất tổng hợp
  • Không ảnh hưởng đến sức khỏe người sản xuất và người tiêu dùng
  • Không ảnh hưởng đến môi trường
  • Không sử dụng những giống biến đổi gien, có sự tác động của con người để mất cân bằng sinh thái
  • Sử dụng các nguyên lý của tự nhiên làm cơ sở

Tuy nhiên, trong từng điều kiện, hoàn cảnh thực tế, việc sử dụng các phương pháp của các trường phái nói trên phụ thuộc rất lớn vào các yếu tố:
  • Thực tế của môi trường canh tác
  • Tâm lý của người sản xuất
  • Kiến thức của người sản xuất
  • Sự đảm bảo về các giá trị kinh tế trong các chuỗi liên kết
Do đó, việc triển khai thực tế sẽ có thể cần một quá trình có tính linh hoạt, điều chỉnh đặt trong một chuỗi liên kết: sản xuất – chế biến – thương mại – truyền thông – sử dụng, tương đương với Nông dân – Người chế biến nông sản – Kênh truyền thông – Kênh thương mại – Người tiêu dùng.

Xuyên suốt trong quá trình này cần đảm bảo tính minh bạch, và có sự hỗ trợ tham gia của các chính quyền, cơ chế giám sát, quy định pháp luật, công nghệ thông tin…

2. HỆ SINH THÁI CÁC LỢI KHUẨN ỨNG DỤNG TRONG NÔNG NGHIỆP

2.1. Vi sinh vật bản địa IMO

Vi sinh vật bản địa (Tiếng Anh: Indigenous Microorganism; viết tắt: IM, IMO) bao gồm các loài vi sinh có nguồn gốc bản địa, sinh sống và phát triển trong môi trường tự nhiên.

Các vi sinh vật bản địa sống trong đất, nước... tham gia tích cực vào quá trình phân giải chất hữu cơ biến chúng thành CO2 và những hợp chất vô cơ sử dụng làm thức ăn cho cây trồng; một số vi sinh vật cố định nitơ thông qua việc biến khí nitơ (N2) trong không khí thành các hợp chất chứa nitơ để cung cấp cho thực vật.

Tổ hợp vi sinh vật bản địa được lựa chọn tương thích với sức khỏe con người, vật nuôi, cây trồng được thu thập, hỗ trợ nhân bản để trở thành một giải pháp hỗ trợ phân giải nhanh các chất hữu cơ (ứng dụng trong sản xuất phân bón) hay xử lý các nguồn vi khuẩn có hại (theo nguyên lý cạnh tranh sinh tồn) hoặc xử lý không khí bằng việc phân giải các hợp chất gây mùi khó chịu…

Ửng dụng của IMO trong nông nghiệp rất đa dạng:
  • Phân giải các chất hữu cơ tạo nguồn dinh dưỡng cây trồng
  • Cải tạo môi trường đất
  • Xử lý bệnh hại cây trồng
  • Được sử dụng trong hỗn hợp thuốc bảo vệ thực vật từ nguồn hữu cơ
  • Hỗ trợ sản xuất thức ăn chăn nuôi lên men
  • Làm thảm sinh học trong chăn nuôi
  • Xử lý ô nhiễm nước
  • Xử lý ô nhiễm không khí
Việc chủ động tạo ra nguồn vi sinh vật bản địa có nhiều cách khác nhau, tuy nhiên có hai cách tương đối phù hợp với điều kiện tại Việt Nam.

Các phương pháp tạo IMO:

Phương pháp 1: Tạo IMO từ nguồn tinh bột.

  1. Nguyên liệu: gạo (nên chọn loại gạo rẻ tiền) hoặc một nguồn giàu carbohydrate; đường nâu hoặc mật đường, khay gỗ (thường dùng khay có kích thước 40*40 cm, cao khoảng 7-8 cm).
  2. Điều chế:
  • Nấu gạo thành cơm chín, trải thành một lớp 2-3 cm trong khay, không nén chặt nhằm tạo diện tích lớn nhất để vi sinh vật phát triển. Dùng giấy niêm phong lại cho chặt, đảm bảo không bị chùng xuống chạm vào lớp cơm trong khay.
  • Tìm nơi có tán tre hoặc tán cây rậm rạp (thường là nơi tập trung nhiều vi sinh vật nhất), đào một hố nông bằng khoảng 1/2 chiều cao khay gỗ, cho khay chứa cơm đã chuẩn bị vào, dùng lá mục, cành khô gần ngay tại đó phủ sao cho kín, nếu sợ mưa có thể phủ lên một lớp nilon. Sau 3-4 ngày (mùa nóng) hoặc 5-6 ngày (mùa lạnh), lớp cơm trong khay gỗ sẽ bị bao phủ bởi một lớp mốc trắng, đôi khi có lẫn một số mốc khác màu vào.
  • Thu lấy lớp cơm chứa mốc trắng (không nên hoặc hạn chế dùng đến phần cơm chứa các mốc màu khác vì các vi sinh vật có hại có thể lẫn vào) đem trộn với mật đường hoặc đường nâu theo tỷ lệ khối lượng 1:1, cho vào đầy khoảng 2/3 một hũ chứa sạch, dùng giấy báo niêm phong lại, để nơi râm mát trong khoảng 7 ngày.
  • Sau thời gian này, đem chắt lọc lấy phần IMO lỏng (có thể thu được rất ít) cho vào một hũ chứa khác, dùng giấy niêm phong lại. IMO lỏng thu được gọi là IMO-2, còn IMO ban đầu (phần cơm chứa mốc trắng) gọi là IMO-1. Một số nơi khi làm bước trộn cơm mốc với đường có thể thêm một lượng nước sạch bằng 3 lần lượng hỗn hợp cơm + đường, sau khi lọc sẽ thu được sản phẩm gọi tắt là IMO tổng hợp.

Phương pháp 2: Tạo IMO từ nguồn trái cây, thực vật

1. Nguyên liệu:
  • Bí ngô 03 kg
  • Chuối 03 kg
  • Đu đủ 03 kg
  • Đường đỏ 03 kg
  • Trứng gà 05 quả
  • Nước sạch 10 lit
  • Chuẩn bị 01 thùng nhựa có nắp kín, dung tích 30 lit
2. Thực hiện:
  • Rửa sạch trái cây. Cắt nhỏ (bao gồm cả vỏ) thành lát mỏng
  • Cho tất cả các thành phần trên vào thùng nhựa. Đậy nắp kín. Để khoảng hở cho quá trình lên men.
  • Sau 10 ngày, mở nắp thùng nhựa ra. Sẽ thấy có lớp váng sẽ xuất hiện trên bề mặt. Nếu không có nấm, thêm đường đỏ và tiếp tục ủ
  • Sau mỗi 10 ngày, mở nắp, khuấy đều hỗn hợp.
  • Từ ngày thứ 30 đến ngày 45, khuấy đều mỗi ngày, sau đó đậy kín. Sau 45 ngày, IMO1 hoàn thành
  • Lọc kỹ trước khi sử dụng. Khi sử dụng, pha loãng theo tỷ lệ 200 ml/10 lit nước.
  • Sau khi có E.M1, có thể nhân bản với rỉ đường (hoặc mật mía, đường đỏ…) với tỷ lệ
Ghi chú:
  • Trong trường hợp sử dụng nước mưa, nước máy, nước giếng khoan, cần đảm bảo sạch clo và chất sắt. Khuyến cáo, nên sử dụng nước sau khi sử dụng là 01 tuần từ khi chuẩn bị
  • Các loại trái cây, bí ngô được sử dụng có thể là chín (không bỏ vỏ)
  • Trứng gà cần tươi, không sử dụng trứng gà đã bảo quản lâu ngày
  • Trong quá trình mở nắp, cần thận trọng vì có khí ga do quá trình lên men. Nên mở nắp từ từ, đặc biệt sau 10 ngày đầu. Có thể hạn chế bằng cách khoan lỗ nhỏ trên nắp thùng hoặc để khoảng không trong thùng.

2.2. Giấm

Giấm là một chất lỏng có vị chua, được hình thành từ sự lên men của rượu etylic. Thành phần chính của giấm là dung dịch axit axêtic (CH3COOH) có nồng độ khoảng 5%.

Giấm được tạo ra bởi các chủng vi khuẩn Lacto bacillus, phân hủy các loại hoa quả chín, đường để sinh sôi, tạo ra nguồn axit hữu cơ (ngoài ra có thể tạo ra giấm từ xác thực vật, mùn cưa, dăm bào…)

Ứng dụng của dấm rất rộng rãi trong nông nghiệp:

  • Thành phần trong hỗn hợp xử lý trứng sâu bệnh, ngăn chặn việc nở thành ấu trùng có hại cho cây trồng.
  • Xử lý nước.
  • Xử lý không khí và diệt các hại khuẩn gây mùi.
  • Hỗ trợ phân giải các chất hữu cơ để làm dinh dưỡng cây trồng mà không tạo ra mùi hôi thối khó chịu.
  • Diệt trừ nhiều loại vi khuẩn gây hại theo phương pháp cạnh tranh sinh học.
  • Có thể sử dụng diệt cỏ theo phương pháp sinh học.
Phương pháp sản xuất giấm:

Nguyên liệu:
  • 1 quả dừa tươi
  • 1 ly rựơu trắng
  • 20 ly nước lọc
Cách làm:
  • Cho nước và rượu vào lọ thủy tinh khuấy đều sau đó cho nước dừa
  • Dùng đũa sạch khuấy đều sau đó đậy kín nắp lại
  • Để nơi thoáng mát sau 2 tháng thì giấm chua và dùng được
  • Khi mở nắp thấy lớp màng dày màu trắng thì đó chính là con giấm.
  • Múc hết nước dấm ra chai để dùng và cho rượu và nước dừa và nước lọc vào bằng lượng nước múc ra
  • Các lần sau chỉ một tháng là dùng được và chiết giấm ra một lần
Phương pháp nhân giấm từ rỉ mật, đường mía
  1. Nguyên liệu:
  • Bình thủy tinh
  • Giấm và con giấm
  • Đường mía
  • Nước sạch
  1. Cách làm:
  • Pha hỗn hợp đường và nước theo tỉ lệ 1 đường/ 6 nước
  • Đổ hỗn hợp vào bình đựng có giấm và con giấm
  • Sau 30 ngày sẽ có lượt giấm mới
  • Có thể bổ sung thêm chuối chín để quá trình tạo giấm nhanh hơn.

2.3. Rượu ủ lên men từ tinh bột

Rượu lên men từ tinh bột là một trong những giải pháp quan trọng của nông nghiệp không hóa chất. Đó là sản phẩm được tạo ra từ quá trình phân giải các chất tinh bột, đường với vi khuẩn có lợi và các nấm men.

Ứng dụng của rượu trong nông nghiệp rất đa dạng:
  • Diệt khuẩn có hại
  • Phân giải các chất hữu cơ, có thể tạo thuốc bảo vệ thực vật sinh học chi phí thấp theo phương pháp ngâm các loại cây có tinh dầu ảnh hưởng đến sinh vật có hại.
  • Sử dụng trong hỗn hợp IMO – Giấm – Rượu tạo ra dung dịch xử lý trứng côn trùng gây hại.
  • Xử lý ô nhiễm không khí
  • Lên men thức ăn cho vật nuôi, tăng khả năng hấp thụ của vật nuôi và giảm chi phí thức ăn, chi phí chế biến, chi phí nhân công…

Phương pháp sản xuất rượu ủ lên men chi phí thấp:
  1. Nguyên liệu:
  • Men rượu dạng bánh: 02 kg
  • Tinh bột (gạo, sắn, khoai): 40 kg
  • Rỉ mật: 21 lit
  • Nước đã khử Clo: 400 lit
  1. Cách làm:
  • Nấu chín hỗn hợp tinh bột, để nguội (đối với nguồn nguyên liệu lớn như sắn, khoai có thể dùng phương pháp ủ đốt bằng chính nguồn lá cây, cành khô tại chỗ)
  • Nghiền nhỏ bánh men rượu, rắc vào hỗn hợp, đảo đều
  • Lót lá chuối, lá cây trong thùng và đưa nguyên liệu vào, đậy kín
  • Sau 7 – 10 ngày, có được hỗn hợp men rượu.
  • Bổ sung 100 lit hỗn hợp rỉ mật với nước theo tỉ lệ 1/20, cho vào bình khuấy đều, chắt cạn nước. Thu được 100 lit. Tiếp tục đậy nắp kín để nước rượu lên men)
  • Bổ sung bánh men nghiền nhỏ (mỗi đợt 500 gr) vào bã hỗn hợp, tiếp tục lặp lại quá trình ủ 7 -10 ngày.
  • Bổ sung 03 lần, mỗi lần 100 lit hỗn hợp rỉ mật và nước theo tỉ lệ 1/20 vào bình. Chắt nước và lặp lại việc ủ men.
  • Sau khi thu được 400 lit, chia đều bã men vào các thùng chứa.
  • Lưu ý: có thể sử dung nước hỗn hợp bất cứ lúc nào, miễn là đã ủ sau 10 ngày.

2.4. Nước lên men trái cây

Nước lên men trái cây với rỉ mật, đường về cơ bản là một dạng hỗn hợp IMO và rượu, được chế tạo bằng việc lên men các loại trái cây chín.
Với các loại trái cây nhiều đường như chuối, dứa…, tỉ lệ ủ giữa rỉ mật, đường và trái cây là 1:2
Với các loại ít đường như bí đỏ, khế…,tỉ lệ ủ giữa rỉ mật, đường và trái cây là 1:1

Công dụng và cách sử dụng tương tự như IMO nhưng hiệu quả kém hơn. Tuy nhiên, đây lại là hỗn hợp bổ sung cho IMO đa chủng khi thoái hóa.
(Xem thêm phần IMO)

2.5. Nấm đối kháng Trichoderma

Nấm Trichoderma thường sống trong đất tập trung nhiều ở khu vực rễ cây. Chủng nấm này có đến 33 loài, hầu hết đều có lợi cho cây trồng. Một số giúp cố định đạm trong đất, số khác phân giải các chất hoặc tấn công tiêu diệt các loài nấm bệnh gây hại cho cây trồng. Do tính chất đối kháng với nấm bệnh, nên người sản xuất nông nghiệp thường Trichoderma mà là “Nấm đối kháng Trichoderma”

Ứng dụng của nấm đối kháng Trichoderma:
  • Phân hủy các chất hữu cơ, tạo nguồn dinh dưỡng cho cây trồng (ủ phân bón hữu cơ)
  • Diệt các khuẩn có hại như khuẩn tạo mùi (nên có chức năng khử mùi), khuẩn bệnh hại rễ và các vùng tổn thương trên cây trồng.
  • Hỗ trợ kháng thể cây trồng.
  • Cách sử dụng trichoderma có thể tìm hiểu trên bao bì, sách hướng dẫn của các nhà sản xuất.

Phương pháp nhân bản Trichoderma chi phí thấp:
Nguyên liệu:
  • Nấm gốc trichoderma: 01 kg
  • Cám gạo: 10 kg
  • Rỉ mật: 1 lit
  • Nước sạch khoảng 5 lit
Cách làm:
  • Trộn trichoderma gốc với cám gạo
  • Hòa rỉ mật và nước theo tỉ lệ 1:5
  • Tưới đều và đảo trộn hỗn hợp nấm, cám gạo, nước – rỉ mật. Nắm chặt hỗn hợp trong tay, vắt mạnh để kiểm tra độ ẩm, không có nước chảy qua kẽ tay là được.
  • Ủ trong bình có khoảng không khí, đậy kín nắp. Để trong nơi râm mát, nhiệt độ lý tưởng từ 20 – 30oC. Sau khoảng 1 tuần, kiểm tra thấy hỗn hợp có mùi thơm nhẹ, nấm lan đều là thành công.

2.6. Các dịch ngâm

2.6.1. (Phân bón) dịch ngâm động vật có nguồn đạm cao:
  • Nguồn nguyên liệu: cá, ốc, nguồn thải của các cơ sở chế biến thủy sản
  • Các phương pháp ngâm dịch:
    • Ngâm ủ dài hạn: sử dụng IMO hoặc Trichoderma để ngâm nguyên liệu trong bể kín. Thời gian từ trên 60 ngày.
    • Ngâm ủ ngắn hạn theo phương pháp rửa: sử dụng IMO hoặc Trichoderma ngâm nguyên liệu trong bể có vòi xả. Sau 7 ngày, có thể liên tục xả thành phẩm và bổ sung hỗn hợp nước IMO, Trichoderma, sau đó tiếp tục xả để thu thành phẩm (tối ưu hóa, giảm chi phí)
    • Có thể thay cá, ốc bằng đậu tương.
    • Xem thêm mục III. Các phương pháp tạo nguồn dinh dưỡng cây trồng.

2.6.2. (Phân bón) dịch ngâm thực vật giàu dinh dưỡng
  • Nguồn nguyên liệu:
    • Kali thực vật: chuối, khoai lang, tro cỏ tranh
    • Đa vi lượng: lá và thân cây chùm ngây
    • Phốt pho: vỏ trứng, xương động vật
  • Các phương pháp ngâm dịch:
    • Ngâm ủ dài hạn: sử dụng IMO hoặc Trichoderma để ngâm nguyên liệu trong bể kín. Thời gian từ trên 60 ngày.
    • Ngâm ủ ngắn hạn theo phương pháp rửa: sử dụng IMO hoặc Trichoderma ngâm nguyên liệu trong bể có vòi xả. Sau 7 ngày, có thể liên tục xả thành phẩm và bổ sung hỗn hợp nước IMO, Trichoderma, sau đó tiếp tục xả để thu thành phẩm (tối ưu hóa, giảm chi phí)
    • Xem thêm mục III. Các phương pháp tạo nguồn dinh dưỡng cây trồng.

2.6.3. (Bảo vệ thực vật) dịch ngâm các loại cây có tinh dầu hoặc độc tố với côn trùng (an toàn với con người)
  • Nguồn nguyên liệu:
    • Cây sả (khuyến nghị trồng vùng nguyên liệu trong khu vực sản xuất)
    • Củ tỏi (khuyến nghị trồng vùng nguyên liệu trong khu vực sản xuất)
    • Cây xuyến chi
    • Cây sài đất
    • Cây bạc hà
    • Cây hương nhu
  • Các phương pháp ngâm dịch:
    • Ngâm ủ dài hạn: sử dụng IMO hoặc Trichoderma để ngâm nguyên liệu trong bể kín. Thời gian từ trên 60 ngày.
    • Ngâm ủ ngắn hạn theo phương pháp rửa: sử dụng IMO hoặc Trichoderma ngâm nguyên liệu trong bể có vòi xả. Sau 7 ngày, có thể liên tục xả thành phẩm và bổ sung hỗn hợp nước IMO, Trichoderma, sau đó tiếp tục xả để thu thành phẩm (tối ưu hóa, giảm chi phí)
    • Xem thêm mục III. Các phương pháp tạo nguồn dinh dưỡng cây trồng.

3. CÁC PHƯƠNG PHÁP TẠO NGUỒN DINH DƯỠNG CÂY TRỒNG

3.1. Các tiêu chí

  • Nguồn nguyên liệu dồi dào
  • Ít tốn chi phí nhân công
  • Ít chi phí đầu tư sản xuất: nhà xưởng, máy móc, năng lượng
  • Hạn chế vận chuyển
  • Tiện lợi
  • Nhanh chóng

3.2. Các phương pháp cung cấp dinh dưỡng

3.2.1. Qua hệ rễ

Việc cung cấp dinh dưỡng qua hệ rễ để giảm tối đa chi phí và đạt các tiêu chí nói trên có những phương pháp sau:
  • Tưới tràn
  • Tưới qua hệ thống nước
  • Ngâm ủ trực tiếp xác động, thực vật trong mương với IMO và xả nước
  • Chôn lấp xác động, thực vật dưới thảm cỏ, có hỗ trợ của IMO, trichoderma
Ưu điểm:
  • Giảm chi phí đầu tư cho hệ thống tưới nếu kết hợp với rãnh
  • Giảm chi phí nhân công tưới
  • Tạo hệ dinh dưỡng cho cây trồng trong đất bền vững

Nhược điểm:
  • Khó cân bằng các chất dinh dưỡng theo từng thời vụ, thời điểm
  • Lượng hấp thụ dinh dưỡng của cây trồng thấp
Lưu ý:
  • Cần có sự hỗ trợ liên tục của IMO để tăng nhanh quá trình phân giải các chất hữu cơ. Đồng thời cần lưu ý các tỉ lệ hòa tan với nước của các dung dịch ngâm đậm đặc (thông thường tỉ lệ từ 1/50 đến 1/200) để cây trồng không bị sốc dinh dưỡng.
  • Cần có thảm thực vật (đối với cây ăn quả) hoặc lớp che phủ bằng xác thực vật như rơm, rạ, lá cỏ vetiver, lá cốt khí, lá sả…đối với rau, hoa để tránh việc bốc hơi dinh dưỡng.
  • Có thể sử dụng các rãnh liên thông để dẫn nước có dinh dưỡng phân hủy trong các vườn cây, vườn rau để giảm thiểu các chi phí tưới, chi phí nhân công…

3.2.2. Qua lá
Việc cung cấp dinh dưỡng qua lá được đánh giá là hiệu quả cao hơn rất nhiều lần qua việc tưới rễ. Tuy nhiên, việc cung cấp dinh dưỡng theo cách làm này cần sự hỗ trợ của máy phun sương và chỉ có thời điểm là sáng sớm hoặc chiều muộn. Đặc biệt cần lưu ý là cây được tưới trước khi phun dinh dưỡng qua lá.

Có thể thêm phụ gia tạo độ bám dính vào dung dịch phun qua lá như các loại tinh bột.

Ưu điểm:
  • Tiết kiệm phân bón, dinh dưỡng cây trồng
  • Hiệu quả nhanh chóng, tức thời do cây trồng hấp thụ trực tiếp
  • Có thể điều chỉnh được các loại dinh dưỡng phù hợp vào các thời điểm như phát triển hệ rễ, chồi, ra hoa, kết quả…
Nhược điểm:
  • Tốn nhân công phun tưới
  • Phụ thuộc thiết bị tưới

3.2.3. Nguồn dinh dưỡng Đạm từ động vật
Việc ngâm ủ các loại động vật với IMO, Trichoderma khá dễ dàng nếu chủ động nhân giống được các hệ vi sinh, nấm có lợi.

Các nguồn đạm động vật cũng khá dồi dào, chi phí thấp như các sản phẩm thải sau chế biến thủy sản như ốc, cá… Và đối với những trang trại có diện tích rộng, hoàn toàn có thể đào mương, ao để tạo nguồn tại chỗ (Xem thêm phần Phân bón vĩnh cửu)

Việc ủ các loại xác động vật có thể chia làm hai loại, đó là:
  • Ngâm ủ dài hạn: sử dụng IMO hoặc Trichoderma để ngâm nguyên liệu trong bể kín. Thời gian từ trên 60 ngày.
  • Ngâm ủ ngắn hạn theo phương pháp rửa: sử dụng IMO hoặc Trichoderma ngâm nguyên liệu trong bể có vòi xả. Sau 7 ngày, có thể liên tục xả thành phẩm và bổ sung hỗn hợp nước IMO, Trichoderma, sau đó tiếp tục xả để thu thành phẩm (tối ưu hóa, giảm chi phí)
Thời điểm cung cấp dinh dưỡng đạm cho cây trồng cần tương thích với quá trình phát triển hệ rễ, lá, thân (Khác với việc cung cấp Kali vào thời điểm ra hoa, kết quả)

Phương pháp cung cấp dinh dưỡng cho cây trồng có thể linh hoạt giữa việc cung cấp qua rễ và lá, tùy theo điều kiện phù hợp.

Việc cung cấp dinh dưỡng có thể kết hợp với việc cấp nước cho cây trồng, hoặc phun chung với các dung dịch bảo vệ thực vật hữu cơ để giảm chi phí tưới.

Dung dịch tưới gốc thường pha theo tỉ lệ dịch ủ và nước ở mức 1/50
Dung dịch phun qua lá thường pha theo tỉ lệ dịch ủ và nước ở mức từ 1/50 đến 1/200

3.2.4. Nguồn dinh dưỡng Kali thực vật
Tương tự như nguồn dinh dưỡng đạm, nguồn Kali có thể được tạo ra từ việc ủ các loại cây có sinh khối cao, chứa nhiều Kali như chuối, tro cỏ tranh, khoai lang và cỏ voi.

Để tạo nguồn dinh dưỡng Kali dồi dào, có thể sử dụng phương pháp ngâm ngắn hạn với bể xả, sử dụng IMO hỗ trợ để phun trên lá.
Hoặc có thể phay nhỏ, rải lên bề mặt đất và tưới đẫm IMO đậm đặc (tỉ lệ IMO – Nước là 1/20)

Dung dịch ngâm ủ Kali thực vật có thể phun bón lá đậm đặc mà không sợ ảnh hưởng đến cây trồng. Thời điểm phun qua lá là khi cây sắp hoặc đang trổ hoa, kết quả.

Có thể phối trộn dung dịch Kali thực vật với dung dịch đạm và các dung dịch bảo vệ thực vật từ nguồn hữu cơ (không trộn lẫn các dung dịch hóa chất công nghiệp)

3.2.5. Nguồn dinh dưỡng đa lượng từ cây chùm ngây
Cây chùm ngây là một loại cây đặc biệt, chứa rất nhiều vi lượng trong thân, lá, cành. Do đó, việc ngâm ủ thân, lá, cành chùm ngây với IMO có thể tạo ra một loại dinh dưỡng chất lượng cao đối với mọi loại cây trồng.

Do đó, việc trồng một vùng cây chùm ngây để tạo nguồn dinh dưỡng là điều nên làm tại các trang trại lớn.
Đối với phương pháp phun lá, có thể ủ lá cây chùm ngây với IMO.
Đối với phương pháp tưới rễ, có thể ủ cây, cành, lá chùm ngây trong các rãnh nước gần cây trồng.
Để tạo ra lượng sinh khối lớn từ cây chùm ngây, cần lưu ý việc bấm ngọn, Tạo tán, khống chế cây với chiều cao dưới 1,5m. Và hoàn toàn có thể trồng cây với mật độ dày đặc để thu sinh khối.

3.2.6. Các giải pháp tạo nguồn dinh dưỡng vĩnh cửu (phân bón vĩnh cửu)
  • Đào mương, bơm nước, thả bèo, nuôi ốc. Sử dụng ốc, bèo để ủ với IMO, Trichoderma như nguồn phân bón vĩnh cửu, vô hạn.
  • Trồng chuối quanh các khu vực canh tác. Sau khi thu quả, có thể sử dụng thân cây chuối phay nhỏ, ủ với IMO, Trichoderma để làm nguồn phân bón kali vĩnh cửu.
  • Trồng chùm ngây để thu lá, cành, thân ủ với IMO, Trichoderma tạo nguồn phân bón đa vi lượng.

4. CÁC PHƯƠNG PHÁP BẢO VỆ THỰC VẬT

4.1. Sử dụng thảm thực vật che phủ gốc cho nhóm cây ăn quả, cây lâu năm

4.1.1. Ý nghĩa của thảm thực vật che phủ

Thảm thực vật che phủ đất đóng vai trò rất quan trọng trong việc canh tác thuận tự nhiên bởi các ý nghĩa sau:
  • Giữ ẩm cho khu vực trồng trọt và mặt đất. Chống bay hơi nước và giảm chi phí tưới
  • Chống bay hơi dinh dưỡng dạng đạm.
  • Tạo hệ sinh thái vi sinh vật đa dạng trong đất.
  • Tạo độ thoáng trong đất, hạn chế cày xới, giảm chi phí cải tạo đất
  • Khi cắt, xén thảm có thể tạo ra nguồn dinh dưỡng dồi dào, tái sinh bổ sung cho đất
Tại những trang trại, vùng trồng không có thảm thực vật che phủ, đất đai sẽ cằn cỗi, khô cạn, nghèo dinh dưỡng khiến chi phí đầu tư, vận hành cao hơn rất nhiều lần. Chưa kể đến quan niệm “cỏ cạnh tranh dinh dưỡng cây trồng” đã tạo ra phong trào sử dụng chất diệt cỏ độc hại hay tốn kém nhân công cắt cỏ định kỳ, tạo áp lực cho người trồng trọt.

4.1.2. Cỏ

Tham khảo thêm bài viết của Ths. Hoàng Sơn Công với tiêu đề “Để hay diệt cỏ”

1. Cỏ ăn dinh dưỡng cây trồng của cây?
Thực tế, cỏ ăn một tầng rất nông ở trên, hiếm có loại cỏ nào như vetiver.
Và nếu có ăn nhiều, cỏ vẫn trả lại xác thực vật.
Ngoài ra, chúng ta đã có phân bón vô hạn.

2. Cỏ và nước?
Thực tế, cỏ tạo ẩm rất tốt. Cả trên bề mặt và tầng đất. Buổi tối, vùng đất có cỏ sẽ dày mật độ hơi nước hơn.

3. Cỏ và đất?
Rễ cỏ làm tơi xốp đất. Cắt cỏ trên mặt, để lại rễ làm đất mềm và xốp

4. Cỏ là nguồn bệnh?
Thực tế, nếu chúng ta bổ sung lợi khuẩn, nấm xanh, nấm trắng thì lại là môi trường giúp trừ sâu, hạn chế sâu.

5. Cỏ và cây ăn quả?
Rất rõ. Tuy nhiên, định kì sẽ phát cỏ để ủ.

Cách làm khác là sau khi phát cỏ sẽ trồng các thảm sinh vật bền vững, có lợi, có thể thu sản phẩm như ngải cứu, bạc hà, húng đặc biệt là sài đất. Thảm cỏ này có giá trị kinh tế cao và thường xuyên vì thu được lá, thân. Kèm theo là chế biến.

6. Cỏ cạnh tranh với rau ăn lá?
Đúng. Đó là cạnh tranh ánh sáng.
Do đó, việc làm cỏ 1 lần, phủ hạt giống rau và tỉa rau (để lại rễ) sẽ hạn chế cỏ tối đa.
Tuy nhiên, 1 thảm rau có lẫn cỏ sẽ truyền thông dễ và giá trị hơn.

7. Cỏ cạnh tranh với hoa?
Tùy loại hoa. Và có thể trồng đậu quanh hoa thân thẳng như hoa hồng, hoặc ươm cả rừng hướng dương, hoặc cạnh tranh với Cúc.
Cách khác là phủ thảm húng, bạc hà, sài đất...và khi trồng hoa thì khoanh từng ô và gieo hạt, sau đó phủ xác cỏ khô lên trên

8. Cỏ có thể làm đẹp cảnh quan?
Nếu xén tỉa gọn, hoặc đặt trong khuôn pallet và kết hợp với các loài cây cảnh, hoa và các tiểu cảnh.

4.1.3. Rau má nhật

Rau má Nhật là một loại cây ngoại lai, có sức sinh sản rất mạnh. Do đó, nhiều nơi coi loài cỏ này là thảm họa bởi tốc độ lây lan và cho rằng rau má Nhật cạnh tranh với dinh dưỡng của cây.

Trên thực tế, rau má Nhật khi trồng trong các vùng có cây ăn quả mang lại những ích lợi rất rõ rệt:
  • Giảm thiểu chi phí cắt cỏ, bởi cây mọc thấp, không vướng vào các hệ thống tưới.
  • Hạn chế tưới, bởi giữ ẩm rất tốt
  • Có thể lật thành những mảng cỏ, và đổ thẳng rác hữu cơ xuống thảm có, tạo nguồn dinh dưỡng tại chỗ cho cây trồng (bổ sung IMO)
  • Tạo hệ sinh thái đất đa dạng với giun, vi sinh vật
  • Cạnh tranh và tiêu diệt các loai cỏ khác, đặc biệt là những loại có thân cứng, mọc cao. Có thể phạt cỏ có hại, phủ rau má Nhật với mảng bóc lên vùng đất trống, tưới nước, rau má Nhật sẽ phát triển mạnh.
  • Không cạnh tranh dinh dưỡng với cây ăn quả, bởi rễ rau má ăn rất nông. Mặt khác, sinh khối của rau má Nhật rất lớn, có thể tái tạo lại nguồn dinh dưỡng sau khi hấp thụ từ không khí qua quang hợp.
Cần lưu ý khi trồng rau má Nhật vào vùng trồng rau ăn lá bởi đặc tính cạnh tranh của loại cây này rất lớn.
Việc cắt rau má Nhật, ngâm với IMO có thể tạo ra dung dịch bảo vệ thực vật và cung cấp dinh dưỡng cho cây trồng qua phương pháp phun sương lên lá.

4.1.4. Cây sài đất (cỏ chỉ vàng)

Tương tự rau má Nhật, sinh khối của cây sài đất rất lớn và tốc độ lây lan rất nhanh. Ý nghĩa của loại cây này tương tự như rau má Nhật.
Ngoài ra, loài cây này có thể tạo ra:
  • Dịch bảo vệ thực vật (ngâm với IMO)
  • Nguồn nguyên liệu làm dầu gội đầu, sữa tắm dược thảo.

4.2. Sử dụng lớp che phủ từ xác thực vật

4.2.1. Rơm, rạ

Nguồn rơm của nông nghiệp Việt Nam rất lớn, tuy nhiên nhiều nơi lại sử dụng phương pháp đốt để lấy tro. Cách làm này hiệu quả rất thấp và làm ô nhiễm môi trường.

Các thử nghiệm trên cây ăn quả, hoa, rau…cho thấy, việc phủ rơm lên các luống có những công dụng rất rõ ràng. Đó là: giữ ẩm, tạo không gian cho hệ sinh thái vi sinh phát triển, chống cỏ dại, hỗ trợ nảy mầm an toàn và đặc biệt là giảm công cày xới.

Phương pháp hiệu quả nhất đó là kết hợp thêm lợi khuẩn và nấm xanh phun tưới vào rơm. Điều này giúp cho môi trường đất trở nên an toàn, đồng thời tạo ra những môi trường thiên địch cho các côn trùng bất lợi cho cây trồng.

Ngoài rơm, có thể sử dụng xác thực vật như thân ngô, bã mía, thậm chỉ là thân cỏ dại đã cắt và ủ với lợi khuẩn.

4.2.2. Mùn phay thân cây chuối
Trong khi các loại phân bón hỗ trợ ra hoa, kết quả từ nguồn hữu cơ khá đắt đỏ, thì việc sản xuất phân bón kali hữu cơ từ thân cây chuối lại rất dễ dàng.

Cách làm chỉ đơn giản là phay nhỏ thân chuối và ngâm mục với lợi khuẩn và nước. Hoặc đắp bã thân chuối lên luống đất trồng rau, hoa hay gốc cây ăn quả. Do đó, việc kết hợp giữa việc trồng chuối làm hàng rào, thu cả quả và thân là cách làm khá dễ dàng, chi phí thấp và bền vững.

Đặc biệt, mùn phay thân cây chuối có thể giúp trồng trọt trên những nền đất cằn cỗi, sỏi đá hoặc trở thành nguyên liệu lý tưởng cho việc trồng các thảm hoa cảnh quan do dinh dưỡng và khả năng giữ ầm.

4.2.3. Cỏ vetiver
Cỏ vetiver là một loại cây có rất nhiều ý nghĩa trong nông nghiệp bền vững, với khả năng chịu hạn, chịu úng, tuổi thọ lâu dài, không phát tán và sinh khối lớn.

Lợi ích của việc trồng cỏ vetiver trong nông nghiệp bao gồm:
  • Cải tạo đất, với hệ rễ đào sâu, có thể đến 5m. Đặc biệt hỗ trợ cho các cây ăn quả rất tốt khi trồng quanh các gốc cây, sử dụng lá để che phủ gốc và hệ rễ để hút nước từ tấng sâu lên bề mặt.
  • Tạo ra nguồn che phủ dồi dào cho đất, hạn chế cỏ dại bởi đặc tính lâu phân hủy.
  • Chống sạt ở tại các bờ mương
  • Cộng sinh với các loại cây rễ nông
  • Tạo thoáng đất và môi trường cho vi sinh vật, giun trong đất
Cỏ vetiver có thể trồng theo kỹ thuật mỗi khóm 03 tép, đặt ngang và đắp bùn hoặc chọc lỗ và tưới đẫm nước.

4.2.4. Sả
Sả là một loại cây quan trọng trong nông nghiệp bền vững, với những ứng dụng sau:
  • Hàng rào cách ly các loại côn trùng
  • Nguồn lá che phủ dồi dào, chống cỏ
  • Khi cắt lá, tạo ra mùi tinh dầu, xua đuổi côn trùng
  • Là nguyên liệu chính trong phương pháp xông khói đuổi bướm hại, ruồi vàng trong vườn cây ăn quả (quấn lá sả với bấc tẩm dầu, nhồi trong các ống bê tông có lỗ, châm cháy âm ỉ, tạo khói xua đuổi các loại côn trùng)
  • Là nguyên liệu chính trong thuốc bảo vệ thực vật sinh học, bằng việc ngâm với dung dịch IMO.
  • Khuyến nghị trồng sả bên ngoài vành đai các khu vực trồng lúa, bên cạnh các luống rau và quanh các cây ăn quả để khi thu hoạch không tốn nhân công, chi phí vận chuyển.
  • Tạo nguồn phụ thu với củ sả tươi, dấm sả, nước rửa bát củ sả, nước uống mật ong sả, tinh dầu sả…
4.2.5. Bèo
Việc phủ bèo lên luống trồng rau, hoa hoặc gốc cây ăn quả có tác dụng rõ rệt hỗ trợ cho cây trồng. Đặc biệt là khả năng giữ ẩm và hỗ trợ phát triển hệ rễ. Phương pháp phủ bèo kết hợp với phun lợi khuẩn là giải pháp chi phí thấp và có tính bền vững.

Bản thân bèo khi phân hủy với sự hỗ trợ của lợi khuẩn còn tạo ra nguồn dinh dưỡng rất tốt cho cây trồng và là môi trường sinh trưởng của các loại giun đất. Một trong những cách làm đơn giản là tạo hệ thống mương nước gần nhất có thể với khu canh tác và thả bèo, sau đó khai thác thường xuyên với nguồn bèo tái tạo.

Đây cũng là một trong ba giải pháp tạo nguồn phân bón vĩnh cửu, kết hợp với nuôi cá, ốc trong mương nước thuộc sáng chế của Ths. Hoàng Sơn Công năm 2019.

4.2.6
Các nguồn che phủ khác
Với các lý luận nêu trên, người sản xuất có thể nghiên cứu và tham khảo các loại cây trồng che phủ với các đặc tính:
  • Không mất công chăm sóc
  • Sinh khối lớn
  • Tốc độ phát triển mạnh (lưu ý khả năng lan rộng có kiểm soát)
  • Có thể tạo ra các sản phẩm giá trị gia tăng

Một số gợi ý cho các cây che phủ là: khoai lang, bạc hà, rau hung…

4.3. Tạo hệ sinh thái trong đất

4.3.1. Tạo hệ thực vật cấp tốc trên các mảnh đất thoái hóa, bạc màu
Giải pháp là sử dụng hạt ẩm polymer ngâm trương nở với nước và phân bón, kết hợp với hạt đậu xanh, vừng để rắc lên bề mặt đất, sau đó cày xới nhẹ.

Cách làm này sẽ tạo ra một thảm thực vật sau 48 giờ, tạo điều kiện canh tác dễ dàng sau đó. Đây là một giải pháp rất đặc biệt, có thể kết hợp với dự báo thời tiết để phủ kín một diện tích đất rộng cằn cỗi, khô hạn để tạo thảm che phủ, giữ ẩm và xới đất bằng rễ thực vật.

4.3.2. Cung cấp vi sinh vật có lợi
Bằng việc tạo ra môi trường cho các vi sinh vật có lợi, hệ sinh thái đất sẽ hỗ trợ cây trồng phát triển bền vững và giúp người trồng trọt giảm thiểu các chi phí.

Do đó, việc tạo ra hệ vi sinh vật có lợi trong môi trường đất là tổ hợp của các điều kiện sau:
  • Đất có thảm thực vật che phủ (đối với cây ăn quả) hoặc lớp che phủ bằng xác thực vật (đối với hoa, rau ăn lá). Việc tạo thảm cần chọn loại cây phù hợp. Việc tạo lớp che phủ có thể lấy từ nguồn gần nhất khi trồng chủ động sả, vetiver, cốt khí,…
  • Bổ sung vi sinh IMO bằng phương pháp tưới hoặc dẫn nước có chứa IMO
  • Trồng các loại cây có hệ rễ sâu như vetiver để tạo độ thoáng trong đất
  • Lên luống, tạo rãnh liên thông để có thể đưa IMO vào trong nước, lưu chuyển trong toàn bộ khu đất.
4.3.3. Tạo nguồn phân bón dưới thảm che phủ
Đối với các cây ăn quả, việc trồng thảm rau má Nhật có thể áp dựng được phương pháp này. Đó là cách lật một lớp cỏ, đổ xuống các loại xác động thực vật chưa phân hủy và tưới đẫm IMO, sau đó phủ lại lớp rau má lên trên.

Cách làm đối với các luống, rãnh là đưa trực tiếp xác động, thực vật xuống các rãnh, phủ rơm, rạ, lớp che phủ và bơm nước có hòa đậm đặc IMO để phân hủy chậm.

Đối với các luống rau, có thể tạo những ô đất cao hơn mặt luống, bao quanh hốc chứa xác động, thực vật, sau đó che phủ bởi rơm, rạ, xác thực vật và tưới IMO. Cuối cùng là bơm nước vào ô đất đó để dinh dưỡng tràn theo các rãnh tưới khắp khu vực trồng trọt (phương pháp theo trường phái Permaculture – nông nghiệp vĩnh cửu)

4.3.4. Nuôi cấy giun
Hiện nay, mô hình nuôi giun đã phát triển rộng rãi, mục đích để cung cấp mùn giun và dịch giun cho canh tác không hóa chất. Tuy nhiên cách làm này khá tốn kém, bởi chi phí tăng cao khi vận chuyển, tạo áp lực về chi phí đầu vào trong sản xuất.

Giải pháp là mỗi trang trại có thể tạo một khu nuôi giun nhân tạo, mục đích là để lấy trứng giun, sau đó cấy mùn lẫn trứng ra đất để nhân giống giun trong đất. Khi đất có nhiều giun, hệ rễ của cây trồng sẽ thông thoáng, hạn chế chi phí cày xới và đất luôn có khả năng tái sinh, có hệ sinh thái vi sinh vật đa dạng, bền vững.

4.4. Hỗ trợ phát triển hệ rễ

4.4.1. Cỏ vetiver
Với bộ rễ sâu và có khả năng xuyên phá mạnh qua các tầng đất, cỏ vetiver được sử dụng như một giải pháp hỗ trợ cho hệ rễ của các cây trồng khác, đặc biệt là cây ăn quả.

Kỹ thuật trồng cỏ vetiver quanh các gốc cây ăn quả đã được áp dụng rộng rãi ở nhiều nơi và mang lại hiệu quả rõ nét. Đó là làm thoáng đất, cung cấp oxy cho rễ, tạo không gian phát triển cho giun và vi sinh vật có lợi. Đồng thời cung cấp nước hỗ trợ từ tầng dưới cho các hệ rễ cộng sinh của cây trồng.

Với những khu vực trồng rau, hoa, hệ rễ cỏ vetiver có thể tạo độ ẩm, thoảng đất và giữ nước bề mặt, hút nước ngầm hỗ trợ cho cây ngắn ngày.

4.4.2. Đậu xanh
Là loại cây rất đặc biệt dành cho việc hỗ trợ phát triển hệ rễ của các loại cây khác với các tính năng: có nốt sần thuộc nhóm họ đậu, tốc độ nảy mầm nhanh, chi phí hạt giống thấp.

Các ứng dụng qua thực nghiệm với đậu xanh có thể kể đến:

  • Cứu cây ăn quả hư hại hệ rễ: bằng cách chọc lỗ sâu, rắc hạt đậu xanh và tưới nước hòa IMO. Đậu xanh sẽ mọc mầm rất nhanh trong 24 tiếng, dẫn nước chứa IMO tới hệ rễ yếu để “chữa bệnh”
  • Rắc đậu xanh xung quanh các gốc cây cảnh như hoa hồng, quất cảnh… và tưới đẫm nước. Đậu xanh nhanh chóng nẩy mầm và cộng sinh, hỗ trợ cây cảnh phát triển.
  • Trong việc tạo hình trên đất cho các khu du lịch nông nghiệp, việc căng dây và rải đậu xanh theo đồ hình tạo nên những bức tranh đẹp. Từ đó tiếp tục trồng nhiều dải rau, hoa khác màu nhau để tạo nên những cảnh quan du lịch dễ dàng và nhanh chóng.
  • Khi tạo rãnh liên kết để dẫn nước, phân bón thay cho hệ thống tưới, việc rắc hạt đậu xanh sẽ giữ cho rãnh luôn ẩm và tạo một hệ sinh thái hỗ trợ cho cây trồng trong các luống.
  • Đối với những vùng đất khô cằn, cần cải tạo, việc căn thời gian trước khi mưa xuống và vãi đậu có thể tạo ra một vùng đất tơi xốp, sau đó có thể xén bỏ đậu xanh để canh tác rau màu tiếp theo. Cách làm này tốn chi phí thấp hơn rất nhiều so với cày xới bằng máy móc.
4.4.3. Nuôi cấy giun

Trong phần tạo hệ sinh thái đất đã nêu trên, việc nuôi cấy giun trong đất mang lại nhiều lợi ích. Đặc biệt, đối với các loại cây trồng theo phương pháp canh tác tự nhiên, giun giúp việc xới đất rất hữu hiệu và giảm thiểu hoặc bỏ qua chi phí xới đất, cải tạo đất bằng máy móc.

Ngoài phương pháp rắc mùn giun vào gốc cây trồng, còn có thể tạo những rãnh nuôi giun trực tiếp trong đất với phân bò ủ mục trộn mùn giun, nằm xen kẽ giữa các luống rau, cây ăn quả.

Với một bể nuôi giun nhân tạo cỡ nhỏ, có thể liên tục cung cấp ấu trùng, trứng giun cho một diện tích lớn lâu dài.

4.5. Diệt chuột sinh học

4.5.1. Bả chuột với hạt nở
Nguyên lý của phương pháp này là sử dụng hạt nở polymer (chế từ bột sắn) có khả năng trương nở gấp trên 300 lần thể tích.

Hạt nở được trộn với thức ăn hấp dẫn chuột với một lớp kết dính như tinh bột. Chuột ăn vào sẽ bị hút nước trong cơ thể, tạo khát và tìm nguồn nước để uống và chết gần đó.

4.5.2. Bả chuột với xi măng
Tương tự như phương pháp diệt chuột bằng hạt nở, có thể thay bằng xi măng trộn vào thức ăn cho chuột, nhưng phương pháp này kém hiệu quả hơn. Cần tạo hương vị cho thức ăn hấp dẫn chuột mới khắc phục được nhược điểm của cách làm này.

4.5.3. Lồng chuột một chiều
Là dạng lồng có hai ngăn, một ngăn tối và một ngăn sáng.

Lồng chuột có một cửa lật dạng đòn bẩy, chuột chui vào và bị rơi vào trong ngăn tối thứ nhất. Đòn bẩy dựa vào nguyên lý trọng lực gạt lên, chuột không ra ngoài được.

Tiếp tục chuột tìm cách thoát thân, sẽ chui tiếp vào cửa lật thứ 2 có ánh sáng và bị nhốt trong lồng. Người sản xuất có thể tìm trên internet từ khóa “bẫy chuột thông minh” để biết thêm về sản phẩm và nguyên lý hoạt động.

4.6. Diệt khuẩn hại với hỗn hợp lợi khuẩn

Việc diệt hại khuẩn trên cây trồng, đặc biệt là tại các vết tổn thương của cây do côn trùng tạo ra trên lá, thân, rễ được thực hiện bằng cách sử dụng một lượng lớn lợi khuẩn cạnh tranh và tiêu diệt.

Hỗn hợp diệt khuẩn hại bao gồm: IMO, rượu, dấm được pha theo tỉ lệ 7:2:1, sau đó phun lên cây trồng và tưới vào trong đất. Đối với phun lá, hòa nước theo tỉ lệ hỗn hợp – nước là 1/50 đến 1/100. Nếu tưới trong đất, tỉ lệ sẽ khoảng 1/50.

4.7. Diệt nấm hại với nấm đối kháng

Nấm đối kháng thông thường được sử dụng là Trichoderma. Cách nhân nấm đã nói tại phần trên của tài liệu.

Nguyên lý của việc diệt nấm bệnh tương tự như diệt khuẩn, đó là sử dụng lượng lớn nấm có lợi phun, tưới lên vùng có bệnh của cây trồng. Nấm đối kháng sẽ tiêu diệt nấm có hại bằng cách cạnh tranh dinh dưỡng, môi trường sống và trực tiếp biến nấm bất lợi thành nguồn dinh dưỡng.

4.8. Diệt trứng côn trùng theo phương pháp sinh học

Nguyên lý của phương pháp này là sử dụng hỗn hợp IMO – Rượu – Dấm để phá hủy lớp vỏ kitin trên vỏ trứng côn trùng, không để nở thành ấu trùng.

Tỉ lệ hỗn hợp có thể là
  • IMO – Dấm: 6/4, sau đó pha loãng với nước theo tỉ lệ 1/20 đến 1/50
  • IMO – Giấm – Rượu: 6:2:2, sau đó pha loãng với nước theo tỉ lệ 1/20 đến 1/50
Thời điểm phun khi thấy xuất hiện bướm và quan sát thời kỳ của côn trùng sắp sinh sản. Tuy nhiên việc phun hỗn hợp định kỳ sẽ đạt hiệu quả cao hơn, trung bình 5 -7 ngày/lần.

Hỗn hợp này có thể kết hợp với các dạng phân bón phun lá phun định kỳ cho cây trồng qua lá.

4.9. Diệt côn trùng với nấm kí sinh

Đó là giải pháp sử dụng nấm xanh, nấm trắng ký sinh trên côn trùng. Nguyên lý của việc diệt côn trùng là nấm sẽ ký sinh trên vật chủ, vật chủ sẽ chết trong 2 đến 3 ngày nhiễm nấm.

Việc nhân nấm xanh, nấm trắng ký sinh khá dễ dàng.
  • Nguyên liệu:
    • Nấm xanh gốc 1kg
    • Gạo: 10kg
    • Túi nilon
    • Thùng đựng
    • Màng nilon
  • Cách làm:
    • Ngâm gạo trong 15 phút
    • Để ráo, phơi khô gạo trong 30 – 45 phút
    • Cho gạo vào túi nilon từ 0,5 kg đến 1kg
    • Hấp chín bằng hơi hoặc hấp cách thủy khoảng 60 phút
    • Cho gạo vào thùng sạch, trộn đều nấm gốc
    • Bịt miệng thùng bằng bao nilon
    • Lắc đều mỗi ngày
    • Sau 15 ngày, khi thấy toàn bộ số gạo mốc xanh là thành công
    • Rửa gạo theo tỉ lệ 1kg gạo: 02 lit nước, sau đó phun trên cây trồng.

4.10. Xua đuổi côn trùng theo phương pháp sử dụng khói

Đây là giải pháp khá hữu hiệu với các côn trùng có cánh, đặc biệt phù hợp với các vườn cây ăn quả.
Cách làm là tạo ra một lượng khói nhạt có tinh dầu, đặt trong các vườn cây ăn quả, xua đuổi côn trùng đến phạm vi có các bẫy dính diệt côn trùng phía bên ngoài.

Để tạo ra các nguồn khói, có thể đúc các ống xi măng có lỗ ngang (tránh nước mưa thấm) và rỗng bên trong.
Nguyên liệu tạo khói là lá sả tươi, khô bện thành bó. Ở giữa có dây bấc tẩm dầu, cháy chậm. Khi đút cuộn lá sả vào ống xi măng và đốt, khói sẽ xua đuổi côn trùng đến vùng bẫy dính để diệt.

4.11. Bẫy dính côn trùng kết hợp với phương pháp dẫn dụ


Bẫy dính côn trung giá rẻ được làm bằng một miếng nhựa gấp thành một khung tam giác.
Nhựa màu vàng để dẫn dụ côn trùng. Phía trong lòng khung tam giác, có phết keo dính, và đặt một ít rơm, cỏ khô tẩm rỉ mật.

Côn trùng bị xua đuổi bởi khói bên trong sẽ bay ra phía ngoài và bị dẫn dụ, bẫy dính.

Bẫy dính có thể đặt tập trung ở những khu vực phía ngoài trồng cây dâm bụt (mục đích để côn trùng đẻ trứng, dễ tiêu diệt). Có thể kết hợp với đèn thắp sáng ban đêm gắn điện 12 Volt vào vỏ đèn để làm bẫy giật, an toàn với con người.

4.12. Sử dụng các động vật thiên địch

4.12.1. Dụ chim

Là phương pháp dùng âm thanh qua hệ thống loa, bật tiếng chim sẻ để dẫn dụ vào khu vực trồng trọt.
Chim sẻ là loài ăn hạt, nên có thể vãi hạt để mồi. Tuy nhiên, chim sẻ non lại ăn sâu bọ, nên vẫn giữ tập tính bắt sâu và côn trùng.
Các file âm thanh mô phỏng tiếng chim có thể download từ internet.

4.12.2. Nuôi cóc, nhái hoặc thả chim cút hoang dã
Cóc, nhái và các loài lưỡng cư là thiên địch của các loài sâu trong các khu vườn rau. Có thể quây lưới thả cóc nhái cạnh một ô nước nhỏ cho cóc nhái sinh đẻ. Tạo nguồn thức ăn trong khu lưới bằng rỉ mật tẩm rơm, rác để thu hút ruồi. Cóc, nhái sẽ sinh sản và lan tỏa khắp khu vực trồng trọt.

Thả chim cút trong vườn cũng là một giải pháp khá rẻ tiền, hiệu quả cao, đồng thời tạo cảnh quan sinh thái cho các khu du lịch nông nghiệp.

5. XỬ LÝ NƯỚC TRONG NÔNG NGHIỆP

5.1. Bể lọc liên hoàn sinh học


Bể lọc liên hoàn sinh học là một giải pháp chi phí thấp cho nguồn nước an toàn trong điều kiện ô nhiễm hiện nay.
Hệ thống của bể lọc liên hoàn bao gồm các bộ phận:
  • Nguồn nước: có thể là nước mương, giếng khoan
  • Máy bơm hút nước
  • Giàn phun để khử sắt, clo trong nước (đối với nước nhiễm sắt, clo)
  • Bộ lọc vật lý gồm than củi và bông, có thể cho vào trong một thùng có vòi chảy
  • Bộ lọc sinh học với thân cỏ vetiver, rơm… được bổ sung IMO nhỏ giọt, để vi khuẩn có lợi sẽ hỗ trợ xử lý các thành phần hữu cơ
  • Nước sau lọc qua lớp vật lý và sinh học, sẽ được chảy ra một bể chứa hoặc một đoạn mương thả bèo tây, rau dút. Các loại thực vật này tiếp tục lọc nước bằng thân chứa, tích lũy các kim loại nặng vào thân.
  • Trong mương có thể thả cá, nuôi ốc để làm nguồn phân bón đạm vĩnh cửu tại nông trại.

5.2. Xử lý nước ô nhiễm có dòng chảy

Với các dòng chảy ô nhiễm có thể dùng hệ thống lọc nước ba ngăn bao gồm
  • Ngăn vật lý với than củi, rơm
  • Ngăn sinh học với rơm và nguồn IMO bổ sung thường xuyên. Trong ngăn này có các quả “bóng vi sinh” được tạo từ IMO trộn với cám gạo, mùn cưa và liên kết bằng đất sét.
  • Ngăn thực vật cuối cùng được thả bèo lục bình (bèo tây), rau dút. Có thể nuôi cá, ốc trong ngăn này.

5.3. Xử lý ô nhiễm nước không có dòng chảy

Giải pháp cho hồ, ao ô nhiễm là “bóng vi sinh”, được tạo từ IMO trộn với cám gạo, sau đó trộn tiếp mùn cưa và đất sét.

Những quả bóng này là nơi trú ngụ và sinh sôi của lợi khuẩn, khi ném xuống nơi nước ô nhiễm sẽ xử lý các hoạt chất bất lợi trong nước, trả lại nguồn nước trong sạch.

Việc bổ sung nguồn IMO số lượng lớn các ao, hồ ô nhiễm cũng rất hiệu quả, tuy nhiên kèm theo điều kiện cần có công nghệ sản xuất IMO chi phí thấp.

6. XỬ LÝ ĐẤT TRONG NÔNG NGHIỆP

6.1. Đất ô nhiễm hóa chất

Giải pháp được đánh giá là hữu hiệu nhất trong việc xử lý đất ô nhiễm hóa chất đó là thực vật và IMO.
Trong các loại thực vật, cần chọn những loại có hệ rễ sâu, sinh khối lớn như cỏ vetiver. Hoặc sử dụng các loại cây ngắn ngày, thân thảo, sinh khối lớn như hướng dương.

Cách trồng cấp tốc các loại cây này được sự hỗ trợ bởi hạt ẩm polymer ngâm dinh dưỡng hữu cơ trộn lẫn trong đất.
Sau một thời gian, các loại thực vật được thu hoạch phía trên, phay nhỏ và làm giá thể trồng hoa an toàn (không trồng rau).

6.2. Đất khô hạn


Giải pháp xử lý đất khô hạn là cấp tốc tạo ra một thảm thực vật có khả năng che phủ.
Các loài thực vật che phủ chống hạn có thể kể đến:
  • Rau má Nhật
  • Cỏ thài lài
  • Cỏ vetiver
  • Đậu xanh
  • Vừng

Sau đó, các loại cây này sẽ được phay, cắt để trồng trọt các loại cây khác. Hoặc trồng bổ sung các loại cây ăn quả thì không cần hủy thảm.
Việc trồng cấp tốc các loại thảm che phủ cần sự hỗ trợ của hạt ẩm polymer và lượng nước tưới tức thời cho thời điểm tạo thảm.

Một cách khác, đó là sử dụng thực vật làm các bẫy nước. Cách làm là tạo những rãnh nông, rải hạt giống đậu xanh, cắm cỏ vetiver và phủ đất, sau đó tưới đẫm. Tổ hợp đậu xanh, vetiver sau khi đã tồn tại sẽ là những nơi giữ ẩm tốt cho khu đất, tạo điều kiện cho các loại cây trồng khác mọc ở vùng lân cận (Có thể thay bằng rau má Nhật cho đậu xanh).

6.3. Đất bạc màu

Việc cải tạo đất bạc màu là tổ hợp của các phương pháp:
  • Tạo ẩm với thực vật che phủ
  • Tạo nguồn dinh dưỡng tại chỗ
  • Tạo nguồn nước từ tầng sâu với cỏ vetiver
  • Tạo hệ vi sinh với IMO
  • Cấy giun trong đất
  • Trồng các loại cây sinh khối lớn để nhanh chóng cải tạo đất bằng hệ rễ và xác thực vật sau thu hoạch
Nhóm tác giả:
  • Hoàng Sơn Công (Chủ biên)
  • Đỗ Văn Lanh
  • Tạ Huy Hùng
  • Nguyễn Bá Chính
  • Nguyễn Minh Phương
  • Trần Thị Huế
  • Nguyễn Văn Sáng
  • Đỗ Đức Hiển

  • Article
Việt Nam Gặp gỡ Nguyen Thi Thanh Quy từ Việt Nam 🇻🇳

Gặp gỡ Nguyen Thi Thanh Quy từ Việt Nam 🇻🇳.

′′ Chúng tôi là một gia đình bốn người sống ở thành phố Sơn La, thành phố núi phía Bắc, Việt Nam. Tôi cảm thấy hạnh phúc khi có một khu vườn sân thượng rộng 50 mét vuông. Nó không lớn lắm nhưng cũng đủ để làm ra những điều kỳ diệu.

bed.jpeg

Năm ngoái, chúng tôi sửa sang lại nhà và kể từ đó tôi đã làm vườn với sự hỗ trợ của chồng và 2 con. Vợ chồng tôi đều làm việc cho chính phủ, chúng tôi rất bận với công việc, nhưng vẫn cố gắng dành một tiếng mỗi ngày để chăm sóc mảnh vườn nhỏ của mình.

Tôi thích làm vườn để đảm bảo sức khỏe cho gia đình và để cho các con trải nghiệm lao động, yêu mến thiên nhiên. Tôi thường sưu tập hạt giống mới khi đi công tác hoặc đặt hạt giống trên mạng. Đó là lý do tại sao chúng tôi có thể trồng rất nhiều loại khác nhau mà chỉ trong một khu vườn nhỏ.

Chúng tôi có thể đáp ứng đến 90% nhu cầu của gia đình về rau sạch hữu cơ. Đôi khi chúng tôi còn tặng bạn bè, người thân và hàng xóm. Nếu bạn có ý định xây nhà mới, hãy dành một diện tích phù hợp để làm vườn; đó sẽ là một trải nghiệm tuyệt vời và khu vườn cũng sẽ dạy bạn tính kiên nhẫn, sự chăm sóc và niềm đam mê!"

Nguồn: Humans Who Grow Food (www.facebook.com/humanswhogrowfood/posts/1013368265676376)

#cauchuyennhavuon #thichlamvuon

  • Article
Làm thế nào để giữ cho hoa cẩm tú cầu sống tốt

Hoa cẩm tú cầu là loài thực vật có hoa đẹp, đa dạng về màu sắc và kích cỡ. Nếu bạn muốn giữ cho cây hoa ngoài trời trông đẹp mắt, hãy nhớ tưới nước và cắt tỉa chúng thường xuyên. Đối với những cành hoa cẩm tú cầu đã cắt, hãy thử nhúng chúng vào bột nhôm, thay nước bình thường xuyên và ngâm cành hoa trong nước ấm.

Phần 1: Làm cho cành hoa cẩm tú cầu đã cắt sống lâu hơn.​

1. Cắt chéo cành hoa.​

Cắt cành hoa cẩm tú cầu theo đường chéo. Một đường cắt chéo sẽ giúp giảm thiểu thiệt hại cho các đầu của thân cây.
Cắt cành dưới vòi nước ấm sẽ giúp ngăn ngừa các bọt khí có khả năng gây hại hình thành trên thân cây.

1629172192109.png

2. Nhúng cành hoa cẩm tú cầu vào bột nhôm sau khi cắt cành.​

Cho một ít bột nhôm lên dĩa sâu lòng khoảng 1⁄2 in (1,3 cm). Sau khi cắt xong cành hoa cẩm tú cầu, hãy nhúng từng cành riêng lẻ vào bột nhôm. Sau đó đặt thân cây vào bình có nước và sắp xếp các bông hoa.

1629172807341.png

3. Đặt thân cây đã cắt vào nước ấm ngay sau khi cắt.​

Sau khi cắt cành, bạn cần ngâm hoa cẩm tú cầu vào nước nhanh nhất có thể. Đổ đầy nước ấm hoặc nước ở nhiệt độ phòng vào một chiếc bình sạch., mực nước cao từ 3 in (7,6 cm) đến 5 in (13 cm).
Không làm dập đầu cuống vì điều này có thể ngăn hoa cẩm tú cầu của bạn hút nước.

1629172965696.png

4. Phun sương mỗi ngày một lần.​

Hoa cẩm tú cầu thực sự hấp thụ nhiều nước từ cánh hoa hơn là qua rễ và thân cây. Nếu bạn đã cắt nhành hoa cẩm tú cầu mà muốn trông đẹp mắt, bạn cần phải tưới nước nhẹ nhàng lên cánh hoa mỗi ngày để giữ cho chúng ngậm nước.

Sử dụng bình xịt với dòng phun sương nhẹ nhàng để không làm hỏng những cánh hoa mỏng manh.

1629173155134.png

5. Thay nước bình hoa mỗi ngày.​

Nước sạch sẽ giúp những bông hoa cẩm tú cầu giữ được lượng nước cần thiết, ngăn chúng héo nhanh chóng.
Lấy hoa cẩm tú cầu đã cắt ra khỏi bình và đổ bỏ nước cũ. Đổ đầy bình bằng nước mới ở nhiệt độ phòng.
Rửa sạch bình hoa để loại bỏ cặn bẩn trước khi thêm nước mới vào.

1629173640124.png

6. Thêm đá vào bình nếu hoa cẩm tú cầu của bạn bị héo khi gặp nhiệt độ cao.​

Đối với những bông hoa cẩm tú cầu bắt đầu héo, hãy đổ đầy bình 2 phần đá và 1 phần nước. Điều này sẽ giúp làm mát cây nếu chúng bị quá nóng.
Bạn sẽ bắt đầu thấy những cải thiện sau một ngày. Hãy tiếp tục xử lý nước / đá trong vài ngày để cố gắng hồi sinh hoa cẩm tú cầu của bạn.

1629175919260.png

7. Nhúng đầu hoa vào nước ấm nếu chúng bắt đầu héo.​

Nếu những bông hoa cẩm tú cầu bắt đầu héo, bạn có thể hỗ trợ sự sống cho chúng bằng cách ngâm chúng trong một bát nước ấm tối đa khoảng 30 phút.
Hãy cẩn thận khi nhấc hoa cẩm tú cầu lên, vì ngâm nước có thể khiến chúng khá nặng.

1629175964925.png

Phần 2: Chăm sóc cây hoa cẩm tú cầu.​

1. Trồng hoa cẩm tú cầu dưới ánh nắng mặt trời và ngăn gió.​

Hoa cẩm tú cầu cần ánh nắng trực tiếp để phát triển mạnh, vì vậy hãy trồng chúng ở nơi có ánh nắng mặt trời toàn phần hoặc từng phần.

Hoa cẩm tú cầu nên được trồng tránh xa gió. Gió có thể làm khô cây, vì vậy hãy nhớ bảo vệ cây của bạn khỏi gió và tưới nước thường xuyên cho cây.

1629176217976.png

2. Trồng hoa cẩm tú cầu ở những nơi có khí hậu ôn hòa.​

Nhiệt độ lý tưởng là khoảng 21 ° C vào ban ngày và chỉ dưới 16 ° C vào ban đêm. Nếu trời nóng hơn thế này, những bông hoa có thể bị héo. Và ở nhiệt độ lạnh hơn, tán lá có thể bị sương giá.
Vào mùa thu, hoa cẩm tú cầu đang ra nụ sẽ nở vào năm sau. Trong thời gian này, hoa cẩm tú cầu cần một khoảng thời gian 6 tuần ở nhiệt độ dưới 18 ° C để các nụ ra hoa.

1629176842190.png

3. Sử dụng đất sạch hoặc phân ủ để trồng hoa cẩm tú cầu.​

Nếu bạn trồng hoa cẩm tú cầu dưới đất (thay vì trong chậu), hãy thêm một ít đất trộn chuyên dụng hoặc phân ủ đóng bao vào lỗ trồng để giúp cây xử lý quá trình chuyển đổi.

Nhưng hãy nhớ rằng màu sắc của hoa cẩm tú cầu được xác định bởi độ pH của đất.
Một số lượng lớn các ion nhôm trong đất sẽ tạo ra những bông hoa cẩm tú cầu màu xanh lam.
Độ pH từ 6,0 trở lên sẽ tạo ra những bông hoa cẩm tú cầu màu hồng.
Hoa cẩm tú cầu trắng không bị ảnh hưởng bởi độ pH của đất.

1629187814646.png

4. Tưới nước cho hoa cẩm tú cầu mỗi ngày để giữ đất ẩm.​

Hoa cẩm tú cầu cần được giữ nước để tồn tại, đặc biệt là trong vài năm đầu tiên. Nếu đất quá khô, lá và cánh hoa sẽ bắt đầu héo. Hãy tưới cây hoa của bạn mỗi ngày - lượng nước vừa đủ để giữ ẩm cho đất - và xem chúng hoạt động như thế nào. Tối thiểu, hãy tưới nước cho chúng ít nhất 3 lần mỗi tuần.
Bạn có thể tưới ít hơn nếu bạn sống trong vùng khí hậu mưa nhiều, hoặc tưới nhiều hơn nếu bạn sống trong vùng khí hậu quá khô.
Nếu lá bắt đầu héo, hãy thử tưới nhiều nước hơn. Nếu cây bắt đầu ẩm ướt, hãy cân nhắc việc tưới nước ít thường xuyên hơn.

1629188643082.png

5. Cắt tỉa cây hoa cẩm tú cầu.​

Mặc dù có vẻ không đúng khi cắt bỏ một số cây để cải thiện sức khỏe và tăng trưởng, nhưng đây thực sự là một việc làm rất phổ biến. Tỉa bỏ những thân hoặc chồi già có vẻ héo hoặc tàn lụi.
Luôn luôn cắt bên trên phần đốt của thân cây.
Loại bỏ cái cũ sẽ nhường chỗ cho cái mới phát triển.

1629189026307.png

6. Che cây bằng lá hoặc lớp phủ vào mùa thu để bảo vệ cây khỏi sương giá.​

Nếu bạn muốn hoa cẩm tú cầu của mình sống sót qua mùa lạnh, bạn nên che chúng từ mùa thu và đợi đến mùa xuân khi thời tiết bắt đầu ấm trở lại. Điều này sẽ bảo vệ chúng khỏi thời tiết lạnh giá và tránh mọi thiệt hại do sương giá gây ra.

Che phủ cây bằng lớp vụn vỏ cây, lá thông, lá khô, hoặc rơm với độ dày tầm khoảng 46 cm.
Bạn có thể che phủ toàn bộ cây bằng cách làm một cái lồng thoáng bằng lưới làm chuồng gà và chụp nó lên cây. Lấp lá và lớp phủ bên trong lồng để giữ cho cây cách nhiệt. Đừng sử dụng lá phong cho việc này, vì chúng sẽ hư hại rất nhanh.

1629189878480.png

7. Ngăn ngừa nấm mốc xám bằng cách cắt tỉa khu vực bị ảnh hưởng và phun thuốc trừ nấm.​

Bệnh bạc lá còn được gọi là bệnh mốc xám, là một bệnh nấm thường gây hại cho cây hoa cẩm tú cầu. Nếu bạn thấy một đốm xám mờ trên cây, bạn cần phải cắt bỏ nó ngay lập tức. Cắt bỏ khu vực bị ảnh hưởng và loại bỏ nó. Sau đó, phun thuốc diệt nấm hữu cơ lên cây sẽ giúp bảo vệ nó khỏi bị nhiễm trùng thêm.

Đảm bảo khử trùng kéo cắt tỉa của bạn bằng thuốc khử trùng gia dụng sau mỗi lần cắt để ngăn chặn bào tử nấm lây lan.

Bạn có thể sử dụng lưu huỳnh (dạng xịt lỏng hoặc bột có thể thấm ướt) làm thuốc diệt nấm.
Nhưng phải đảm bảo ngừng sử dụng lưu huỳnh khi nhiệt độ tăng trên 27 ° C, vì lưu huỳnh có thể làm hỏng cây trong thời tiết nóng.

Cố gắng tưới nước từ bên dưới cành cây để tránh lá quá ướt. Điều này sẽ giúp ngăn ngừa nấm mốc xám.

1629190577262.png

Biên dịch: Thích Làm Vườn
Nguồn: wikiHow (www.wikihow.com/Keep-Hydrangeas-Alive)

  • Article
Đại dương Gặp gỡ Liz từ New Zealand 🇳🇿

Gặp gỡ Liz từ New Zealand 🇳🇿.

′′ Tôi luôn yêu thích công việc làm vườn. Tôi lớn lên ở trang trại, nơi cha mẹ và ông bà tôi đều có những khu vườn rộng lớn, và tôi luôn tham gia vào các hoạt động ở đó. Tôi hẳn là một ′′ trợ thủ ′′ rất lớn vì bố đã làm cho tôi riêng một luống trồng và tôi có khu vườn của riêng mình để chăm sóc. Tôi đã dành nhiều giờ để bận rộn với các hạt đậu của tôi.

food.jpeg

Khi tôi chuyển ra khỏi nhà và cùng chồng tìm thuê một nơi ở, chúng tôi sống trong một căn hộ trên lầu chỉ có ban công. Tuy nhiên, chúng tôi đã quyết tâm có một khu vườn và chúng tôi đã cố gắng trồng thật nhiều loại rau, sáng tạo với các vật dụng tái chế và tận dụng không gian thẳng đứng. Ngày nay, chúng tôi có nhiều không gian hơn nên có thể trồng trọt được nhiều hơn. Tôi có những luống được nâng cao và cả một khu vườn rộng hơn trên mặt đất. Công việc này được làm liên tục và cứ mỗi năm chúng tôi mở rộng nó và tiến gần hơn đến mục tiêu cuối cùng.

Tôi thích việc có thể trồng những giống mới lạ mà không bao giờ được tìm thấy tại các cửa hàng, rồi sau đó chia sẻ chúng với những người khác. Tôi còn có những con gà cưng mà tôi yêu, và tôi cũng thích trồng những thức ăn mà chúng ưa thích, thế nên mọi người ở đây đều được ăn những thức ăn ngon.

Có rất nhiều lý do tại sao tôi yêu thích công việc làm vườn, nó giúp giảm căng thẳng và còn mang tính bền vững, nhưng tôi cho rằng lý do sâu xa nhất chính là tôi thích đồ ăn ngon. Và một khi mà bạn đã có một quả cà chua chín mọng hoàn hảo được hái thẳng từ cây vườn nhà thì thật sự rất khó để thưởng thức trái khác ở siêu thị với vị nhạt nhẽo.

Tôi không làm gì nhiều cho khu vườn của mình và thích làm mọi thứ đơn giản. Tôi tập trung vào đất khỏe, nó là cách tốt nhất để quản lý bệnh hại và kiểm soát côn trùng, vì khi cây càng khỏe mạnh thì chúng sẽ càng được trang bị tốt hơn để chống chọi lại.

Có rất nhiều phương cách khác nhau để làm vườn, và tôi tin rằng không có phương cách duy nhất nào là đúng cả, bất kỳ cách nào mang đến hiệu quả cho bạn thì là cách đúng. Nếu bạn muốn thử trồng thực phẩm nhưng không biết bắt đầu từ đâu thì hãy bắt đầu từ những việc nhỏ, trồng thử một vài thứ trong chậu. Hầu hết các loại thảo mộc, đậu lùn, cà chua Patio, xà lách và củ cải đều sinh trưởng tốt trong chậu và không quá tốn công chăm sóc. Điều quan trọng nhất là chỉ cần ra ngoài đó và bắt tay vào làm. Tất cả chúng ta đều bắt đầu như những người mới, tôi cũng gặp phải thất bại và cũng có những thành công trong mỗi vụ mùa. Cơ hội là một khi bạn bắt đầu, bạn sẽ không bao giờ có thể dừng lại!"


Biên dịch: Thích Làm Vườn
Nguồn: Humans Who Grow Food (www.facebook.com/humanswhogrowfood/posts/819355848410953)

#cauchuyennhavuon #thichlamvuon

  • Article
Cách làm một hồ bơi tự nhiên

natural-swimming-pools-ho-boi-tu-nhien-khai-niem-nhieu-nguoi-chua-biet-den-02.jpeg

Đã đến lúc nói chào tạm biệt với Clo và đón chào một vẻ đẹp đầy thiên nhiên bằng cách sử dụng cây cối để lọc và tạo oxy cho hồ bơi tự nhiên. Các hồ bơi tự nhiên được lấy cảm hứng từ vẻ đẹp và niềm vui khi người ta được bơi ở các hồ tự nhiên trên núi. Một nhóm các nhà nghiên cứu đã phát động phong trào làm hồ tự nhiên vào những năm 1980 thay cho các hồ bơi được khử trùng bằng Clo.

Ý tưởng làm một hồ bơi thân thiện với thiên nhiên thay vì phải gắn liền với việc khử trùng bằng hóa chất đã trở nên phổ biến nhanh chóng, đầu tiên là ở Đức và sau đó là Châu Âu. Lúc đầu, các hồ bơi tự nhiên rất ít phát triển ở Bắc Mỹ nhưng dần cũng trở nên phổ biến hơn.

Tại sao bạn nên chọn hồ bơi tự nhiên thay vì hồ bơi được khử trùng bởi Clo?

1.jpg

Bơi trong một hồ bơi được khử trùng bằng Clo rất sảng khoái và thú vị vào một ngày nắng nóng nhưng nó sẽ trở nên nhạt nhẽo nếu bạn được trải nghiệm một lần được bơi trong một hồ nước tự nhiên. Khi bơi trong hồ nước tự nhiên, bạn không bị đau mắt đỏ, khô da, hoặc cảm giác không muốn bơi… những điều thường thấy sau khi bơi trong nước có chứa Clo.

Ngoài việc mang lại vẻ đẹp cho sân vườn, hồ bơi tự nhiên còn có nhiều ưu điểm khác như:​
  • Chất lượng nước tuyệt vời.​
  • Xử lý nước không cần hóa chất.​
  • Tạo môi trường sống cho động, thực vật hoang dã.​
  • Giảm chi phí bảo trì so với hồ bơi thông thường.​
Hồ bơi tự nhiên sẽ vận hành như thế nào?
Bắt chước sự đa dạng sinh học và chức năng của môi trường tự nhiên, các hồ bơi tự nhiên có các khu riêng biệt để bơi và lọc nước. Kiểu dáng hồ, kích thước và tỷ lệ hồ có thể được thiết kế khác nhau.

Kích thước tối thiểu được khuyến nghị là 30-50 m2, nhưng bạn vẫn có thể làm hồ bơi nhỏ hơn. Tùy thuộc vào thiết kế, khu vực dành cho việc bơi lội thường chiếm 50-70% diện tích mặt nước; phần còn lại dành cho việc lọc nước. Nước được bơm đến khu vực nông hơn, ở đó có trồng nhiều loại thực vật phong phú đóng vai trò như một bộ lọc tự nhiên, giữ cho nước luôn trong và tinh khiết. Để thực vật phát triển mạnh, độ pH nên được duy trì trong khoảng 5,5 – 7. Nếu hồ bơi được thiết kế tốt hoặc được đặt ở nơi có vị trí tốt, nó sẽ ít cần bảo dưỡng hơn hồ bơi thông thường.​
  • Diện tích bề mặt: hồ bơi càng lớn (và sâu) thì càng ít có khả năng phát sinh các vấn đề về tảo. Một hồ bơi tốt nên có tổng diện tích tối thiểu từ 45-50m2.​
  • Độ sâu: hồ bơi sâu hơn nghĩa là nước sẽ mát hơn. Nó cũng có nghĩa là mùa đi bơi của bạn cũng bắt đầu muộn hơn nhưng bạn sẽ được ngâm mình một cách sảng khoái trong cái nóng của mùa hè. Độ sâu khoảng 1-2 m có thể bảo vệ được các sinh vật sống dưới nước qua mùa đông và nhiệt độ nước cũng vừa phải, không quá nóng, cũng không quá lạnh.​
  • Tỷ lệ giữa bóng râm và vùng sáng: Mặt Trời thúc đẩy sự quang hợp của tảo vì vậy hồ bơi càng ít bị mặt trời chiếu sáng càng tốt. Các khu vực có nhiều nắng có thể che nắng tự nhiên bằng các cây có lá nổi để làm chậm sự phát triển của tảo và bảo vệ đời sống thủy sinh.​
2.jpg

Hồ bơi tự nhiên không phải là nơi sinh ra muỗi.
Theo Mick Hilleary, chuyên gia về hồ bơi và là người sáng lập ra Total Habital “nước chảy và thiên địch của lăng quăng sống trong nước không có Clo sẽ làm các hồ bơi tự nhiên không sinh ra muỗi”. Hơn nữa, việc có một cái hồ bơi tự nhiên trong sân cũng làm giảm số lượng muỗi bằng cách thu hút chuồn chuồn và các loài thiên địch trong tự nhiên của muỗi.

Bơi với động vật hoang dã
Thực vật, một số loài côn trùng, động vật lưỡng cư và các sinh vật sống dưới nước khác là một phần của hệ sinh thái hồ bơi tự nhiên. Bạn sẽ phải chia sẻ hồ bơi với chúng và chúng sẽ giữ cho hồ của bạn luôn sạch sẽ và trong xanh.
3.jpg

Điều này có thể rất hấp dẫn đối với một số người, nhưng số khác thì không. Hãy nhớ rằng, những sinh vật nhỏ bé này sẽ không quan tâm gì đến bạn và thậm chí chúng còn bơi nhanh hơn bạn, vì vậy, hãy thư giãn và tận hưởng.​
  • Sinh vật thủy sinh – côn trùng, ốc sên và động vật lưỡng cư: chúng ăn lẫn nhau, đảm bảo nước luôn trong xanh, đó là sự quyến rũ của một hồ bơi tự nhiên​
  • Rận nước: những sinh vật cực nhỏ này xuất hiện ở hầu hết các hồ, hồ tự nhiên. Chúng đóng vai trò quan trọng trong việc điều chỉnh các chu trình nitrat, phốt phát và sinh vật phù du. Chúng là động vật ăn vi khuẩn và chúng cũng là nguồn thức ăn quan trọng cho các loài thủy sinh khác.​

Thực vật: có 3 loại cây thường điều chỉnh chu kỳ tự nhiên của hồ:
  • Thực vật nổi: hoa súng và các loài thực vật nổi khác bám rễ ở đáy hồ giúp tạo bóng râm và bảo vệ các vi sinh vật khỏi tia UV.​
  • Thực vật cung cấp oxi: bằng cách hấp thụ nitrat, phốt phát, những cây trôi nổi trong nước góp phần cân bằng sinh thái của hồ bơi và đóng một vai trò quan trọng trong việc làm chậm sự phst triển của tảo.​
  • Bộ lọc sinh học: khi nước đi qua cấu trúc dạng sợi của thực vật, các vi sinh vật tập trung trên bộ rễ hoạt động như một bộ lọc tự nhiên, loại bỏ các chất bẩn và chất dinh dưỡng dư thừa ra khỏi nước.​
Có nên nuôi cá trong hồ bơi tự nhiên?

Đưa cá vào hồ bơi có thể là một điều hấp dẫn cũng như tăng trải nghiệm trong khi bơi lội của bạn. Tuy nhiên, hãy nhớ rằng, khi có cá trong hồ, nghĩa là sẽ có phân cá và đó là đều kiện để tảo phát triển. Khi đưa cá vào hồ, bạn cần thường xuyên bảo dưỡng hồ hơn vì vậy, hãy chuẩn bị tinh thần cho việc đó.
4.jpg

Bảo trì hồ bơi:

Bảo trì hồ bơi tự nhiên khác hoàn toàn với hồ bơi khử trùng bằng clo. Chăm sóc môi trường tự nhiên trong hồ cũng giống như việc bạn can thiệp chất hóa học vào hồ bơi thông thường. Các loại hồ khác nhau sẽ yêu cầu mức độ bảo dưỡng khác nhau; điểm chung của chúng là cần phải chuẩn bị kỹ khi đến mùa Đông. Hãy làm những việc sau vào cuối mùa thu nhé:​
  • Tỉa cây và sử dụng vợt lưới lọc để loại bỏ các chất hữu cơ trên bề mặt nước. Che mặt hồ bằng lưới để ngăn chặn sự tích tụ của lá và các mảnh vụn.​
  • Tháo dỡ hệ thống lọc và bơm thoát nước.​
So sánh chi phí - hồ bơi tự nhiên và hồ bơi thông thường.

Một số người sẽ nói nó làm bạn phải tốn nhiều tiền hơn nhưng một số khác thì không. Thiết kế và độ phức tạp của hồ bơi tự nhiên sẽ quyết định chi phí. Một lợi thế của hồ bơi tự nhiên là bạn sẽ không cần đầu tư thêm cảnh quan như truyền thống, điều này sẽ giúp giảm chi phí.

Tùy thuộc vào thiết kế và kích thước, hãy lập kế hoạch chi tiêu từ 10.000 đến 70.000 USD cho hồ bơi tự nhiên – bạn có thể học tự thiết kế hay thuê chuyên gia.
5.jpg

Sự an toàn và Luật:

Giống như bất kỳ hồ bơi nào, hồ bơi tự nhiên vẫn tiềm ẩn những nguy cơ mất an toàn và có thể phải tuân theo các quy định của địa phương. Trước khi thực hiện, hãy tìm hiểu các thủ tục pháp lý vì hồ bơi thường được yêu cầu phải có hàng rào an toàn tùy thuộc vào độ sâu.

Tự làm hồ bơi tự nhiên:

Đối với ai muốn thử xây dựng hồ bơi tự nhiên, tất nhiên chi phí sẽ thấp hơn nhiều. Điều này đòi hỏi bạn phải có thời gian nghiên cứu và nỗ lực. Và đây là lúc bạn có thể bắt đầu cắt cỏ, trồng hoa.

Để nhận được hướng dẫn miễn phí 30 trang từ những chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực xây dựng hồ bơi tự nhiên mà bạn có thể tham khảo: Link: Free DIY Natural Pool

Như mọi khi với các dự án tự làm khác, có rất nhiều video hướng dẫn chi tiết nhiều phương pháp xây dựng để bạn có thể tìm cảm hứng. Hãy chắc chắn chọn một nơi phù hợp với khí hậu của bạn, liên quan đến độ sâu hồ bơi và các loại cây đã chọn. Video ngắn sau đây có thể giúp bạn hình dung khái niệm và các bước để có thể trải nghiệm bơi với tự nhiên trong sân sau nhà bạn.

Bạn có thông tin hay kinh nghiệm gì thì chia sẻ bên dưới cùng bà con nha.

Nguồn: https://www.ecohome.net

  • Article
Cách cắt tỉa cây

Cắt tỉa giúp cây phát triển mạnh mẽ và trông gọn gàng, đẹp mắt. Người ta cắt tỉa cây để loại bỏ những cành bị hư hỏng, tạo điều kiện cho cây phát triển cành mới hoặc tạo ra một kiểu dáng đặc biệt. Điều quan trọng là phải làm đúng cách để không làm hỏng cây. Đọc tiếp để tìm hiểu những điều cơ bản.

Phần 1: Quyết định nên cắt tỉa gì.​

1. Suy nghĩ về việc tại sao tại sao bạn muốn cắt tỉa.​

Bạn đang cố gắng tạo dáng cho cây để lấy bóng mát hay vấn đề về chiều cao? Gần đây cây có được cắt tỉa không? Trước khi bắt đầu, bạn cần phải xem xét xem mình muốn đạt được gì và đặt mục tiêu ra sao.

Lý do cắt tỉa của bạn cũng sẽ ảnh hưởng khi bạn làm. Bạn có thể tỉa nhẹ hoặc loại bỏ các cành chết bất cứ lúc nào, nhưng nếu bạn có mục tiêu lớn hơn, bạn cần lên kế hoạch cắt tỉa quanh các mùa.

Ví dụ, cắt tỉa vào mùa đông sẽ dẫn đến sự bùng nổ tăng trưởng trong mùa xuân. Cắt tỉa vào mùa hè sẽ làm chậm sự phát triển của cành đã cắt, vì vậy đó là một chiến lược tốt nếu bạn đang cố gắng tạo dáng cho cây của mình hoặc làm chậm sự phát triển của những cành mà bạn không muốn.

1629080950966.png


2. Đánh giá cây.​

Dành một chút thời gian để xem kích thước và hình dạng của cây và tưởng tượng nó trông như thế nào khi bạn hoàn thành việc cắt tỉa.

1629081016589.png

3. Xác định các nhánh chính của cây tạo nên "bộ xương trụ".​

Tránh cắt bỏ những nhánh này.

1629081090287.png

4. Loại bỏ những cành có dấu hiệu bị hại trước tiên.​

Cho dù chúng bị hư hại bởi một cơn bão hoặc lý do khác, nên cắt bỏ những cành gãy để nước và chất dinh dưỡng chúng lấy từ cây được phân phối lại cho những cành khỏe mạnh.

1629081221223.png

5. Tỉa thưa những vùng có nhiều cành.​

Loại bỏ các cành xen ngang, sau đó làm thoáng cây để không khí có thể lưu thông và ánh sáng đến được với tất cả các bộ phận của cây. Để cây phát triển khỏe mạnh, chúng cần không khí lưu thông thoáng toàn thân cây cả các cành xung quanh.

Các nhánh gần nhau sẽ thúc đẩy sự phát triển của nấm và thu hút nhiều côn trùng hơn.
Loại bỏ những cành mọc hướng vào trong, hướng vào thân cây, vì những cành này gây ra sự lộn xộn và không có lợi cho cây phát triển khỏe mạnh.

1629081944839.png

6. Cắt tỉa những cành gây cản trở.​

Khi chúng là những cành cây thấp chắn ngang lối đi, hay những cành cao mà gây nguy hiểm đến đường dây điện thoại, làm đổ mái nhà hoặc nhô ra khỏi ngôi nhà của bạn. Tốt nhất là bạn nên cắt bỏ những cành gây ra khó chịu.

1629082174612.png

7. Tỉa cành giúp tạo dáng cho cây.​

Nếu bạn muốn cây của mình có hình dáng tròn trịa hoặc trông gọn gàng hơn, hãy cắt tỉa một vài nhánh có vẻ như nhô ra ở các góc khác nhau; một vài vết cắt sẽ tạo ra sự khác biệt lớn.

1629082232319.png

8. Tỉa càng ít càng tốt.​

Mỗi lần bạn thực hiện cắt tỉa đều làm tổn hại đến hệ thống bảo vệ cây và khiến cây dễ bị nấm và côn trùng xâm nhập. Chỉ cắt tỉa nhiều khi thật sự cần thiết, và không bao giờ cắt bỏ quá 25% số cành của cây.

Đối với hầu hết các loại cây rụng lá, hãy đảm bảo rằng có ít nhất 2/3 cành còn sống trên cây, mặc dù điều này khác nhau tùy theo loài. Cần biết rằng chỉ thân cây là không đủ để đảm bảo cây sẽ tồn tại. Cắt bỏ tất cả các cành rất dễ gây căng thẳng cho cây.

Không cắt tỉa nhiều hơn một lần mỗi mùa. Trừ khi có bão làm gãy nhiều cành hơn, nếu không bạn không nên cắt tỉa nhiều lần vì cây cần thời gian để phục hồi.

1629082584415.png

Phần 2: Cắt tỉa để giảm thiểu thiệt hại​

1. Hãy dùng đến dụng cụ cắt tỉa trong mùa ngủ đông.​

Việc cắt tỉa vào cuối mùa thu hoặc đầu mùa đông giúp cây ít bị căng thẳng hơn, vì nó giảm thiểu sự chảy nhựa. Cắt tỉa vào thời gian này trong năm cũng tốt hơn cho cây vì "vết thương" tạo ra sẽ ít có khả năng bị nhiễm trùng do côn trùng hoặc nấm, chúng cũng hoạt động tương đối mạnh vào cuối mùa thu và đầu mùa đông.

Thời điểm tốt là cắt tỉa sau khi lá rụng khỏi cây. Điều này có nghĩa là cây không hoạt động cho đến đầu mùa xuân.
Nếu một cơn bão vào một thời điểm khác trong năm khiến cành bị gãy, bạn có thể cắt tỉa ngay thay vì đợi đến mùa đông.

1629083153307.png

2. Cắt từ phía dưới nhánh cây.​

Nhấp cắt đầu tiên, không nhấp sát cành. Làm vậy để ngăn nhánh không bị nứt gãy quá gần với thân cây khi sức nặng của nó sẵn sàng rơi xuống.
Thực hiện cắt tỉa từ phía nhánh cây chổ cổ cành. Đây là chổ mà mỗi nhánh nhô ra. Bạn muốn để nguyên phần cuống, vậy đừng cắt sát thân cây.

1629087335047.png

3. Cắt bỏ nhánh cách thân cây vài inch.​

Vết cắt thứ hai sẽ cắt rời cành, ở phía ngoài (xa hơn từ thân cây) của nhấp cắt cắt đầu tiên mà bạn đã thực hiện. Loại bỏ nhánh khỏi chổ đó; những gì còn lại chỉ là một cái cuống.

1629089136314.png

4. Cắt chính xác để loại bỏ phần cuống.​

Bây giờ bạn có thể thực hiện một vết cắt khác gần cổ cành. Điều này mang lại cho cây cơ hội tốt nhất để chữa lành vết thương một cách nhanh chóng và khỏe mạnh.
Hãy chắc chắn rằng bạn không cắt đi cổ cành. Nó phải vẫn còn nguyên vẹn.

1629103413690.png

5. Làm sạch thiết bị cắt tỉa của bạn.​

Có lẽ không cần thiết phải khử trùng dụng cụ cắt tỉa nếu bạn tránh cắt vào các mô cây chết hoặc các nhánh rõ ràng là bị bệnh, nhưng có lẽ tốt hơn hết là bạn nên khử trùng dụng cụ cắt tỉa của mình bằng cồn tẩy rửa.(hoặc bất kỳ chất tẩy rửa gia dụng nào) sau mỗi lần cắt cây bị nhiễm bệnh.

Bạn cũng nên nhúng hoặc chà xát các lưỡi dao bằng vải tẩm chất khử trùng sau khi cắt tỉa xong một cây khỏe mạnh trước khi chuyển sang cây hoặc bụi tiếp theo. Bệnh hại đôi khi lây lan qua thiết bị và dụng cụ cắt tỉa bẩn.

1629104275952.png

Biên dịch: Thích Làm Vườn
Nguồn: wikiHow (www.wikihow.com/Prune-a-Tree)

Cách sử dụng biểu tượng mặt cười - emoji trong bài viết


heart-with-ribbon_1f49d.png
Ngoài các emoji trong mục "Mặt cười" trên thanh công cụ soạn thảo, bà con có thể sử dụng thêm bất kỳ emoji nào được tổ chức Unicode hỗ trợ. Có hơn 3000 emoji trong phiên bản Unicode 2020 hiện tại. Các emoji này tuỳ theo hệ điều hành sẽ có cách thức tìm và gõ khác nhau. Tuy nhiên chúng ta có thể tìm kiếm trên Internet hay trang Emojipedia, copy và dán emoji nào chúng ta thích là được. Chúng hoạt động như cách văn bản hoạt động nên không cần phải lưu hay upload gì cả.

Các trang mình có thể tìm và copy emoji:

Thí dụ:

😀 😃 😄 😁 😆 😅 😂 🤣 🥲 ☺️ 😊 😇 🙂 🙃 😉 😌 😍 🥰 😘 😗 😙 😚 😋 😛 😝 😜 🤪 🤨 🧐 🤓 😎 🥸 🤩 🥳 😏 😒 😞 😔 😟 😕 🙁 ☹️ 😣 😖 😫 😩 🥺 😢 😭 😤 😠 😡 🤬 🤯 😳 🥵 🥶 😱 😨 😰 😥 😓 🤗 🤔 🤭 🤫 🤥 😶 😐 😑 😬 🙄 😯 😦 😧 😮 😲 🥱 😴 🤤 😪 😵 🤐 🥴 🤢 🤮 🤧 😷 🤒 🤕 🤑 🤠 😈 👿 👹 👺 🤡 💩 👻 💀 ☠️ 👽 👾 🤖 🎃 😺 😸 😹 😻 😼 😽 🙀 😿 😾

👋 🤚 🖐 ✋ 🖖 👌 🤌 🤏 ✌️ 🤞 🤟 🤘 🤙 👈 👉 👆 🖕 👇 ☝️ 👍 👎 ✊ 👊 🤛 🤜 👏 🙌 👐 🤲 🤝 🙏 ✍️ 💅 🤳 💪 🦾 🦵 🦿 🦶 👣 👂 🦻 👃 🫀 🫁 🧠 🦷 🦴 👀 👁 👅 👄 💋 🩸

👶 👧 🧒 👦 👩 🧑 👨 👩‍🦱 🧑‍🦱 👨‍🦱 👩‍🦰 🧑‍🦰 👨‍🦰 👱‍♀️ 👱 👱‍♂️ 👩‍🦳 🧑‍🦳 👨‍🦳 👩‍🦲 🧑‍🦲 👨‍🦲 🧔 👵 🧓 👴 👲 👳‍♀️ 👳 👳‍♂️ 🧕 👮‍♀️ 👮 👮‍♂️ 👷‍♀️ 👷 👷‍♂️ 💂‍♀️ 💂 💂‍♂️ 🕵️‍♀️ 🕵🕵️‍♂️ 👩‍⚕️ 🧑‍⚕️ 👨‍⚕️ 👩‍🌾 🧑‍🌾 👨‍🌾 👩‍🍳 🧑‍🍳 👨‍🍳 👩‍🎓 🧑‍🎓 👨‍🎓 👩‍🎤 🧑‍🎤 👨‍🎤 👩‍🏫 🧑‍🏫 👨‍🏫 👩‍🏭 🧑‍🏭 👨‍🏭 👩‍💻 🧑‍💻 👨‍💻 👩‍💼 🧑‍💼 👨‍💼 👩‍🔧 🧑‍🔧 👨‍🔧 👩‍🔬 🧑‍🔬 👨‍🔬 👩‍🎨 🧑‍🎨 👨‍🎨 👩‍🚒 🧑‍🚒 👨‍🚒 👩‍✈️ 🧑‍✈️ 👨‍✈️ 👩‍🚀 🧑‍🚀 👨‍🚀 👩‍⚖️ 🧑‍⚖️ 👨‍⚖️ 👰‍♀️ 👰 👰‍♂️ 🤵‍♀️ 🤵 🤵‍♂️ 👸 🤴 🥷 🦸‍♀️ 🦸 🦸‍♂️ 🦹‍♀️ 🦹 🦹‍♂️ 🤶 🧑‍🎄 🎅 🧙‍♀️ 🧙 🧙‍♂️ 🧝‍♀️ 🧝 🧝‍♂️ 🧛‍♀️ 🧛 🧛‍♂️ 🧟‍♀️ 🧟 🧟‍♂️ 🧞‍♀️ 🧞 🧞‍♂️ 🧜‍♀️ 🧜 🧜‍♂️ 🧚‍♀️ 🧚 🧚‍♂️ 👼 🤰 🤱 👩‍🍼 🧑‍🍼 👨‍🍼 🙇‍♀️ 🙇 🙇‍♂️ 💁‍♀️ 💁 💁‍♂️ 🙅‍♀️ 🙅 🙅‍♂️ 🙆‍♀️ 🙆 🙆‍♂️ 🙋‍♀️ 🙋 🙋‍♂️ 🧏‍♀️ 🧏 🧏‍♂️ 🤦‍♀️ 🤦 🤦‍♂️ 🤷‍♀️ 🤷 🤷‍♂️ 🙎‍♀️ 🙎 🙎‍♂️ 🙍‍♀️ 🙍 🙍‍♂️ 💇‍♀️ 💇 💇‍♂️ 💆‍♀️ 💆 💆‍♂️ 🧖‍♀️ 🧖 🧖‍♂️ 💅 🤳 💃 🕺 👯‍♀️ 👯 👯‍♂️ 🕴 👩‍🦽 🧑‍🦽 👨‍🦽 👩‍🦼 🧑‍🦼 👨‍🦼 🚶‍♀️ 🚶 🚶‍♂️ 👩‍🦯 🧑‍🦯 👨‍🦯 🧎‍♀️ 🧎 🧎‍♂️ 🏃‍♀️ 🏃 🏃‍♂️ 🧍‍♀️ 🧍 🧍‍♂️ 👭 🧑‍🤝‍🧑 👬 👫 👩‍❤️‍👩 💑 👨‍❤️‍👨 👩‍❤️‍👨 👩‍❤️‍💋‍👩 💏 👨‍❤️‍💋‍👨 👩‍❤️‍💋‍👨 👪 👨‍👩‍👦 👨‍👩‍👧 👨‍👩‍👧‍👦 👨‍👩‍👦‍👦 👨‍👩‍👧‍👧 👨‍👨‍👦 👨‍👨‍👧 👨‍👨‍👧‍👦 👨‍👨‍👦‍👦 👨‍👨‍👧‍👧 👩‍👩‍👦 👩‍👩‍👧 👩‍👩‍👧‍👦 👩‍👩‍👦‍👦 👩‍👩‍👧‍👧 👨‍👦 👨‍👦‍👦 👨‍👧 👨‍👧‍👦 👨‍👧‍👧 👩‍👦 👩‍👦‍👦 👩‍👧 👩‍👧‍👦 👩‍👧‍👧 🗣 👤 👥 🫂

🧳 🌂 ☂️ 🧵 🪡 🪢 🧶 👓 🕶 🥽 🥼 🦺 👔 👕 👖 🧣 🧤 🧥 🧦 👗 👘 🥻 🩴 🩱 🩲 🩳 👙 👚 👛 👜 👝 🎒 👞 👟 🥾 🥿 👠 👡 🩰 👢 👑 👒 🎩 🎓 🧢🪖 💄 💍 💼

  • Article
[Phim] Lời thì thầm của cỏ cây

Nhiều người nghĩ thực vật vô tri, nhưng nếu họ xem bộ phim này thì họ sẻ không còn nghĩ như thế nữa.

Trong bộ phim này các nhà khoa học đưa ta đến với những khám phá thú vị trong đời sống thực vật và hé lộ cho chúng ta những điều vô cùng bất ngờ về cây cối, chúng cũng chiến đấu để sinh tồn và cũng phải ... tìm kiếm thức ăn để tồn tại.


Giới thiệu: Võ Quốc Lập

Đính kèm

  • johann-siemens-tree.jpg
    johann-siemens-tree.jpg
    20 KB · Xem: 0

  • Article
Vườn rừng Tìm hiểu về mô hình Vườn rừng

vuonrung.jpeg
Không giống phần lớn các mô hình nông nghiệp hiện đại phụ thuộc nhiều vào nhiên liệu hóa thạch, thuốc diệt cỏ, thuốc trừ sâu và phân bón, hình thức vườn rừng luôn có khả năng tự nuôi sống và cho năng suất cao, là mô hình rất hiệu quả vì thuận với tự nhiên.

Rừng thực phẩm (food forest) hay còn gọi là vườn rừng (forest gardening) là một hình thức nông nghiệp đã có từ rất lâu ở nhiều nền văn hóa bản địa. Đây là một mô mình trồng trọt không đòi hỏi nhiều công chăm sóc, giúp tái tạo hệ sinh thái tự nhiên, kết hợp cây ăn quả và cây lấy hạt, cây bụi, thảo mộc, dây leo và cây lâu năm. Trồng kết hợp những loài cây hữu ích là một phần quan trọng trong mô hình vườn rừng.

Tại sao lại là vườn rừng?​

Rừng là nơi sinh sống của khoảng 50-90% thực vật trên cạn – bao gồm các loài thụ phấn và các giống cây hoang dã, theo báo cáo của WWF Living Planet 2010.

Chỉ riêng rừng nhiệt đới đã có khoảng 10-50 triệu loài thực vật, tương đương hơn 50% số loài thực vật trên hành tinh. Rừng mưa chỉ bao phủ 2% bề mặt Trái Đất và 6% đất liền, nhưng cũng đã là nơi sinh sống của hơn một nửa số loài động thực vật trên thế giới.

Rõ ràng rừng là biểu tượng của sự sống, đa dạng sinh học và khả năng sinh sản, nơi nhiều loài sinh vật cùng quy tụ. Tại đây, chúng hình thành nên các mối quan hệ cộng sinh, hài hòa, giúp ích cho sự phát triển và sinh sôi nảy nở.

Thật không may là con người ngày nay đã khai khẩn quá nhiều đất đai để tạo ra những cánh đồng cần nhiều nguồn đầu mới có thể duy trì sự sinh trưởng của cây trồng. Trong khi đó, vườn rừng lại có thể mang lại rất nhiều lợi ích so với các hình thức trồng trọt thông thường và canh tác độc canh phổ biến hiện nay.

Vườn rừng vừa cho năng suất cao, mà còn tạo ra sự đa dạng sinh học. Vườn rừng có thể phát triển ở hầu hết các vùng khí hậu, cũng vì chúng được trồng theo nhiều tầng nên rất phù hợp với các khu vực ngoại ô và đô thị. Hãy xem clip này để thấy cách một cặp vợ chồng đã biến một khu vực ngoại ô thông thường thành một khu vườn rừng có năng suất cao như thế nào.

Các tầng tán của vườn rừng​

tangtang.jpeg


1. Lớp mái che hoặc lớp cây cao

Lớp cây này thường cao hơn 9m, dành cho các vườn rừng lớn. Cây gỗ, cây có hạt lớn và cây cố định đạm là những loại cây điển hình thuộc loại này. Một số cây ăn quả lớn cũng có thể được trồng trong lớp này tùy thuộc vào loài và gốc ghép được sử dụng.

2. Lớp dưới mái che/tầng cây bụi lớn

Thường cao từ 3-9m, có trong hầu hết các vườn rừng, hoặc ít nhất là những khu vực có không gian hạn chế, những cây này thường tạo nên lớp mái che. Phần lớn cây ăn quả nằm ở lớp này.

3. Lớp cây bụi

Lớp cây bụi thông thường cao 3m. Phần lớn các cây ăn quả thuộc lớp này, bao gồm nhiều cây lấy hạt, hoa, cây thuốc và các cây có lợi khác.

4. Lớp thân thảo

Thực vật trong lớp này sẽ chết vào mùa đông, nếu thời tiết đủ lạnh. Chúng không có thân gỗ như lớp cây bụi. Nhiều loại thảo mộc làm gia vị và thảo dược là thuộc lớp này.

5. Lớp phủ mặt đất

Một số loài thực vật có thể vừa thuộc lớp thân thảo vừa thuộc lớp phủ mặt đất. Tuy nhiên các loài thực vật trong lớp phủ mặt đất thường sống trong bóng râm, mọc dày đặc trên mặt đất, che lấp các khoảng đất trống và thường có thể chịu được sự đi lại, giẫm đạp.

6. Lớp bên dưới lòng đất

Đây thường là các loại rau củ. Nhiều loại cây này có thể được tận dụng trong lớp thân thảo, lớp dây leo, và lớp phủ mặt đất.

7. Lớp dây leo

Cây cố định đạm sẽ làm giá đỡ cho các cây dây leo. Đây cũng là một cách tuyệt vời để tăng thêm năng suất cây trồng cho một không gian nhỏ, nhưng cũng cần phải cẩn thận. Nếu không, để hái quả có thể bạn sẽ phải leo lên cây cao 20m

8. Lớp thủy sinh

Một số người sẽ nói một khu rừng sao có thể phát triển được trong nước, vì vậy lớp thực vật này không phù hợp với vườn rừng. Tuy nhiên, nhiều khu rừng có suối chảy qua hoặc có ao, hồ ở giữa. Một số loài thực vật có thể sinh sôi mạnh mẽ ở khu lực đầm lầy hoặc ở mép nước, nhiều loại cây chỉ mọc trong nước. Nếu bỏ qua danh sách các loài cây này, chúng ta sẽ phải bỏ qua nhiều loài hữu ích cung cấp thực phẩm, chất xơ, dược phẩm, thức ăn gia súc, phân hữu cơ, sinh khối và quan trọng nhất là cung cấp hệ thống lọc nước thông qua xử lý sinh học. Vậy nên đã đến lúc để thêm lớp thủy sinh vào danh mục này.

9. Lớp nấm

Đây cũng là một lớp mới trong vườn rừng. Nấm thường sống ở những nơi đất màu mỡ. Chúng có thể sống ở trên và ngay cả bên trong các rễ cây trong khu rừng.Mạng lưới nấm này có thể vận chuyển chất dinh dưỡng và độ ẩm từ nơi này sang nơi khác trong khu rừng tùy thuộc vào nhu cầu của cây trồng. Đó là một hệ thống tuyệt vời. Ngày càng có nhiều nghiên cứu về lợi ích của nấm trong việc xây dựng và duy trì rừng, nhưng kỳ lạ là lớp này vẫn chưa được chính thức thêm vào danh mục.

Ngoài nhiệm vụ quan trọng đó, nấm còn cung cấp thực phẩm và thuốc men cho chúng ta sử dụng bất cứ lúc nào. Nếu chủ động hơn, chúng ta có thể đầu tư thêm vào lớp này và tăng đáng kể sản lượng thu hoạch.



Theo Collective Evolution
Biên dịch: Chân Tâm

  • Article
Cách sử dụng Baking Soda trong vườn

Có rất nhiều cách sử dụng muối nở - Baking Soda trong vườn. Bạn có thể sử dụng nó để ngăn chặn sự phát triển của nấm mốc, thúc đẩy cây khỏe mạnh và kiểm tra độ chua của đất. Bạn cũng có thể ngăn chặn các loài gây hại như thỏ, bọ và ốc sên bằng cách sử dụng baking soda. Baking soda cũng có nhiều công dụng vệ sinh và có thể giúp bạn làm sạch nông sản, đồ đạc và dụng cụ trong vườn.

Công dụng 1: Đảm bảo cây khỏe mạnh​

1. Kiểm tra độ pH của đất.​

Làm ướt đất một chút bằng nước cất. Rắc một nắm muối nở lên đất ẩm. Nếu nó bắt đầu nổi bọt, đất của bạn có tính axit, nghĩa là độ pH của nó dưới 5 và sẽ không thể hỗ trợ cây phát triển khỏe mạnh. Nếu đất chua, bạn có thể nâng độ pH bằng cách trộn đất hoặc vôi bột vào đất. Theo thời gian, đất của bạn sẽ trở nên kiềm tính hơn. Tro cũi cũng có hữu ích.

Tìm kiếm thông tin trực tuyến để biết được độ pH của giống cây mà bạn định trồng trước khi thực hiện bất kỳ thay đổi nào cho đất.

1629075031184.png

2. Sử dụng baking soda như một loại thuốc diệt nấm thực vật tự chế.​

Trộn bốn muỗng canh muối nở với 4,5 lít nước cất. Đổ hỗn hợp vào bình xịt, rồi xịt trực tiếp hoặc xịt gần những cây mà bạn cho là có thể có nguy cơ nhiễm nấm bệnh, đặc biệt là hoa hồng và nho.

Nếu bạn gặp vấn đề với nấm mốc trên cây của mình, hãy trộn một thìa cà phê muối nở, một lít nước và một vài giọt xà phòng lỏng, đổ hỗn hợp này vào bình xịt, rồi phun lên những cây có xu hướng bị nấm mốc.

1629075158349.png

3. Làm phân bón tự nhiên.​

Trộn một muỗng cà phê muối nở, một muỗng cà phê muối Epsom, nửa muỗng cà phê amoniac và một gallon (4,5 lít) nước. Đổ hỗn hợp này vào bình tưới và dùng nó định kỳ khi bạn tưới vườn. Nó đặc biệt hiệu quả trong việc hồi sinh các cây bị ngả nâu.

Kiểm tra trực tuyến xem cây của bạn có thể chịu được phân bón hay không trước khi sử dụng.

1629075247026.png

4. Ngăn ngừa cỏ càng và cỏ dại.​

Nếu bị cỏ càng hoặc cỏ dại chui qua lớp phủ hoặc xâm lấn khu vườn, hãy phun nước vào chúng bằng cách sử dụng bình xịt hoặc vòi xịt. Sau đó, rải một lớp baking soda dày lên trên cỏ dại hoặc cỏ càng. Nếu cỏ dại mọc từ các vết nứt trên sân, bạn hãy nhổ chúng đi, sau đó đổ nước sôi lên chỗ chúng mọc. Rải đầy baking soda lên chổ đó.

1629075305858.png

5. Giữ cho chậu cây của bạn luôn tươi tốt.​

Trước khi cấy hoa hoặc các loại cây khác vào chậu, hãy phủ một lớp muối nở mỏng ở đáy chậu, rồi đổ đất và sau đó trồng cây vào. Điều này sẽ ngăn cây bị héo và chết.
1629075784702.png

6. Làm cho hoa cắt của bạn tươi lâu hơn.​

Khi bạn cắt một vài cành hoa từ khu vườn để trưng bày tại nhà, hãy ngâm chúng trong hỗn hợp nước cất với một thìa baking soda. Điều này sẽ giúp hoa không bị héo nhanh như những bông khác.

1629076584095.png

7. Dùng muối nở để làm ngọt cà chua.​

Rắc một chút muối nở lên đất gần cây cà chua. Muối nở sẽ ngấm vào đất và làm giảm độ chua của nó, giúp cà chua của bạn ngọt hơn.

1629076653746.png

8. Khuyến khích cây trồng ở đất kiềm.​

Một số loài hoa phát triển mạnh trong đất kiềm. Ví dụ, nếu bạn trồng hoa thu hải đường, cẩm tú cầu hay phong lữ, hãy trộn một vài thìa baking soda vào bình nước trước khi tưới. Điều này sẽ giúp hoa nở đẹp hơn và phát triển khỏe mạnh.

1629076923189.png

Công dụng 2: Kiểm soát sâu bọ​

1. Làm thuốc trừ sâu tự nhiên.​

Hòa một thìa cà phê muối nở, 1/3 cốc (79 mililit) dầu ô liu và một cốc (237 mililit) nước. Đổ dung dịch vào bình xịt. Xịt vào những cây bạn muốn côn trùng tránh xa. Phun xịt lại khi cần thiết. Chúng ta sẽ cần phải lặp lại cách xử lý này sau khi trời mưa.

1629077144911.png

2. Diệt trừ côn trùng phá hoại.​

Nếu việc phun xịt thuốc trừ sâu phòng bệnh của bạn không hiệu quả, bạn có thể tạo ra loại khác mạnh hơn một chút để loại trừ côn trùng. Trộn một thìa dầu ô liu, hai thìa muối nở và một vài giọt xà phòng lỏng. Trộn hỗn hợp với nhau và đổ vào bình xịt. Phun chất lỏng này xung quanh khu vườn của bạn.
Lặp lại ba ngày một lần. Tiếp tục áp dụng ngay cả khi côn trùng đã biến mất để ngăn chúng quay trở lại.

1629077573844.png

3. Loại bỏ kiến.​

Tuy nhiên, một loại thuốc xịt côn trùng khác bằng baking soda được điều chế riêng cho kiến. Nếu bạn gặp vấn đề với kiến trong vườn của mình, hãy trộn hổn hợp đường bột và muối nở với lượng bằng nhau. Ví dụ: bạn có thể trộn năm thìa cà phê muối nở và năm thìa cà phê đường bột. Rắc bột ở vùng lân cận của các đồi kiến. Kiến sẽ ăn hỗn hợp bột và chết.

Bạn có thể cho thêm một thìa nước vào hỗn hợp sau khi đã kết hợp đường và muối nở để giúp hỗn hợp đông lại với nhau. Không sử dụng đường kính thông thường, vì nó sẽ không bám vào muối nở theo cách của đường bột.

1629078030909.png

4. Khiến thỏ tránh xa.​

Rắc baking soda xung quanh vườn rau của bạn. Rải một vòng muối nở mỏng nhưng có thể nhìn thấy xung quanh mỗi cây. Điều này sẽ khiến thỏ không thể gặm nhấm chúng. Bạn sẽ cần phải rắc hỗn hợp này thường xuyên, đặc biệt là sau khi trời mưa.

1629079640476.png

5. Phòng trừ sâu bắp cải.​

Trộn muối nở và bột mì theo tỷ lệ bằng nhau. Ví dụ, bạn có thể trộn một cốc mỗi loại với nhau. Phủ hỗn hợp lên bắp cải, cải xoăn, bông cải xanh và các loại cây khác có xu hướng thu hút sâu hại.
Bạn sẽ cần phải phủ hỗn hợp này thường xuyên, đặc biệt là sau khi trời mưa.

1629078375886.png

6. Diệt trừ ốc sên.​

Baking soda rất hữu ích để diệt ốc sên. Khi thấy sên trong vườn, bạn chỉ cần rắc baking soda lên chúng. Điều này sẽ khiến chúng teo tóp và chết.

1629078437068.png

Công dụng 3: Sử dụng Baking Soda để làm sạch​

1. Chà sạch các đồ vật trong vườn.​

Baking soda có thể làm sạch bồn tắm chim, chậu đất sét và đồ đạc trong vườn một cách hiệu quả. Chỉ cần rắc một vài thìa baking soda lên đồ vật bạn muốn làm sạch và dùng giẻ ẩm lau sạch. Rửa sạch bề mặt bằng nước sạch.
Bạn cũng có thể sử dụng phương pháp này để làm sạch sản phẩm, chuẩn bị sẵn sàng để tiêu thụ.

1629078741078.png

2. Làm sạch tay của bạn.​

Làm việc trong vườn là một công việc bẩn. Ngay cả việc đeo găng tay thường xuyên cũng không thể ngăn chặn hoàn toàn bụi bẩn tích tụ. Sau khi rửa tay bằng vòi nước, hãy rắc một ít muối nở lên tay. Xoa chúng với nhau, không quên chà trong các kẽ hở giữa mỗi ngón tay và mu bàn tay.

1629078974291.png

3. Loại bỏ mùi khó chịu trong phân ủ.​

Phân ủ là một hỗn hợp của thực vật mục nát và các vật chất phân hủy sinh học khác. Khi được xử lý hoàn toàn, nó có thể được trộn với đất, trả lại các vi sinh vật khỏe mạnh cho mạng lưới thức ăn của đất và kéo dài tuổi thọ của nó. Tuy nhiên, cho đến khi nó sẵn sàng, nó sẽ khá bốc mùi. Rắc một vài thìa baking soda vào thùng phân trộn của bạn để khử mùi hôi ẩm.
1629079436857.png

Biên dịch: Thích Làm Vườn
Nguồn: wikiHow (How to Use Baking Soda in the Garden)

  • Article
Châu Á Gặp Michael từ Doha, Qatar 🇶🇦

Gặp Michael từ Doha, Qatar 🇶🇦.

′′ Khi tôi còn là một cậu bé lớn lên ở Philippines, gia đình tôi luôn túng thiếu, đó là lý do tại sao mẹ tôi đã bắt đầu một dự án gia đình, dọn sạch một lô đất trống (không phải của chúng tôi) trước nhà và dùng nó làm một vườn rau nhỏ. Mẹ tôi là nội trợ và cha tôi là nhân viên điều hành xe nâng ở một xưởng sản xuất nhưng đã về hưu. Niềm yêu thích và đam mê trồng rau của tôi đã được khơi dậy từ khi còn nhỏ vì tôi đã nhìn thấy những vụ mùa bội thu mà chúng tôi thu hoạch được, và chúng tôi cũng chia sẻ với những người hàng xóm của mình nữa. Chẳng bao lâu sau, hầu hết mọi người trong khu phố được truyền cảm hứng, tận dụng bất cứ không gian nào có sẵn xung quanh nhà và họ bắt đầu trồng rau.

khoai.jpeg

Tôi là một nhân viên kế toán hiện đang sống ở Doha cùng vợ và hai cậu con trai kháu khỉnh 13 và 10 tuổi. Bốn người chúng tôi tự trồng rau trên sân thượng biệt thự nơi chúng tôi đang ở. Không gian trồng phía trước là 8 x 10 mét và không gian còn lại ở phía sau vào khoảng 4 x 6 mét.

Chúng tôi trồng thực phẩm chủ yếu là để tiêu dùng cá nhân. Tôi muốn gia đình mình có được chất dinh dưỡng thích hợp từ trái cây và rau củ không thuốc trừ sâu gây hại. Ở đây ở Qatar, rau quả rất đắt đỏ vì chúng được nhập khẩu từ các nước lân cận.

Ở đây, vào mùa hè từ tháng 6 đến tháng 10 sẽ trở nên rất nóng. Thời điểm lý tưởng để trồng rau là từ cuối tháng 10 đến tháng 5.Để giúp cây sống sót, chúng tôi giăng lưới xanh làm vườn từ bên này sang bên kia của bức tường trong suốt mùa hè. Việc trồng rau trên sân thượng cũng là một thử thách khá lớn vì chúng tôi phải gom đất từ bất cứ nguồn nào sẵn có, trộn với phân trộn rồi vác chúng lên sân thượng. Chúng tôi thường tấp xe vào, và thu lượm bất cứ khi nào chúng tôi tìm thấy một ít đất cát tốt hay lá khô bên đường.

Thời gian gắn bó với gia đình và tạo ra những kỷ niệm tuyệt vời là phần thưởng tốt đẹp nhất mà chúng tôi nhận được từ việc làm vườn, cộng với thực tế là chúng tôi biết rằng chúng tôi luôn ăn rau tươi, sạch, hữu có. Chúng tôi cũng có thể chia sẻ với bạn bè và hàng xóm nữa.

Chúng tôi có một cộng đồng công nhân Philippines nước ngoài ở Qatar và họ đến thăm chúng tôi vào cuối tuần để học cách làm vườn rau. Chúng tôi hướng dẫn cho họ các mẹo và ý tưởng về cách làm như thế nào để họ cũng có thể tự trồng rau bằng cách sử dụng không gian và nguồn lực hạn chế. Thực tế là hầu hết bạn bè của tôi ở đây giờ đã bắt đầu vườn rau của riêng mình ở sân sau nhà hoặc trên ban công.

Mặc dù đã xa quê hương khá lâu, nhưng chúng tôi vẫn cố gắng xây dựng một cộng đồng lao động Philippines ở đây để giúp đỡ lẫn nhau và chia sẻ bất kỳ nguồn lợi nào dù nhỏ mà chúng tôi có được vì lợi ích của những người kém đặc quyền hơn. Điều cuối cùng, tôi muốn nói rằng thật dễ dàng để cảm nhận được tình yêu của Chúa qua những điều đơn giản quanh ta. Mỗi sớm mai thức dậy, chúng ta được chào đón bởi những tia nắng ấm áp, được nhìn ngắm những bông hoa, trái cây và rau quả tươi đẹp, điều này thực sự là Vô giá!"


Biên dịch: Thích Làm Vườn
Nguồn: Humans Who Grow Food (www.facebook.com/humanswhogrowfood/posts/848247762188428)

#cauchuyennhavuon #thichlamvuon

Xu hướng di cư ngược ở TQ: Bỏ phố về quê và kiếm hàng chục triệu đô mỗi tháng nhờ livestream bán nông sản

photo1625626110156-1625626110251906630575.jpg
Doanh thu của những người sáng tạo nội dung đến từ các vùng nông thôn tạo ra trên Douyin đã tăng gấp 15 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Thạch lựu Ca - một tài khoản nổi tiếng, đã bán được 6 triệu tệ lựu trong 2 phút.

"Phản hướng thanh niên"

Năm 2018, Jin Guowei nợ nần chồng chất với công việc bán hoa quả cho khách du lịch ở Lệ Giang (Vân Nam). Giờ đây, tài khoản Brother Pomegranate (Thạch lựu Ca) đã trở thành một hiện tượng mạng xã hội tại Trung Quốc, với 7,3 triệu người theo dõi và doanh thu năm 2020 đạt 300 triệu tệ (46 triệu USD). Thành tích bán hàng của anh rất đáng nể, từng bán được số lựu trị giá 6 triệu tệ chỉ trong 20 phút.

Đây chính là minh chứng cho xu hướng kinh doanh ở vùng nông thôn ngày càng phát triển ở Trung Quốc. Nông dân và người bán hàng nông sản ở các tỉnh thành xa sẽ bán hàng qua livestream trên các ứng dụng mạng xã hội. Doanh thu của những người sáng tạo nội dung đến từ các vùng nông thôn tạo ra trên Douyin đã tăng gấp 15 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong khi đó, một nông dân khác là Guo Chengcheng, tương tác với 2,5 triệu người hâm mộ trên Douyin từ cánh đồng của gia đình cô. Người xem có thể nhấn vào một liên kết hiển thị trên màn hình để mua hàng, trong khi đó Guo đang thu hoạch. Video của Guo quay cận cảnh mọi thứ, từ bí ngô mini cho đến đào rừng, hay thậm chí nhiều loại trái cây, rau củ của người dân trong làng trồng.

Trước đây, Guo từng qua một chương trình liên kết với nhà bán trên WeChat và có khoảng hơn 100 đơn đặt hàng mỗi ngày. Giờ đây, mỗi lần livestream, cửa hàng nhỏ của cô nhận tới 50.000 đơn hàng và doanh thu đạt ít nhất 9 triệu tệ mỗi tháng.

Guo và Thạch lưu Ca là một phần của dòng người đang di cư ngược ở Trung Quốc. Họ bỏ về quê lập nghiệp sau nhiều thập kỷ tìm việc ở các thành phố lớn. Theo Douyin, 54% các influencer đến từ nông thôn hoạt động nền tảng của họ là "fanxiang qingnian" (phản hướng thanh niên).

ls1-16256268761881513612808.png
Sự thay đổi đó được thúc đẩy mạnh mẽ hơn khi đại dịch diễn ra và khiến 23 triệu người lao động nhập cư phải ở lại quê. Khi hệ thống giao thông quốc gia của quốc gia này tạm ngừng hoạt động, hàng hóa nông sản cũng hỏng dần trong các kho lưu trữ. Đồng thời, người tiêu dùng lại nấu ăn nhiều hơn khi họ phải ở trong nhà. Do đó, nhu cầu mua trực tuyến đối với hàng tạp hóa tăng vọt và mạng xã hội đã tạo điều kiện cho các nông dân trở thành doanh nhân với chi phí thấp.

Anh Jin cho biết: "Ở những ngôi làng, ngay cả những khoảnh khắc bình thường nhất cũng là ý tưởng tuyệt vời để sản xuất nội dung bắt mắt. Đó là những gì người dân thành phố không có và là những gì họ muốn xem."

Số lượng nông dân livestream ở Trung Quốc là rất lớn và tăng nhanh. Hơn 100.000 người đã thực hiện 2,52 triệu lượt bán hàng livestream trên Taobao Live trong năm kết thúc vào tháng 3. Trong khi đó, trên Douyin, các nhà sáng tạo nội dung về nông sản với hơn 10.000 người theo dõi đã tăng gấp 6 lần trong giai đoạn 2019-2020 so với năm trước.

Theo các chuyên gia thương mại điện tử và các nhà bán hàng livestream, bí quyết tạo nên sự thành công là kết hợp giữa tâm lý nhớ về thiên nhiên, tình trạng mất lòng tin vào các khu chợ truyền thống vì nhiều vụ bê bối an toàn thực phẩm và sự hào hứng của việc theo dõi những nét mộc mạc của làng quê ở người dân thành phố.

Hồi tháng 3, anh Jin chia sẻ với người xem khi đang đi qua một lùm cây cam: "Thuốc trừ sâu ư? Chúng tôi không sử dụng thuốc trừ sâu." Anh cúi xuống và lia chiếc iPhone của mình đến một đám cỏ dại dưới gốc cây và nói: "Đây chính là bằng chứng."

Thị trường tiềm năng của các 'nông dân livestream'

Khi các nền tảng video ngắn như Douyin và Kuaishou Technology mở rộng sang lĩnh vực thương mại điện tử, những công ty lớn như Taobao và JD.com và Pinduoduo cũng cạnh tranh mạnh mẽ khi đưa ra những buổi workshop hướng dẫn và hỗ trợ nền tảng.

Hơn nữa, nông dân Trung Quốc cũng nhận được sự hỗ trợ của nhà nước. Khi Đảng Cộng sản Trung Quốc kỷ niệm 100 năm thành lập vào tháng này, các quan chức cấp cao đã lên tiếng ủng hộ việc mang đến sự đổi mới cho hoạt động sản xuất nông sản. Chính phủ đã kêu gọi việc ở rộng phạm vi hoạt động của các nền tảng thương mại điện tử đến các ngôi làng để giúp tăng thu nhập cho nông dân.

Để vận chuyển nông sản, các "influencer nông dân" vẫn phải sử dụng hệ thống logistics của các công ty thương mại điện tử lớn như JD Logistics hay Cainiao của Alibaba. Trong khi đó, bán hàng livestream khiến họ gặp nhiều rủi ro hơn, đặc biệt là từ những khách hàng yêu cầu hoàn tiền cho hàng hóa bị hư hại.

ls2-16256268761971183343204.png
Hơn nữa, sự cạnh tranh ngày càng gắt gao, cùng với đó là chi phí giao hàng hóa đông lạnh tăng lên cũng làm giảm tỷ suất lợi nhuận. Tuy nhiên, lợi nhuận từ số đơn đặt hàng lớn và nhiều khách hàng trung thành hơn cũng bù đắp cho những khó khăn của họ.

Theo Hao Liang – phó giáo sư ngành tài chính tại Đại học Quản lý Singapore, nông nghiệp vẫn là một trong những ngành quan trọng nhất ở Trung Quốc. Lĩnh vực này sử dụng ¼ lực lượng lao động của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới. Do đó, thị trường này rất phù hợp với chiến lược tăng trưởng tổng thể của Trung Quốc.

Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu tại Đại học Nông nghiệp Hàn Quốc dự đoán, tình trạng thiếu hụt nhân tài trong mảng thương mại điện tử ở vùng nông thông dự kiến sẽ tăng 61,3% lên 3,5 triệu người vào năm 2025.

Theo đó, người phát ngôn của Douyin cho biết họ sẽ hỗ trợ nhiều hơn nữa trong hoạt động sáng tạo nội dung về nông sản và nông dân cũng có thể thu về lợi nhuận cao hơn khi bán trực tiếp cho khách hàng.

Thách thức đối với các "nông dân livestream" của Trung Quốc là giữ chân người hâm mộ trong một thị trường liên tục thay đổi. Họ phải tìm ra sự giao thoa giữa sản phẩm hấp dẫn, tốt cho sức khỏe và khung cảnh đẹp, có tính giải trí.

Tham khảo Bloomberg / Nguồn: Cafef.vn

  • Article
Châu Phi Gặp gỡ Yongo Otieno Wycliffe từ Kenya 🇰🇪

Gặp gỡ Yongo Otieno Wycliffe từ Kenya 🇰🇪.

′′ Tôi yêu thích hoạt động tình nguyện tại các trang trại ở những ngôi làng xung quanh, nhưng tôi chưa bao giờ nghe nói về canh tác bền vững cho đến năm 2014. Trong thời gian đó tôi gặp Michele Peel, người đã tài trợ cho tôi tham gia một khóa học về Nông Nghiệp Bền Vững. Tôi đã hoàn thành khóa học thiết kế Nông Nghiệp Bền Vững tại Viện Nông Nghiệp Vĩnh Cữu ở Kenya và sau đó tôi đã học đại học tại bang Oregon để được cấp chứng nhận về lĩnh vực này.

chauphi.jpeg


Sau khi trở về, tôi bắt đầu canh tác trên một mảnh đất nhỏ và cuối cùng chúng tôi đã huy động được vốn từ cộng đồng để mua 2 mẫu đất nông nghiệp và thành lập mô hình thực hành nông nghiệp bền vững ở Kenya.

Chúng tôi trồng thực phẩm cho cộng đồng với sự giúp đỡ của dân làng và còn dạy trẻ em & thanh thiếu niên tự trồng thực phẩm và tự túc thức ăn với chi phí thấp nhất. Họ học cách trở thành nhà sản xuất hơn là người tiêu dùng. Mối quan tâm của tôi là giúp đỡ những người dân nông thôn thoát khỏi cảnh nghèo cùng cực bằng cách quay trở lại với nền tảng canh tác bền vững để nâng cao sự phát triển vững b và cuộc sống hữu cơ.

Nhiệm vụ của tôi là quan tâm đến trái đất và chăm sóc con người. Trái đất là mẹ và con người là anh chị em (gia đình) của chúng ta. Tôi tận dụng tối đa các nguồn lực. Tôi sử dụng tất cả những gì tôi có và tất cả những người tôi biết để phục vụ cho khóa học. Tôi thích làm việc cùng với dân làng của mình trong mọi khó khăn hàng ngày. Tôi nhìn thấy được sự thật của trái đất và con người chúng ta đang gặp nguy hiểm. Điều này đã thúc đẩy tôi phải cống hiến hết sức cho sứ mệnh của mình. Tương lai của trái đất và con người phụ thuộc vào những lựa chọn mà chúng ta thực hiện ngay bây giờ.


Biên dịch: Thích Làm Vườn
Nguồn: Humans Who Grow Food (www.facebook.com/humanswhogrowfood/posts/832161777130360)

#cauchuyennhavuon #thichlamvuon

  • Article
Cách xử lý rễ cây lộ ra ngoài (cách phủ gốc)

re_cay_lo.jpg
Khi cây già đi, rễ cạn đôi khi phát triển rộng đến độ chúng lồi ra khỏi mặt đất. Rễ cũng có thể bị lộ ra do đất bị xói mòn hoặc do không gian chật chội buộc nó phải trồi lên mặt đất. Nếu cây của bạn bị lộ rễ mà có vấn đề thì hãy thử dùng lớp phủ hoặc trồng lên trên nó một lớp thực vật hoa cỏ đẹp đẽ. Phương cách cuối cùng là hãy cân nhắc loại bỏ hoặc chỉ cắt bỏ đi một phần gốc rễ gây ra trở ngại. Chúng ta ngăn ngừa vấn đề này bằng cách là trồng cây một cách có chiến lược và lựa chọn các giống ít bị rễ lộ ra ngoài

Cách 1: Phủ rễ lộ ra ngoài bằng lớp phủ​

1. Chọn vật liệu phủ hữu cơ.​

Bồi một lớp phủ lên xung quanh rễ cây có thể làm lớp đệm và cách nhiệt tốt cho bộ rễ, nó còn giúp giảm thiểu xói mòn đất nữa. Chúng ta nên chọn vật liệu không thấm hút quá nhiều độ ẩm từ đất xung quanh gốc cây. Một số tùy chọn bao gồm:
- Rơm thông. Vật liệu này không thấm nước và sẽ cho phép độ ẩm dễ dàng tiếp cận với rễ cây.
- Vụn vỏ thông. Nếu bạn chọn vật liệu này, hãy đảm bảo loại bỏ lớp vỏ vụn cũ trước khi phủ lớp mới xuống, nếu không lớp phủ cũ có thể hút quá nhiều độ ẩm từ xung quanh rễ cây.
- Mùn gỗ vụn. Vì vật liệu này khá hút ẩm, nên chúng ta tránh để chúng quá nhiều ở gốc cây, chỉ sử dụng một lớp dày khoảng 1 inch (2,5 cm).

1628986772045.png

2. Bồi thêm một lớp phủ dày không quá 3-4 inch (7,6-10,2 cm).​

Bạn sẽ cần phủ đầy lớp vật liệu để che đi phần rễ lộ ra ngoài, nhưng lưu ý không phủ quá nhiều đến mức làm dập rễ.
Phủ lớp mỏng hơn khi sử dụng các vật liệu dễ thấm hút hơn (chẳng hạn như mùn gỗ vụn) và hãy lưu ý rằng lớp phủ này không quá dày khi bạn làm lớp phủ mới.

1628987137250.png

3. Làm cho diện tích lớp phủ đủ rộng để che phủ phần rễ lộ ra ngoài.​

Diện tích được che phủ có thể phải bằng 2/3 đường kính của tán cây. Đừng lo lắng nếu lớp phủ che đi một phần bãi cỏ xung quanh cây. Để rễ cây cạnh tranh với cỏ sẽ chỉ dẫn đến xói mòn đất thêm.

1628987364582.png

4. Tránh đổ lớp phủ quá cao lên thân cây.​

Nếu bạn chất quá nhiều lớp phủ xung quanh gốc cây, nó có thể làm cho vỏ cây ở phía dưới bị bệnh. Hãy chừa một khoảng nhỏ giữa lớp phủ và gốc cây.

1628987439988.png

Cách 2: Trồng lớp phủ thực vật lên rễ cây​

1. Xới lớp đất dày 1 inch (2,5 cm) xung quanh rễ.​

Sử dụng một cái chĩa để xới thật cẩn thận lớp đất cứng trên bề mặt bộ rễ. Chú ý không làm tổn thương rễ và không sâu quá 1 inch (2,5 cm). Lớp phủ bề mặt này sẽ là một thảm thực vật thực thụ bao phủ toàn bộ rễ cây.

1628987750663.png


2. Rải không quá 2 inch (5 cm) đất sạch lên lớp đất mặt.​

Đổ thêm đất vườn vào lớp đất vừa mới xới, cẩn thận không nên đổ lớp đất mới quá 2 inch (5 cm). Nếu bạn thêm quá nhiều đất mới, rễ cây của bạn sẽ bị chết ngạt và cuối cùng cây cũng sẽ chết.
Mặc dù bạn có thể cần phải bồi thêm đất mới mỗi năm, nhưng không thêm quá 2 inch (5 cm) vào gốc cây mỗi năm.

1628987781792.png

3. Bón lót nhẹ thêm phân hạt đa dụng.​

Bổ sung thêm một số phân bón sẽ giúp cây của bạn khỏe mạnh và ngăn được lớp cây phủ mặt đất hút quá nhiều chất dinh dưỡng quý giá. Theo hướng dẫn sử dụng trên bao bì, rắc một ít phân NPK 15-5-10 hoặc 13-13-13 lên vùng rễ lộ ra ngoài.

1628987999367.png

4. Trồng cây phủ đất ưa bóng râm xung quanh gốc cây.​

Chọn cây khỏe mạnh, không cần nhiều ánh sáng mặt trời hoặc độ ẩm. Nói chung, thời điểm tốt nhất để trồng cây che phủ mặt đất là vào đầu mùa xuân và cuối mùa thu. Một số lựa chọn tốt bao gồm:
- Hoa violet dại
- Ajuga
- Dừa cạn (vinca)
- Hoa nhài châu á
- Cỏ khỉ
- Cây cỏ xạ hương hoặc cây dymondia

1628988103652.png

5. Cân nhắc loại cây phủ nào phù hợp với từng vùng khí hậu.​

Tùy thuộc vào độ bóng râm, lượng tia nắng mặt trời và nên xem xét xem liệu mọi người có thể đi lại trên lớp phủ đấy hay không, bạn có thể sẽ muốn chọn một loại thảm thực vật khác.
Nếu bạn không cần bước lên trên lớp phủ này, thì hãy thử cân nhắc loài sen đá hoa Táo Đỏ vì nó phát triển rất nhanh chóng.

Cách 3: Ngăn ngừa việc rễ cây lồi lên mặt đất​

1. Tránh trồng cây bóng mát quá gần các tòa nhà và lối đi.​

Bề mặt rễ cây chỉ gây trở ngại khi chúng cản trở lối đi bộ, vỉa hè và các kết cấu như móng nhà. Cố gắng trồng cây bóng mát cách vỉa hè và hè phố ít nhất 6 feet (2 mét) và cách móng nhà 15 feet (5 mét).

1628988400273.png

2. Trồng các loài cây ít bị rễ.​

Các vấn đề về rễ lồi thường liên quan đến các cây bóng râm phát triển nhanh, chẳng hạn như cây tần bì Arizona, cây phong bạc, cây dương và cây liễu. Khi chọn cây trồng trong khuôn viên nhà bạn, hãy cân nhắc chọn những loài phát triển chậm hơn. Một số lựa chọn tốt bao gồm:
- Linden
- Colorado xanh vân sam
- Phong đường
- Cây phong Nhật Bản
- Red buckeye

1628988482960.png

3. Thực hiện các biện pháp chống xói mòn đất.​

Rễ cây thường lộ ra ngoài do xói mòn đất. Nếu đất của bạn có vấn đề bị xói mòn nghiêm trọng, bạn có thể phải nhờ một chuyên gia cảnh quan đến để lắp đặt các rào chắn chống xói mòn. Những biện pháp khác bạn có thể thực hiện bao gồm:
- Che phủ các mảng đất trống bằng các vật liệu phủ hoặc thảm thực vật, đặc biệt là trên các sườn dốc.
- Không tưới quá nhiều nước để không làm trôi quá nhiều đất.
- Sử dụng lưới đay hoặc thảm xơ dừa để giữ đất cố định cho đến khi cây che phủ được hình thành.
- Bồi một lớp vật liệu phủ quanh gốc cây mới trồng để chống xói mòn khi cây phát triển.

1628988628050.png

Biên dịch: Thích Làm Vườn
Nguồn: wikiHow (How to Deal with Exposed Tree Roots)

  • Article
Thiết lập trang trại bèo hoa dâu cung cấp thức ăn cho gia súc và làm phân bón

Featured-photo-Azolla-is-an-aquatic-fern-that-can-be-used-as-a-feed-alternative.-759x500-1.jpg
Azolla (Azolla pinnata) còn được gọi là bèo hoa dâu, là một loài thực vật thủy sinh nổi tự do, mọc thành từng đám. Nó được tìm thấy khắp nơi ở Philippines, đặc biệt ở những vùng nước đọng hoặc ao, hồ. Mặc dù chúng trông giống một cây bèo nước, nhưng bèo hoa dâu thực sự chứa nhiều vitamin có lợi cho vật nuôi.

“Bèo hoa dâu là một chi gồm 7 loài bèo sống dưới nước trong họ Salviniaceae. Flaire Mejares Maundo một nhà sáng lập cho biết: Nó chứa nhiều protein, acid amin thiết yếu, vitamin A, vitamin B12 và beta carotene, các chất trung gian thúc đầy tăng trưởng và khoáng chất”. Ông và các đối tác của mình Errol Pearson Fuentes và Julius Jason Marban Tusoy, một doanh nhân và một nhà quản lý lần lượt nhận ra những lợi thế của việc có bèo hoa dâu trong chăn nuôi. Cùng với đó, họ quyết định lập một trang trại bèo hoa dâu cho riêng mình tại Agusan del Sur.

1-Maundo-and-his-partners-set-up-an-azolla-farm-as-a-source-of-feed-for-their-livestock.-744x5...jpg

Maundo và cộng sự thiết lập trang trại bèo hoa dâu để cung cấp thức ăn cho gia súc của họ


Bộ ba đã gặp nhau và thành lập quan hệ đối tác với nhau thông qua các cơ hội kinh doanh khác nhau. Sau đó, họ hợp tác với nhau trong nông nghiệp vì họ có chăn nuôi gà và cá rô phi.

“Chúng tôi quyết định nuôi bèo hoa dâu làm thức ăn cho gà và cá rô phi vì chúng có chi phí sản xuất thấp và dễ sinh sôi. Qua nghiên cứu, chúng tôi biết được bèo hoa dâu còn có thể sử dụng làm phân bón hữu cơ và nhiên liệu sinh học.” Maundo nói.

Xây dựng trang trại bèo hoa dâu

Để làm trang trại nuôi bèo, họ đã làm một cái ao dài 6m, rộng 1,5 m và sâu 15 cm. “Chúng tôi sử dụng vật liệu bản địa như tre và cành cây (làm khung) và sử dụng bạt (làm lớp lót) cho các ao” Maundo nói. Hiện tại, họ đã thiết lập 10 cái ao nuôi bèo trên diện tích 180 mét vuông.

Để bắt đầu nuôi bèo hoa dâu, họ đã mua 3 kg bèo để làm cây mẹ. Sau đó, họ bổ sung phân trâu để bèo phát triển nhanh và khỏe mạnh. “Sau 48 giờ, chúng tôi quan sát thấy bèo hoa dâu nhân lên nhanh chóng. Chúng thôi thu hoạch khoảng 2 kg bèo mỗi ba ngày. Nó cũng không tốn công để trồng trọt”. Maundo nói.

2-Their-azolla-farm-pond-measures-six-meters-long-1.5-meters-wide-and-six-inches-deep..jpg

Ao nuôi bèo hoa dâu có kích thước dài 6m, rộng 1,5m và sâu 15 cm


Trước khi họ thành lập trang trại bèo, Maundo và các thành viên đã bắt đầu nuôi bèo trong các thùng chứa đã qua sử dụng và các ao nuôi cá để trống. Tuy nhiên, họ nhận thấy rằng bèo không sinh sôi nảy nở nhiều như trong trang trại họ thiết lập.

Ngoài trang trại bèo, họ cũng trồng rau trong sân sau và trồng lúa nữa. Vì dự án của họ thành công Maundo, Fuentes và Marban đang có kế hoạch bổ sung thêm nhiều loại thức ăn cho gia súc như chùm ngây, sả, cây cỏ voi, cây cỏ đậu, cỏ chanh cùng những loại khác.

3-According-to-Maundo-growing-azolla-is-fast-and-easy.-744x558-1.jpg

Theo Maundo, bèo hoa dâu phát triển rất nhanh và dễ dàng

Bằng cách này, họ không chỉ tiết kiệm tiền thức ăn cho vật nuôi của mình mà còn thúc đẩy tính bền vững bằng cách sử dụng cây cỏ làm thức ăn thay thế cho gia súc và chúng cũng là thức ăn lành mạnh cho gà và cá rô phi của họ.

Tác giả: Patricia Bianca S. Taculao
Nguồn: https://www.agriculture.com.ph

  • Article
Châu Á Gặp gỡ Youngsang Cho từ Hàn Quốc 🇰🇷

Gặp gỡ Youngsang Cho từ Hàn Quốc 🇰🇷.

′′ Tôi là một nông dân hữu cơ quản lý 1.5 mẫu trang trại hữu cơ JADAM ở Hàn Quốc. Tôi cũng là tác giả của cuốn sách nông nghiệp hữu cơ JADAM. Tôi chủ yếu trồng ớt và cũng cho ra 60 loại ớt. Tôi đã chứng minh rằng hầu như tất cả các cây trồng đều có thể phát triển thành công theo hướng canh tác hữu cơ. Bố tôi, Hankyu Cho, đã tham gia vào phong trào Nông nghiệp Tự nhiên Hàn Quốc (KNF) từ năm 1967. Ông đã cố gắng hết sức để lan tỏa kiến thức của mình trên toàn thế giới. Chúng tôi đã là nông dân hữu cơ trong ba thế hệ.

jadam.jpeg

Chúng ta cần vượt qua khó khăn về công nghệ (kiểm soát dịch hại & bệnh tật) và chi phí đầu vào hữu cơ để đưa nông nghiệp hữu cơ trở nên phổ biến. Do đó, tôi đã cố gắng hết sức để giải quyết hai vấn đề trên trong nhiều thập kỷ và phát triển Nông Nghiệp Hữu Cơ Chi Phí Siêu Thấp. Nông nghiệp hữu cơ chi phí cực thấp là một khái niệm mới về công nghệ canh tác hữu cơ, và tôi đã xuất bản một cuốn sách về nó.

Việc tạo rễ ban đầu là quan trọng nhất khi bạn trồng bất kỳ loại cây nào. Nếu rễ cây ăn sâu và rộng vào đất thì sẽ rất dễ trồng. Vì vậy, cây trồng có thể hấp thụ đủ chất dinh dưỡng và nước, khi đó sẽ cho ra nhiều trái. Điều rất quan trọng là không xới đất vì nó có thể làm cho đất khỏe mạnh hơn để có năng suất cao. Tôi đã phát minh ra một phương pháp rất đơn giản và dễ dàng để nuôi cấy vi sinh vật, Giải pháp vi sinh vật JADAM (JMS). Nó rất hiệu quả để cải thiện chất lượng của đất. Bạn sẽ thấy sự khác biệt lớn nếu sử dụng nó. Bạn cần đất lá vụn gần núi, khoai tây luộc và muối biển. Khoai tây và muối biển là giá thể vi sinh. Chúng tôi sử dụng JMS nhiều lần trước khi trồng để làm cho đất tốt hơn. Đất trở nên mềm, rễ cây mọc sâu và rộng.

Tôi thu hoạch 180 ớt hữu cơ từ một vụ. Sản lượng gấp 3 đến 4 lần so với các trang trại khác. Phương pháp bí mật của tôi là không xới đất mà sử dụng giải pháp vi sinh. Điều đó chứng tỏ rằng không xới đất sẽ cho năng suất cao. Tôi quản lý 1.5 mẫu trang trại hữu cơ JADAM, đã dùng vải cảnh quan gần 20 năm để kiểm soát cỏ dại và nhiệt độ của đất. Nếu nơi của bạn có thể lấy vụn gỗ dễ dàng, thì bạn có thể sử dụng nó thay cho vải cảnh quan.

Kiểm soát dịch hại là một vấn đề rất lớn trong canh tác hữu cơ. Thuốc trừ sâu hữu cơ không chỉ tốn kém mà còn không hiệu quả. Do đó, khó có thể trồng các loại cây dễ bị sâu bệnh phá hoại theo cách hữu cơ. Tôi học chuyên ngành Hóa. Vì vậy, tôi đã thử thách tự làm thuốc trừ sâu tự nhiên. Sau tất cả những nỗ lực trong nhiều thập kỷ, cuối cùng tôi đã phát minh ra thuốc trừ sâu tự nhiên, hiệu quả hơn các loại thuốc trừ sâu tự nhiên khác. Tôi không xin cấp bằng sáng chế cho phát minh của mình, mà đã công khai tất cả các phương pháp trong sách, trên trang web của tôi và cả trên kênh Youtube nữa.

Vào năm 2018, tôi đã hoàn thành thành công Dự án Kiểm soát Sâu đục quả Coffee Berry (CBB) chính thức thông qua bang Hawaii. CBB là một loại côn trùng trên cây cà phê rất khó kiểm soát. Tôi đã thành công trong việc kiểm soát 99.7 % với thuốc trừ sâu tự nhiên JADAM, trong sách của tôi.

Các con tôi tin rằng canh tác hữu cơ ưu việt hơn so với canh tác thông thường. Ngoài ra, họ cũng tự hào về thực tế là công nghệ thuốc trừ sâu tự nhiên và công nghệ nông nghiệp hữu cơ siêu rẻ của tôi đã được công nhận trên toàn thế giới. Tôi rất vui khi được làm nông nghiệp hữu cơ cùng với vợ và các con. Tôi tập trung vào việc trồng trọt từ tháng 5 đến tháng 10, và từ tháng 11 đến tháng 4 chúng tôi đi du lịch để thuyết trình. Ở nước ngoài, vợ con tôi làm thông dịch viên.

Ngày nay, nông dân đang trở thành người tiêu dùng các máy móc nông nghiệp, nguyên liệu nông nghiệp và thuốc trừ sâu. Công nghệ nông nghiệp không tồn tại có lợi cho nông dân, mà tồn tại vì lợi nhuận cho các công ty nông nghiệp. Công nghệ càng ngày càng tốn kém. Nông dân đang nhanh chóng từ bỏ việc canh tác, và một số còn tự tử. Mỹ cũng không ngoại lệ. Đa số nông dân bị phá sản vì họ không thể chi trả nổi các khoảng chi phí nông nghiệp. Tôi nghĩ chúng ta nên thay đổi cách thức công nghệ nông nghiệp đang bị lợi dụng bởi việc theo đuổi lợi nhuận từ các doanh nghiệp nông nghiệp thương mại.

Do đó, JADAM đã hoàn thiện phương pháp canh tác không cần máy kéo, phát triển một phương pháp đơn giản để nuôi cấy vi sinh vật và giới thiệu cách làm phân bón dạng lỏng mà không cần sử dụng đường, mật đường và giấm. Chúng tôi đã thành công trong việc mang đến năng suất cao mà không sử dụng phân bón tổng hợp có hại, và phát minh ra phương pháp tự sản xuất thuốc trừ sâu tự nhiên. Tôi tin rằng nếu nông dân có sáng kiến về công nghệ nông nghiệp, sẽ làm nên nông nghiệp với chi phí siêu thấp, tạo hy vọng cho phương pháp canh tác hữu cơ và phổ biến nó. Công nghệ nông nghiệp mà dựa vào việc mua nguyên liệu đầu vào từ bên ngoài thì chỉ có lợi cho các tập đoàn và phá hủy nông dân.

Tôi đang làm việc trong một trang trại nhỏ và chuẩn bị xuất bản cuốn sách Làm Vườn Hữu Cơ. Tôi viết cuốn sách này để giúp thiết lập một nền văn hóa mới trên khắp thế giới, sống trong 30 năm sau khi nghỉ hưu trong những khu vườn hữu cơ xinh đẹp. Tôi tin rằng nền nông nghiệp nhỏ có thể là một hy vọng mới để giải quyết các vấn đề về lương thực, thất nghiệp và dẫn dắt con người đến với cuộc sống hạnh phúc."


Trang web tiếng Anh JADAM: JADAM Organic Farming
Facebook: www.facebook.com/jadam.korea
Instagram: www.instagram.com/jadamorganic_official/
Youtube: www.youtube.com/.../UCpLIq2dhpu34qkIyyaeEGxw/videos

Biên dịch: Thích Làm Vườn
Nguồn: Humans Who Grow Food (www.facebook.com/humanswhogrowfood/posts/933196010360269)

#cauchuyennhavuon #thichlamvuon

  • Article
Châu Mỹ Gặp Christiana, từ California, Hoa Kỳ 🇺🇸

Gặp Christiana, từ California, Hoa Kỳ 🇺🇸.

′′ Tôi luôn gần gũi với nguồn thực phẩm của mình. Tôi 27 tuổi, đang sống trong một ngôi nhà nhỏ tự làm trong rừng đỏ với bạn tình và chú cún cưng. Là nông dân đi đầu của The Backyard Farm Co., Tôi truyền cảm hứng đến mọi người việc tự trồng thực phẩm tại nhà, và tôi yêu công việc này.

man.jpeg

Tôi đã lớn lên trong một cộng đồng nông dân hữu cơ nhỏ và được học tại nhà với những đứa trẻ nông dân khác. Chúng tôi sẽ chơi búp bê với rau. Khi tôi vào trường công lập năm 13 tuổi, tôi đã ngạc nhiên bởi thức ăn ở đó và bắt đầu nhận ra rằng mình đã may mắn như thế nào khi được lớn lên và ăn những sản vật hữu cơ trực tiếp từ mặt đất. Tôi đã luôn cố gắng để mà chia sẻ niềm vui và cái cảm giác kỳ diệu đơn giản đó đến những người khác.

Sau này tôi trở nên rất quan tâm đến việc tìm hiểu về chính sách nông nghiệp và công bằng thực phẩm, nơi tiếp tục định hình quan điểm của tôi về thực phẩm lành mạnh, bền vững và khiến tôi cảm thấy có rất nhiều việc cần phải làm. Thức ăn là cơ bản. Nó thật sự cần thiết và hữu hình. Thực phẩm ngày càng phát triển giúp tôi vững tin hơn trong cái thế giới mà có vẻ thường coi trọng những thứ phi vật chất.

Tôi sống ở Hoa Kỳ và trồng vườn cho những nhà dân có sân vườn khắp các quận Marin, California, và cả một vài nơi ở San Francisco hay Napa. Còn khu vườn của tôi thì được bao quanh bởi cây rừng, khuôn viên trồng trọt tầm khoảng 200 feet vuông, với những cái luống cao bằng cây do tôi và anh bạn tự làm.

Khi trồng cây cho sân vườn của người khác, tôi khuyến khích họ trồng đủ tất cả những thứ mà họ yêu thích, và nên để dành một không gian nhỏ để trồng thử những thứ mới. Khu vườn của riêng tôi cũng vậy, tôi luôn có đủ cải xoăn và cải cầu vồng để ăn hàng ngày, và tôi luôn thử trồng những hàng nhỏ gồm các loại củ cải, rau xanh mù tạt khác nhau. Thật tuyệt khi được mở rộng danh mục của mình và tìm kiếm những món ăn yêu thích mới để chia sẻ.

Tôi luôn nhắc nhở rằng trong việc trồng thực phẩm thì đất là thực sự quan trọng. Tại The Backyard Farm, chúng tôi cải tạo đất ít nhất hai lần một năm, ngay trước khi trồng vụ xuân và thu. Thông thường, chúng tôi sẽ bổ sung thêm phân chuồng, hỗn hợp đất có than sinh học, xơ dừa, và bụi đá khoáng. Nhưng nếu chúng tôi đang xử lý một khu vườn mới hoặc nhận thấy bất kỳ vấn đề nào, chúng tôi sẽ kiểm tra đất để biết chính xác những gì nó cần. Phòng ngừa là chiến lược quản lý dịch hại tốt nhất của chúng tôi, nhưng chúng tôi cũng sử dụng xà phòng diệt côn trùng hoặc dầu neem cho hầu hết các vấn đề phát sinh.

Tôi hỗ trợ ngân hàng hạt giống địa phương bất cứ khi nào chúng tôi có thể, vì việc trồng cây thích nghi với khu vực này là điều thông minh! Mỗi mùa, đội ngũ nông dân chúng tôi tập họp các bộ sưu tập hạt giống, lấp đầy nhà kính bằng khay hạt, và đó luôn là khoảng thời gian tuyệt vời.

Một trong những trở ngại lớn nhất mà tôi phải đối mặt là làm thế nào để việc trồng thực phẩm của riêng bạn trở nên khả thi, dễ dàng và thú vị cho nhiều người hơn. Việc tiếp cận đất đai hoặc không gian ngoài trời có thể khó khăn và khi bắt đầu có thể tốn kém chi phí. Chưa kể tốn thời gian nữa. Tôi luôn được truyền cảm hứng từ những người đã làm cho nó thành hiện thực bất chấp những thử thách này, và tôi tin rằng niềm vui mà nó mang đến không những cho họ mà còn lan tỏa ra ngoài cộng đồng của họ nữa.

Phần thưởng lớn nhất mà tôi nhận được từ việc làm vườn là được nhìn thấy người khác trải nghiệm sự kỳ diệu khi lần đầu tiên gieo hạt hoặc nếm một quả dâu tây tươi mọng được sưởi ấm từ mặt trời. Hay khi họ nhấm nháp quả cà chua anh đào lúc đi dạo quanh vườn, hoặc cách mà họ chia sẻ những sản phẩm tươi ngon của mình với bạn bè, hàng xóm. Đó là điều tuyệt vời nhất!

Ngay bây giờ, tôi đang làm việc rất chăm để tạo ra tài liệu giáo dục mà chúng tôi có thể hỗ trợ người làm vườn trên toàn quốc (và thậm chí là cả quốc tế nữa) để trồng thực phẩm tại nhà. Đó thực sự là mục tiêu mà chúng tôi hướng tới, là chia sẻ kiến thức trồng trọt và giúp mọi người trở thành người trồng đầy tự tin.

Chúng tôi đã bắt đầu dịch vụ Phone-A-Farmer nơi mọi người có thể hỏi tất cả những thắc mắc về làm vườn. Mùa xuân này chúng tôi sẽ khai giảng khóa học trực tuyến bốn tuần bao gồm mọi thứ từ việc tạo ra một khu vườn đến lập kế hoạch cây trồng và trồng trọt. Tôi vô cùng hào hứng về điều này!

Những người làm vườn hỗ trợ những người làm vườn làm cho cả thế giới xanh hơn. Tôi thích sự mạnh mẽ và sôi động của các cộng đồng làm vườn và nông nghiệp trên phương tiện truyền thông xã hội, nó kết nối những người trồng thực phẩm từ khắp nơi trên thế giới. Chia sẻ kiến thức, câu hỏi và hiểu biết của chúng ta sẽ giúp mọi người thành công. Trồng thực phẩm là một trải nghiệm phi thường cho dù bạn có làm kiểu gì đi nữa, và việc mà chia sẻ thực phẩm thậm chí còn trọn vẹn, tốt đẹp hơn."


thebackyardfarmcompany.com/
www.instagram.com/thebackyardfarmco/
Facebook The Backyard Farm Company

Biên dịch: Thích Làm Vườn
Nguồn: Humans Who Grow Food (www.facebook.com/humanswhogrowfood/posts/1514428938903637)

#cauchuyennhavuon #thichlamvuon

  • Article
Vườn rừng Duy trì một khu vườn với hơn 500 loại cây khác nhau chỉ mất vài giờ trong tháng

forest-garden-.jpeg

Mẹ tự nhiên đã chăm sóc và nuôi dưỡng thực vật trong hơn 460 triệu năm và cây cối trong hơn 370 triệu năm. Các hồ sơ hóa thạch chỉ ra rằng, loài người xuất hiện ở Châu Phi vào 195.000 năm trước đây và họ đã phát triển mạnh mẽ nhờ vào sự hỗ trợ của tự nhiên. Đến đầu những năm 1990, một kỷ nguyên mới của việc trồng cây lương thực, độc canh và thâm canh được bắt đầu. Thay vì luân canh cây trồng để phục hồi chất dinh dưỡng cho đất, thì con người sử dụng hóa chất và phân bón như một giải pháp. Điều đó đã phá vỡ quy luật của tự nhiên.

Để có một khu vườn rừng, bạn sẽ mất rất nhiều thời gian, công sức và tiền bạc nhưng sau cùng, nó sẽ có thể tự vận hành trong nhiều năm mà bạn không mất công chăm sóc và vẫn mang lại thu hoạch cho bạn.

Crawford nói rằng, trong một môi trường có hệ sinh thái đa dạng, sự thay đổi thời tiết sẽ không ảnh hưởng đến cây trồng và chúng sẽ vẫn ổn. Dĩ nhiên sẽ có ngoại lệ, nhưng hầu hết các phương pháp vườn rừng sẽ mang đến khả năng hồi phục cho hệ thống.

Với một hệ sinh thái đa dạng, bất kỳ điều kiện thời tiết nào xảy ra, hầu hết các loại cây trồng có thể sống tốt. Vài cây có thể chết nhưng cũng có vài cây sẽ sống tốt hơn. Điều đó rất quan trọng vì chúng ta không thể biết chính xác những gì sẽ xảy ra trong tương lai. Vì vậy, chỉ có cách làm một hệ sinh thái đa dạng, nó sẽ có khả năng hồi phục cao nhất.

Năm 1994, Crawford bắt đầu làm vườn rừng của mình trên một cánh đồng bằng phẳng, và ngày nay nó đã biến thành một khu vườn tuyệt đẹp và đa dạng với hơn 500 loài thực vật. Anh ấy khẳng định rằng mình không cần nỗ lực để duy trì nó, mỗi tháng chỉ cần tốn vài giờ để chăm sóc là bạn sẽ có một khu vườn như ý. Anh ấy cũng cho biết vườn rừng sẽ phát triển tốt hơn là vườn canh tác thông thường.

Login to view embedded media "The Agroforestry Research Trust" - Crawford là người sáng lập trung tâm này​

Thật may mắn là chúng ta có khá nhiều người tiên phong như Crawford và nhiều cá nhân nhiệt huyết khác đã thực hiện các khảo sát, nghiên cứu và họ chia sẻ kết quả của họ với chúng ta để giúp chúng ta tạo ra khu vườn cho chính mình.

Vườn rừng cung cấp thực phẩm có thể có nhiều loài khác nhau, Và Crawford khuyên chúng ta nên bắt đầu với vườn rừng, bắt đầu bằng cách trồng một vài cây và sau đó chúng ta sẽ biết mình cần phải làm gì.

Nguồn: https://www.ibelieveinmothernature.com/

  • Article
Việt Nam Gặp gỡ Du và Mi từ đồng bằng sông Cửu Long, Việt Nam 🇻🇳

Gặp gỡ Du và Mi từ đồng bằng sông Cửu Long, Việt Nam 🇻🇳.

′′ Năm 2018, lần đầu tiên chúng tôi gặp nhau ở Israel. Cả hai đều đã nghỉ việc ở các vị trí kỹ thuật tại Việt Nam và đến Israel để tìm hiểu về nông nghiệp hiện đại. Bọn mình đã chia sẻ một ước mơ chung là làm nông dân và cùng muốn làm một trang trại với hệ thống nông nghiệp bền vững, trở thành tấm gương cho những người xung quanh.

capdoi.jpeg

Sau một năm ở Israel, chúng tôi đã trở lại Việt Nam vào cuối năm 2019. Sau đó, hai đứa đi thăm một số nông trại hữu cơ, gặp gỡ các nông dân, tìm hiểu về thực tiễn của họ, và quyết định rằng cách tốt nhất sẽ là bắt đầu một trang trại, quan sát đất và hiểu rõ hơn khi thực hành nó. Vào tháng Một năm 2020, tụi mình đã bắt đầu trang trại riêng và đặt tên là Meron Farm - Trang trại dược liệu - Nông nghiệp vì sức khỏe.

Không gian phát triển của bọn mình vào khoảng 6000 mét vuông. Tụi mình trồng cây thuốc, và hiện tại có hơn 20 loại như: hoa dâm bụt, đậu bướm, gừng, nhiều loại bạc hà, hương thảo, cỏ xạ hương, sâm, nghệ. Hai đứa còn trồng rau theo mùa cho bữa ăn của mình nữa.

Chúng tôi thu hoạch từ cây thuốc và tự làm sản phẩm để bán. Hai đứa sẽ tiếp tục tìm hiểu và nghiên cứu thêm nhiều sản phẩm để phát triển trên trang trại của mình. Tụi mình dự định mở rộng mạng lưới này và giới thiệu nó đến những nông dân khác, cũng như những nông dân có nguyện vọng trong tỉnh để họ cũng có thể thực hành nông nghiệp bền vững."


Facebook: Meron Farm-Nông trại dược liệu
Youtube: www.youtube.com/channel/UChROwgSq5tEfac6JpeXmvUQ/
Instagram: www.instagram.com/meronfarm.medicinalfarm
Facebook.com/humanswhogrowfood giới thiệu những câu chuyện về vườn nhà, nông dân và khu vườn cộng đồng xuyên biên giới và văn hóa.

Nguồn: Humans Who Grow Food (www.facebook.com/humanswhogrowfood/posts/1297175523962314)

#cauchuyennhavuon #thichlamvuon

  • Article
Vườn rừng Thiết Kế Hệ Thống Tưới Tiêu Trong Canh Tác Vườn Rừng

nguon-nuoc-trong-he-thong-tuoi-tieu.jpeg
Trong thiết kế nông trại canh tác theo phương pháp nông nghiệp bền vững vườn rừng, hệ thống tưới tiêu được tập trung và chú trọng rất lớn, bởi đây là yếu tố sống còn của tất cả cây cối trong farm.

Khác hoàn toàn với hệ thống dẫn nước thông thường, người ta chỉ dẫn nước từ nguồn đến nơi cần tưới có nhiều điều bất lợi và không tận dụng triệt để được nguồn nước tưới tiêu cũng như sự phát triển của cây trồng.

Vai Trò Và Ý Nghĩa Của Hệ Thống Tưới Tiêu​

Tất nhiên, đầu tiên đúng như tên gọi của nó, vai trò hệ thống tưới tiêu quan trọng đầu tiên là để tưới nước vào mùa khô cạn và tiêu nước giảm tối đa ngập úng cho cây cối vào mùa mưa lũ

  • Xử lý cũng như nâng cao chất lượng nước phục vụ cho việc tưới tiêu cây trồng trong farm vào mùa hè khô cạn.
  • Giảm thiểu tối đa việc ngập úng và thất thoát hữu cơ trong mùa mưa bão ngập lụt
  • Tạo ra hệ sinh thái tuần hoàn xung quanh hệ thống nước
  • Lọc nước giúp loại bỏ các chất độc hại, tồn dư có trong nước thông qua hệ thống mương dẫn và ao trữ nước.
  • Tăng khả năng phát triển bộ rễ của cây trồng trên các luống chính.
  • Tạo môi trường thuận lợi cho các vi sinh vật phát triển.
  • Bổ sung lượng mùn, hữu cơ vào trong nước.

Thiết Kế Hệ Thống Tưới Nước Tiêu Nước :​

Tùy vào diện tích, địa lý, thời tiết thổ nhưỡng cũng như chủ đích của mỗi chủ farm sẽ có hệ thống tưới tiêu nước như thế nào.

Có những địa hình đất và như thời tiết cũng không có hệ thống này hoặc thiết kế rất khác biệt.

Tại Rơm Vàng Farm, với thời tiết của Quảng Nam, khí hậu có 2 mùa rất nắng hạn và mùa mưa lớn kèm lũ, cũng như vị trí farm có khả năng bị ngập, bị ứ đọng nước rất cao cho nên chúng tôi thiết kế hệ thống tưới và tiêu nước gồm 4 phần: Nguồn nước, bẫy nước dinh dưỡng swale, hệ thống mương lớn trữ nước và ao.

Nguồn nước​

Tùy theo địa hình địa lí khu vực canh tác mà chúng ta có những nguồn nước khác nhau để phục vụ cho hệ thống tưới tiêu. Nhìn hung, nguồn nước phục vụ cho nông trại nên bao gồm hai loại: Chủ động và bị động.

  • Nguồn nước chủ động: là các nguồn nước mình có thể kiểm soát được như bơm nước từ giếng, kênh rạch, sông suối tự nhiên bao quanh farm.
  • Nguồn nước bị động: là các nguồn nước tự nhiên như mưa, lũ lụt mà mình không kiểm soát được.

Bẫy nước dinh dưỡng ( Swale )​

Bẫy nước dinh dưỡng là hệ thống các đường mương chạy dọc các luống cây chính có chức năng hơn cả việc dẫn nước, với độ sâu và bề rộng tùy theo diện tích cũng như việc bố trí cây trồng của mỗi người mà sẽ có kích thước hợp lý.

Tại Rơm vàng farm với diện tích rộng 3.5ha và bề rộng mỗi luống cây từ 5-10m thì kích thước mương dẫn là sâu 0.5 m và rộng 0.5m. Bẫy nước được đào sâu nên lượng nước sẽ ngấm sâu hơn, sẽ kích thích phát triển bộ rễ của các cây ăn quả dọc luống chín ăn sâu hơn, không giống như việc tưới cây trên bề mặt ở hệ thống tưới tiêu thông thường. Từ đó cũng giúp duy trì được mạch nước ngầm trong đất được ổn định.

Điều đặc biệt, tại Rơm Vàng chúng tôi lựa chọn trồng thêm cỏ voi dọc bẫy nước nhằm giúp cho tốc độ của dòng chạy được êm ả hơn, tránh được việc sạt lở, xói mòi cũng như rửa trôi lượng mùn ở mương dẫn.

Tác dụng của việc trồng cỏ voi dọc mương​

Theo quan sát của chúng tôi, việc trồng cỏ voi dọc mương giúp cũng giảm lượng nước bốc hơi, nghĩa là giúp giữ nước duy trì trong hệ thống nước lâu hơn .Với bộ rễ phát triển nhanh , mạnh giúp cho tầng đất xung quanh mương nước được thông thoáng, giúp cho các hoạt động vi sinh vật trong đất phát triển, đặc biệt là trong điều kiện ẩm ướt. Khi các tán cây chính phủ rộng thì cỏ voi vẫn thích nghi được dưới điều kiện bóng râm, khác với các loại cỏ như vetiver hay cỏ tranh cần nhiều ánh sáng.

Cỏ voi có thể đạt chiều cao từ 2-3m nên vào mùa mưa bão, đặc biệt là khu miền Trung thì sẽ rất tốt cho việc cắt gió, giảm thiểu sự đổ ngã cây trồng trong farm khi có mưa bão lớn.
Nhiều bạn hỏi cỏ voi sẽ ăn dinh dưỡng của các cây xung quanh thì có ảnh hưởng gì không? Tất nhiên là có, tuy nhiên với việc là cây sinh khối tiên phong nên việc cắt tỉa liên tục theo phương pháp vườn rừng sẽ trả lại lượng hữu cơ đáng kể cho đất nên là sẽ tăng thêm độ tơi xốp trong đất lên rất nhiều.

Cỏ voi cũng là nguồn thức ăn tốt cho hoạt động chăn nuôi như trâu bò, cá, gà vịt.
Cuối bẫy nước dinh dưỡng, nước sẽ được dẫn ra một hệ thống mương lớn bao quanh hàng rào sinh thái và sau đó thông với ao cá.

Tại đây, một lần nữa bạn sẽ thấy tính ưu việt rất lớn của phương pháp canh tác nông nghiệp bền vững vườn rừng vô cùng lợi hại khi so sánh với các phương pháp canh tác khác. Hệ thống tưới tiêu bình thường dẫn nước bằng ống nhựa PVC hay các con đường bằng bê tông gạch đá. Vừa tốn kém chi phí đầu tư ban đầu cao lại vừa ô nhiễm môi trường và sau này còn tốn cả công sức và chi phí bảo trì bảo dưỡng thay thế.

co-voi-trong-he-thong-tuoi-tieu.jpeg

Cỏ voi được trồng trên swale bẫy nước dinh dưỡng​

Hệ thống mương lớn.​

Như đã đề cập ở hệ thống hàng rào sinh thái, bạn có thể tìm hiểu về hàng rào sinh thái tại bài viết này. Mương lớn có thiết kế dọc theo bờ rào sinh thái, bao bọc hết cả farm.

Mương lớn là nơi kết nối, gom tất cả mọi nguồn nước từ farm đổ về, tạo nên một hồ nước mini thu nhỏ, là nơi trữ nước điều hòa cho khu vực canh tác ruộng lúa hữu cơ, chạy dọc và bao trọn ruộng lúa hữu cơ.

muong-lon-trong-he-thong-tuoi-tieu-.jpeg

Mương lớn là nơi gom mọi nguồn nước tại Rơm vàng Farm​

Tùy vào diện tích farm mà mương lớn có thiết kế sao cho hợp lý. Tuy nhiên mương lớn cần đảm bảo đủ lớn để có thể điều tiết được lượng nước cho ruộng lúa luôn ngập nước.

Ngoài những yếu tố sinh thái đáng yêu của mương lớn được đề cập trong bờ rào sinh thái. Chúng tôi bổ sung thêm 1 số chi tiết đối với thiết kế mương lớn trong vai trò tưới tiêu.

An toàn nghĩa là chưa an toàn. An toàn nghĩa là gấp đôi an toàn. Đối với hệ thống hàng rào sinh thái , mương lớn cách ly hóa chất thì mương lớn trong hệ thống tưới tiêu có vai trò lọc nước.

Chúng tôi lọc nước cho mương lớn bằng 1 hệ thủy sinh bao gồm các loại cây như bèo tây, hoa sen, hoa súng và nhiều loại cây khác.

trong-beo-tay-thuy-sinh-trong-he-thong-tuoi-tieu-nuoc-tai-vuong-rung.jpeg

Lọc nước cho mương lớn bằng 1 hệ thủy sinh
Bèo tây ở đây được chúng tôi nhấn mạnh bởi khả năng hút vad tích lũy các loại kiêm loại nặng trong nước, ngoài ra bèo tây có khả năng phân giải, khử rất nhiều chất độc hại nếu có trong nước như phenol, xuanua.

Bèo tây, hoa sen , hoa súng nở cũng rất đẹp. Hoa sen thơm ngát, giúp cho việc đồng áng trở nên lãng mạn, nên thơ, giảm mệt nhọc.

Ao​

Chúng tôi thường hay nói vui với nhau “giữ nước là nhiệm vụ của nông dân”

Ho-ca-cua-he-thong-tuoi-tieu.jpeg

Ao cá (hồ cá) tại Rơm Vàng Farm​
Ao là nơi cuối cùng nước được dẫn tới. Tùy vào diện tích của farm mà ao có diện tích bao nhiêu. Tỉ lệ tham khảo của ao đối với farm là

Trong ao chúng tôi có nuôi nhiều loại cá. Ao được kết nối với hệ thống mương lớn bằng một cống nhỏ, đảm bảo nước bên ngoài và bên trong được thông nhau nhưng cá trong hồ không bơi ra ngoài được, Ao là nguồn nước dự trữ cho việc tưới tiêu vào mùa khô hạn nhất. nước Ao có chứa phân cá và thủ sinh, vi sinh vật nên rất tốt cho rau, hoa màu. Đây là nguồn nước chính cho việc tưới tiêu vì đảm bảo được nhiều yếu tố, nước sạch và giàu dinh dưỡng.

Kết luận :​

Hệ thống tưới tiêu là một vòng tuần hoàn khép kín, nói nôm na là một mô hình Aquaponics theo quy mô lớn. Nước được xử lý bằng hệ thống mương dẫn và hệ thống thủy sinh ở mương lớn và hồ cá, sau đó quay trở lại tưới tiêu cho cây trồng.

Sau 1 năm hệ cây trồng trên farm phát triển tốt hơn rất nhiều vào mùa hè, cũng như không bị chết do ngập úng nước lụt vào mùa mưa. Đồng thời bảng kiểm định chất lượng nước và chất lượng đất ở Rơm Vàng Farm thì mọi thông số hóa chất là gần như không có, các chỉ số về đất sạch đúng như mong đợi.

Điều này chứng tỏ hệ thống nước đã hoạt động cực kì hiệu quả hơn nhiều so với các hệ thống tưới tiêu bình thường khác.

Hi vọng với bài viết nhỏ này chúng tôi có thể cho các bạn 1 cái nhìn tổng quan về hệ thống tưới tiêu nước trong thiết kế vườn rừng nông nghiệp bền vững.

Nguồn: noom

`Lời hứa với lúa – về quê đi

loihuavoilua.jpeg

Nhiều người hỏi sao đang làm trà thảo dược, sao lại làm thêm gạo nữa? 2 từ “Quê Hương” với tôi nó nặng tình nặng nghĩa lắm. Nơi tôi sinh ra, vùng đất chiêm trũng, Người dân không còn mặn mà với đồng ruộng, thanh niên ở quê, người thì làm làng nghề, người thì đi buôn.

Chắc còn các bà, các cô là còn đi cấy, hoặc thuê làm ruộng để lấy gạo ăn mà thôi. Ngôi làng nhỏ mà tôi được sinh ra thì đám thanh niên thế hệ của tôi và trước đó chỉ đếm trên đầu ngón tay là những người được đi học, các chị của tôi người học cao nhất cũng chỉ được học tới lớp 5 là cùng.

Từ ngày đưa mô hình trồng dược liệu xen canh với cây rau ngắn ngày về, vượt qua bao khó khăn,có những lúc là bất lực nuốt nước mắt vào trong khi ông trời lấy đi tất cả chỉ trong một đêm ngập lụt, hay những ngày thanh toán tiền lương đối mặt với những con số !Cuối cùng tôi cũng tìm ra chìa khóa để vượt qua giai đoạn đó , đó là hoàn thiện quy trình canh tác thuận tự nhiên, biến toàn bộ những thiên địch thành tài nguyên để canh tác. Từ ốc bươu vàng, bèo tây, thân chuối, cỏ, … giờ đây nó là bạn , là tài nguyên vô cùng lớn của tôi.

Với chất đất và đặc thù riêng ở quê hương, tôi lựa chọn cây lúa để thí điểm và ứng dụng quy trình canh tác đã được học và áp dụng từ farm Tâm an và thế là tôi thực hiện lời hứa với cây lúa khánh hà. Tôi lấy tên GẠO KHÁNH HÀ – GẠO MINH BẠCH chứ không phải là gạo TÂM AN.

Lời hứa đầu tiên​

Đó là lời hứa không bao giờ dùng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc diệt ốc, thuốc diệt cỏ . Mà thay vào đó tôi sử dụng nguồn đạm tự nhiên từ cá, trứng, ốc bươu vàng, tôi dùng ka li từ cây chuối, dứa. Tôi làm chế phẩm giấm, rượu để phun phòng sâu bệnh. Tôi huy động người đi bắt ốc, vãi vôi, dậm lại mạ thay vì việc bỏ thuốc ốc. Tôi duy trì kiểm soát nước, và thả vịt để khống chế cỏ.. và tôi đã thực hiện được lời hứa đầu tiên.

Lời hứa thứ 2: Lời hứa với gạo​

Tôi dự định làm 3 sản phẩm từ gạo.

  • Giống CXT30 có hàm lượng amiloza tương đối cao,( rất tốt cho người bị tiểu đường ) nên tôi sẽ không làm gạo thông thường, tôi dự định làm sản phẩm GẠO NẢY MẦM SẤY LẠNH.( chỉ xay vỏ trấu chứ không sát ) Mục đích là để chuyển hóa tinh bột thành chất xơ, và khi sấy lạnh hạt gạo sẽ ” sống” và mang theo giá trị dinh dưỡng tuyệt vời. Rồi theo đó sẽ có GẠO NẢY MẦM SẤY LẠNH dùng để ăn thông thường, sẽ có GẠO NẢY MẦM SẤY LẠNH để nấu cháo, làm sữa gạo nè, rồi sẽ thêm cả TRÀ GẠO LỨT NẢY MẦM SẤY LẠNH , Hay thậm chí là RƯỢU GẠO NẢY MẦM, CÁC LOẠI BÁNH, NGŨ CỐC TỪ GẠO NẢY MẦM cũng là một ý không tồi .
  • Loại gạo thứ 2 tôi làm đó là gạo bao tử. Loại gạo này sẽ thu sớm hơn một chút, không non quá, và không già quá. Sau đó phải sấy khô rồi đem đi để xay lớp trấu. Loại gạo này sẽ mềm, thơm mùi gạo non, và rất tốt để có thể nấu cháo dinh dưỡng hay những bữa cơm thiện lành hàng ngày.
  • Sản phẩm thứ 3 từ gạo đó là cây bông lúa sấy khô. Tôi nghe thầy tôi nói cái này họ bán mắc lắm, và họ dùng để cắm lọ, trang trí ở những nơi cực sang trọng luôn ! Và thật là một ý tưởng táo bạo để tăng giá trị của cây lúa lên


Lời hứa thứ 3: Lời hứa với đòng​

Những đứa trẻ như con tôi nó sẽ mãi phải được biết về cái tuổi thơ dữ dội của bố mẹ chúng , đó là những ngày đi học về và xuống ruộng bẻ trộm đòng ăn. Có thể bây giờ đời sống khá hơn, bọn trẻ có nhiều đồ ăn ngon, hay do ruộng canh tác giờ nhiều hóa chất mà dần dần đám trẻ chẳng còn biết tới cái mùi vị ngọt thanh của ĐÒNG ĐÒNG. và lời hứa thứ 3 tôi hứa với LÚA KHÁNH HÀ đó là những tấm vé quay lại tuổi thơ, là những chuyến trải nghiệm về ruộng Khánh Hà để bóc đòng đòng, nghe câu truyện của cây Lúa Khánh hà kể về sự lớn lên của chúng.

Lời hứa thứ 4: Lời hứa với rơm​

Tôi sẽ không đốt rơm. Rơm sẽ quay về những trang trại trồng nấm minh bạch để làm nhiệm vụ tạo ra những cây nấm an toàn và minh bạch nhất,Rồi cuối đời rơm lại về với đất mẹ, hòa với đất mẹ để tạo dinh dưỡng cho cây, đó chính là bã nấm ! Rơm tươi, sẽ giành lại một chút để dậy cho các bạn nhỏ làm những cái chổi, làm những quả núi mà tuổi thơ chúng tôi đã trải qua.

Lời hứa thứ 5: Lời hứa với cám gạo​

Cám gạo sẽ được nâng niu, hòa trộn với bột chùm ngây để làm những hú đắp mặt an toàn nhất. Cám gạo còn giữ lại để tiếp tục nhân cấy vi sinh để chuẩn bị vi sinh và xuống giống đợt mới !

Những lời hứa với lúa – Htx Tâm an và htx Khánh Hà sẽ cùng nhau thực hiện chúng với một sự quyết tâm lớn hơn bao giờ hết ! …

Và lời hứa cuối cùng​

Đó là sẽ chia sẻ toàn bộ tình yêu cây lúa ấy với những ai có chung tình yêu với đất, với mẹ thiên nhiên, với khát vọng trên vùng quê chiêm trũng Khánh Hà ! Khánh Hà – yêu lắm, thương lắm!

Các bạn trẻ ơi, về quê đi, về quê và mang hương Quê đi khắp nơi nhé! có quá nhiều ý tưởng , có quá nhiều khát vọng và quá nhiều bản sắc , về quê thôi.

Bữa rồi, mềnh còn nhận được một lời đề nghị hợp tác làm ” MẬT ONG HOA LÚA trên chính mảnh đất Khánh Hà đấy ạ, hy vọng sẽ sớm có mật ong hoa lúa, sẽ có VỊT LÚA khánh hà và những câu truyện về lúa nhiều hơn thế
Tới đây mình sẽ tổ chức tour GẶT TAY và kèm với trải nghiệm một số trò chơi dân gian từ rơm, và làm hướng dẫn làm một số sp từ thóc, từ gạo nhé
Mọi người đăng ký sớm nè. Dự kiến đầu tháng 6 sẽ gặt ạ.

Tác giả: Nguyễn Thị Thu
08/05/2019

  • Article
Hữu cơ Chỉ với một bước có thể biến 5 loại vỏ trái cây thành phân bón tuyệt vời

bia.jpg

Bạn vẫn đang vứt bỏ phân hữu cơ giàu kali, canxi và phốt pho mỗi ngày và đây là cách bạn có thể dễ dàng sử dụng chúng.

Đất là một thực thể hữu cơ, nó luôn thay đổi và thích nghi với môi trường xung quanh. Mặc dù vi sinh vật và côn trùng luôn giúp nâng cao dinh dưỡng trong đất, nhưng đôi khi, nó vẫn bị thiếu hụt và không thể cung cấp đủ các chất dinh dưỡng mà cây cần. Trong trường hợp đó, việc bổ sung phân hữu cơ trở nên cần thiết để đảm bảo cây phát triển khỏe mạnh. Tuy nhiên, có thể bạn không có thời gian để ủ phân hữu cơ. Nhưng có một cách thức dễ dàng hơn – bạn chỉ cần gọt vỏ trái cây và rau củ!

Những thứ hoàn toàn tự nhiên này luôn sẵn có và việc tạo ra một loại phân bón từ chúng hầu như không mất nhiều thời gian. Nếu được sử dụng liên tục, hàm lượng phốt phát, kali và canxi trong đất của bạn sẽ tăng lên rõ rệt, điều này sẽ giúp những cây yêu quý của bạn nở hoa rực rỡ hơn.

1. Phân bón tự nhiên từ vỏ chuối.
  • Vỏ chuối chứa khoảng 42% kali và cũng rất giàu canxi và mangan. Chỉ cần bỏ những cái vỏ này trong môi trường ẩm ướt, chúng có thể trở thành phân bón tuyệt vời cho các loại cây ăn quả như cà chua, ớt.
  • Lấy vỏ của một quả chuối và cắt nhỏ nó ra. Cho nó vào máy xay trộn với một lít nước (luôn duy trì tỷ lệ 1 vỏ: 1 lít nước). Xay cho đến khi được một hỗn hợp sền sệt đồng nhất. Trong những tháng nóng, hãy pha loãng dung dịch này thêm với 500 ml đến 1 lít nước và tưới cây. Trong những tháng lạnh hơn, bạn có thể bỏ qua bước thứ hai là pha loãng phân bón.


2. Vỏ hành tây sẽ làm khu vườn bạn phát triển mạnh mẽ.

1628583243444.png
  • Vỏ hành tây mỏng manh mà chúng ta vứt bỏ mà không cần suy nghĩ, chứa đầy quercetin – một sắc tổ thực vật giúp tái sinh rễ. Vì vậy, lần sau khi bạn nấu ăn với hành tây, hãy đảm bảo rằng bạn giữ được nguyên vỏ của nó.
  • Dưới đây là cách tạo phân bón từ chúng: Lấy một nắm vỏ hành tây (khoảng 3-4 củ hành tây to, 5-6 củ hành tây cỡ vừa) ngâm trong nước 1 lít trong 24 giờ. Sử dụng nước đã ngâm cho vườn của bạn vào ngày hôm sau. Nếu bạn bón phân cho cây thường xuyên, thì bạn chỉ làm điều này một lần trong 15 ngày. Bạn có thể thấy kết quả sau vài tháng.
  • Để quá trình này diễn ra nhanh hơn, bạn có thể đung sôi vỏ hành với tỷ lệ loãng hơn trong vài giờ. Trộn hỗn hợp này với nước ở nhiệt độ phòng rồi tưới cho cây của bạn. Tuy nhiên, phương pháp ngâm được khuyến khích hơn đun sôi.
3. Phân bón từ vỏ lựu

1628583311219.png
  • Bạn có nghĩ rằng hạt lựu là phần duy nhất hữu dụng. Hãy nghĩ lại nhé!
  • Vỏ của nó có chứa đến kali (1,6%), Magie (0,2%), Canxi (0,1%) cũng như sắt, đồng, kẽm và phốt pho để bón cho cây.
  • Khi bạn tách hạt ra khỏi vỏ lựu, hãy cắt vỏ thành những miếng nhỏ. Cho chúng vào máy xay và thêm một cốc nước. Xay thành hỗn hợp đặc sệt. Pha loãng một phần hỗn hợp này với năm phần nước cho cây của bạn. Đây chính là phân hữu cơ rồi đấy!
4. Cung cấp nitơ cho cây bằng vỏ cam
  • Vỏ cam rất giàu nitơ – một thành phần thiết yếu để trồng rau xanh. Nếu bạn ăn cam thường xuyên, bạn có thể không ủ được hết vỏ (tính chất acid của trái cây họ cam quýt làm cho nó khó phân hủy và ảnh hưởng đến nồng độ pH của phân trộn). Vậy, bạn sẽ làm gì với chúng?
  • Có một cách là làm men sinh học bằng cách ngâm vỏ cam bằng đường thốt nốt trong nước khoảng 2-3 tháng. Nhưng bạn cũng có thể chọn một phương pháp nhanh hơn nhiều. Xay vỏ cam với một ít nước – vừa đủ để tạo thành hỗn hợp sền sệt. Bạn có thể thêm loại phân bón này vào vườn của bạn hoặc pha loãng nó và sử dụng dung dịch để tưới cây của bạn.
  • Nếu bạn định dùng hỗn hợp đặc, hãy đảm bảo rằng bạn không lạm dụng nó (các loại cây khác nhau yêu cầu mức nitơ khác nhau. Ví dụ: cà chua phát triển tốt mà không cần nhiều nitơ). Phết hỗn hợp vỏ cam lên vành chậu cách thân/cành ít nhất 5 cm. Dung dịch này sẽ bổ sung nitơ cho đất chứ không phải cho cây.
5. Làm phân từ vỏ xoài

1628583360404.png
  • Xoài rất giàu vitamin A, B6, C cũng như chất xơ, đồng, folate… Và mặc dù chúng ta thường vứt bỏ vỏ xoài thì chúng cũng chứa rất nhiều vitamin C, E, polyphenol, carotenoid và chất xơ thực vật. Hãy sử dụng chúng như một loại phân hữu cơ cho vườn cây của bạn. Cắt vỏ xoài thành từng miếng nhỏ và cho vào hộp kín. Thêm một chút nước. Đậy chặt nắp và để yên trong 24h. Ngày hôm sau, hãy mở nắp hộp và khuấy lên để cung cấp thêm không khí cho nó. Đậy nắp lại và đợi thêm 24h. Vào ngày thứ 3, lọc chất lỏng và pha loãng với 200 ml nước. Tưới hỗn hợp nước này cho cây của bạn 2 lần mỗi tuần để có kết quả tốt nhất nhé.
Nguồn: https://www.thebetterindia.com

Câu chuyện nhà vườn

Bên trên